TS. Lê Xuân Nghĩa: Giảm lãi suất tạo điều kiện cho NH và DN “cầm cự” qua Covid-19
Kể từ 17/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 0,5%/năm đối với lãi suất thị trường mở (OMO) từ 4%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống còn 5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Cùng với đó, trần lãi suất huy động VND của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng loại không kỳ hạn giảm 0,3%/năm (từ 0,8%/năm xuống còn 0,5%/năm); loại có kỳ hạn từ 1 tháng-6 tháng giảm 0,25%/năm (từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm). Giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của TCTD đối với khách hàng thuộc 05 lĩnh vực ưu tiên (từ 6%/năm xuống còn 5,5%/năm). Và NHNN tăng lãi suất tiền gửi trong dự trữ bắt buộc bằng VND của TCTD tại NHNN thêm 0,2%/năm, từ 0,8%/năm lên 1%/năm.
Trước đó, vào năm 2019 nhà điều hành cũng đã 2 lần giảm các loại lãi suất chủ chốt (tháng 9 và tháng 11) nhưng với bước giảm nhẹ chỉ 0,25%/năm trong mỗi lần điều chỉnh. "Thị trường sợ nhất là khủng hoảng thanh khoản, nhưng điều đó đến thời điểm này NHNN cầm chắc kiểm soát được. Chúng tôi quyết định điều chỉnh một loạt các lãi suất để giúp các Ngân hàng thương mại (NHTM) giảm chi phí, từ đó tính đến giảm lãi suất đầu ra", lãnh đạo NHNN lý giải về việc giảm mạnh lãi suất điều hành.
Thậm chí quyết định giảm lãi suất điều hành lần này cũng không gây bất ngờ đối với thị trường bởi "tín hiệu" giảm lãi suất đã được Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát đi trong cuộc họp báo trước đó, trước khi Cục dữ trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất về 0% vào ngày 15/3 vừa qua.
Giới chuyên gia nhìn nhận, quyết định hạ lãi suất cơ bản và một loạt lãi suất điều hành lần này thực sự là động thái rất quyết liệt và mạnh tay của NHNN đối với thị trường và các NHTM. Không chỉ hợp thời điểm mà còn đúng liều lượng.
Theo nhận xét của TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, động thái giảm lãi suất là nhanh chóng và phù hợp. Đặc biệt là sau khi Fed giảm mạnh lãi suất từ 1-1,25% xuống còn 0-0,25% và cũng rất nhiều NHTW các nước cũng trong giai đoạn áp dụng mức lãi suất cơ bản thấp. "NHNN điều chỉnh kịp thời lãi suất điều hành để làm sao hỗ trợ thanh khoản VND cho hệ thống NHTM tạo điều kiện cung ứng dòng vốn tốt hơn cho doanh nghiệp (DN)", TS. Tín nhận định.
So với lần điều chỉnh trước đó, mức hạ lãi suất điều hành tại thời điểm này có phần "tích cực" hơn như tái cấp vốn, lãi suất vay qua đêm giảm 1%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm 0,5%. Theo vị chuyên gia này, mức độ điều chỉnh tương quan với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là lạm phát và tỷ giá.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính dẫn chứng thêm, các mức cắt giảm như vậy là vừa phải, phù hợp với bối cảnh hiện nay, không gây tác động tiêu cực đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong đó có lạm phát, tỷ giá cũng như sẽ không tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất trung, dài hạn.
"Nếu tốc độ tăng CPI trung bình năm 2020 xoay quanh mức 4%, thì một số lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn sau khi điều chỉnh vẫn ở mức thực dương. Chưa kể các lãi suất huy động và cho vay trung, dài hạn vẫn được neo ở mức cao, nên quyết định hạ lãi suất điều hành vừa qua sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát trong thời gian tới".
Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất điều hành tới kinh tế vĩ mô, theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc giảm lãi suất điều hành không ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi các yếu tố có thể tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô là lạm phát, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt. Đơn cử như với tỷ giá, việc Fed giảm lãi suất sẽ làm giảm độ hấp dẫn của đồng USD, khiến đồng USD giảm giá, qua đó làm dịu áp lực đến tỷ giá trong nước.
Ông Nghĩa cho rằng, động thái này của NHNN không nhằm mục đích kích cầu mà tác động quan trọng nhất là hỗ trợ các NHTM, hỗ trợ cho DN có điều kiện cầm cự qua giai đoạn khó khăn này để mà có khả năng phục hồi khi dịch Covid-19 đi qua. Lần giảm lãi suất điều hành này của NHNN tác động gián tiếp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chứ không ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá cao phản ứng của NHNN "đủ thận trọng" để vẫn kiểm soát được lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh lạm phát Việt Nam chưa phải là thấp trong quyết định giảm lãi suất lần này. Trong khi "động thái điều chỉnh chính sách của NHNN mặc dù mạnh hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn tạo ra dư địa nhất định để vào thời điểm cần thiết cơ quan này vẫn có thể tiếp tục làm mạnh hơn trên cơ sở vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô", ông Võ Trí Thành nhận xét.