TS Võ Trí Thành: Hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách ở trái phiếu để đầu tư công chưa chi được

18/11/2022 21:36 GMT+7
Theo các chuyên gia, tiếp cận vốn trên thị trường từ những tháng đầu năm đã rất khó khăn. Ngành bất động sản bị siết kéo theo hàng loạt ngành sản xuất kinh doanh khác bị điêu đứng theo. Trong khi đó, hàng trăm ngàn tỷ ngân sách đầu tư công không chi được...

Ngành bất động sản không tiếp cận được vốn kéo theo loạt ngành sản xuất khác bị ảnh hưởng

Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 4 với chủ đề Gỡ nghẽn dòng tiền do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest cho biết, câu chuyện thanh khoản trên thị trường tiền tệ không phải là mới. Hết quý I/2022 câu chuyện về room tín dụng và tiếp cận vốn trên thị trường đã rất nhức nhối. Hiện đã giữa tháng 11/2022, sự kiện liên quan đến thị trường trái phiếu xảy ra, theo đó, tiếp cận vốn với doanh nghiệp lại càng trở nên khó khăn hơn.

Việc nhà đầu tư mất niềm tin toàn bộ vào thị trường trái phiếu dẫn đến việc rút tiền đồng loạt khiến thị trường trái phiếu không thể đáp ứng được trong một thời gian ngắn.

TS Nguyễn Trí Thành: Hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách ở trái phiếu để đầu tư công chưa chi được - Ảnh 1.

TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest. Ảnh Báo Đầu tư

Thị trường cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng dẫn đến doanh nghiệp không thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu. Thị trường tín dụng từ giữa tháng 4/2022 đã xảy ra hiện tượng bị nghẽn tín dụng do sự tăng trưởng tín dụng nhanh và mạnh sau thời kỳ Covid và các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn.

Khi các doanh nghiệp bất động sản không tiếp cận được vốn, các doanh nghiệp liên quan cũng không thể tiếp cận được vốn và không có nguồn để hoạt động kinh doanh bởi doanh thu. 

"Nếu chỉ nói riêng ngành bất động sản thôi thì chúng ta thấy nó chỉ là một ngành trong nền kinh tế nhưng nó lại rất rộng, bao gồm bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản du lịch,... nhưng chúng ta cần xem xét dạng bất động sản nào nên hạn chế và dạng bất động sản nào nên thúc đẩy.

Chính vì chưa phân định được điều này dẫn đến việc chúng ta làm hạn chế chung cho toàn ngành bất động sản trong việc tiếp cận vốn. Khi toàn bộ các nhóm ngành bất động sản khó khăn trong việc tiếp cận vốn nên các ngành khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa bàn đến mở rộng việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng càng bị thu hẹp lại", TS Trần Minh Tuấn nói.

Ví dụ như các ngành sản xuất kinh doanh thiết yếu khác khi họ có hạn mức tín dụng nhất định với các ngân hàng thương mại, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của họ có tiền về, trả vào hạn mức tín dụng, các ngân hàng thương mại lại không cấp tín dụng ra nữa do hết room. Điều này khiến các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc xoay sở trả tiền nguyên vật liệu, nhân công để tiếp tục trong vận hành sản xuất kinh doanh.

Điều này dần dần làm thu hẹp sản xuất kinh doanh khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục duy trì hoạt động, chưa nói đến việc mở rộng hoặc yếu tố ngoại cảnh như đơn hàng xuất khẩu bị chậm hay nhu cầu trên thế giới sụt giảm, dẫn đến dòng vốn luân chuyển trong doanh nghiệp bị khó.

"Hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách qua phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư công phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển chưa chi được"

Bàn luận xung quanh câu chuyện thanh khoản room tín dụng, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kinh tế Việt Nam có mấy đặc thù:

Thứ nhất, trong những tháng đầu năm nay, do nhu cầu phục hồi kinh tế, tốc độ tăng tín dụng rất mạnh. Cả năm nay room tín dụng dự kiến khoảng 14% nhưng nếu so từng tháng với năm trước, năm nay có thời điểm tốc độ tăng room tín dụng đạt tới 17%. Những giai đoạn như vậy, tổng cung tiền chỉ tăng 5-6% nhưng tín dụng tăng nhanh nên áp lực thanh khoản đối với không ít ngân hàng rất khó khăn, đòi hỏi phải tăng lãi suất để huy động vào.

TS Nguyễn Trí Thành: Hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách ở trái phiếu để đầu tư công chưa chi được - Ảnh 2.

Các chuyên gia tại Talk Chọn danh mục

Thứ hai, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều năm trì hoãn dần dần tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhưng nhiều tháng đầu năm nay, tỷ lệ tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản (cả cho nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng cá nhân vay để sửa chữa nhà hay là đầu tư thứ cấp) lại tăng nhanh hơn mức tăng trung bình của tín dụng.

Theo đó, khi cho vay trung và dài hạn, khoản vay có thể thu lại được theo thời gian lại giảm đi, chưa nói đến các vấn đề khó khăn, nợ xấu khi cho vay trung và dài hạn.

"Khi khoản cũ thu lại chậm thì việc cho vay cũng khó. Bởi nếu thu hồi được khoản cũ mà cho vay sẽ không ảnh hưởng gì đến room tín dụng, vì thế kiến doanh nghiệp khiến cho khó tiếp cận khoản vay. Đấy là lý do tôi muốn bổ sung vì sao thanh khoản trên thị trường bên cạnh khó khăn tổng thể, còn có những đặc thù của hệ thống tài chính của mình cũng như hoạt động huy động tín dụng trong năm nay. Có những giai đoạn có ngân hàng huy động được 10 đồng thì cho vay 9,5 đồng", TS Võ Trí Thành nói.

Bên cạnh đó, một lượng tiền rất lớn lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách qua phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư công phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển chưa chi được. 

Ông Thành cho rằng, đầu tư công vốn được kỳ vọng sẽ trở thành động lực nhưng rất tiếc đầu tư công lại chậm.

Từ khoảng quý III/2022 đến nay xuất khẩu cũng đã giảm và theo dự báo sang năm trụ đỡ về xuất khẩu này cũng sẽ giảm.

Vị chuyên gia này cũng phân tích thêm, thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tăng trưởng và hồi phục. Đó là việc phải đánh đổi mà nhiều nước phải làm. Việt Nam đang cố gắng một mặt giữ ổn định, mặt khác đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng và ít nhất cũng cố hạn chế được tác động tiêu cực từ bên ngoài do các điều kiện tài chính tiền tệ khó khăn ngặt nghèo hơn. Để làm sao hạn chế tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất kinh doanh và phục hồi. Bài toán này thực sự khó.



An Vũ
Cùng chuyên mục