Từ tô phở tới hạt gạo: Vì sao ngon mà giá vẫn “bèo”?
Từ câu chuyện "bát phở"…
Phở bò là món ăn đặc sản và là món ăn đặc trưng cho ẩm thực Việt. Phở ra đời từ những năm 20 của thế kỷ trước và nhanh chóng trở thành món ăn phổ biến đối với mọi người dân Việt. Trên nhiều trang bình chọn ẩm thực quốc tế, phở liên tục lọt top những món ăn đường phố ngon nhất Việt Nam.
Tuy nhiên nhiều thực khách không khỏi ngạc nhiên trước mức giá của 1 bát phở. Một bát phở trung bình có giá 30.000-40.000 đồng, cao cấp hơn là 60.000-70.000 đồng, rất rẻ so với công sức làm ra một tô phở ngon.
Một đầu bếp từng làm việc tại Nhật Bản chia sẻ rằng, phở Việt Nam nấu kì công hơn và tinh tế hơn mì ramen của Nhật, nhưng giá bán luôn rẻ hơn, thậm chí chỉ bằng 1/5, 1/6. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là người dân Việt Nam lại chấp nhận mức giá 130-150.000 đồng cho một tô ramen chỉ bởi vì nó là của Nhật, còn phở chỉ 30.000 đồng vì nó là của Việt Nam. Chính tâm lí ấy đã khiến giá trị của "đặc sản Việt Nam" bị giảm rất nhiều và không đúng với bản chất của nó.
… đến hạt gạo Việt.
Với mỗi người dân Việt Nam, hạt gạo luôn là "hạt vàng", bởi nó được cấu thành bởi bao nhọc nhằn vất vả của người nông dân và thể hiện sự sung túc, đầm ấm. Tuy nhiên nghịch lý gạo Việt ngon nhất thế giới nhưng lại được bán "giá bèo". Gạo Việt ngon nhất thế giới nhưng giá bán cao nhất chỉ 750 - 800 USD/tấn; trong khi gạo Thái Lan với phẩm chất tương tự, được bán với giá lên đến 1.100 - 1.200 USD/tấn.
Trên tờ Người lao động, ông Phạm Thái Bình, từ Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, nhận xét: "Gạo Việt chất lượng chẳng thua ai, chỉ thua một cái là kém nổi tiếng. Sở dĩ gạo Thái Lan, Campuchia có giá cao là do họ làm thương hiệu tốt, tạo được niềm tin về chất lượng với khách hàng. Trong khi đó, gạo xuất khẩu của Việt Nam dù chất lượng cao nhưng không ai biết nên luôn có giá thấp, dẫn đến dù đã chuyển qua xuất khẩu gạo chất lượng cao nhưng giá trị thu về cũng không thay đổi nhiều so với thời kỳ xuất khẩu gạo thường".
Gạo Campuchia không cạnh tranh về lượng như gạo Thái Lan hay Việt Nam, xét về "tuổi đời" thì lại càng không. Bởi Việt Nam đã có thâm niên xuất khẩu gạo 30 năm, sang 150 quốc gia. Tuy nhiên chỉ tập trung ở mức thấp, giá trung bình. Còn Campuchia lại chọn nước đi "chắc, vững" khi mới chỉ xuất được vài chục nước, nhưng lại tập trung vào những thị trường khó tính như EU, Mỹ. Một chuyên gia trong ngành gạo của Campuchia tiết lộ, họ ưu tiên sản xuất gạo hữu cơ và gạo sạch được sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững. Những giống lúa này sẽ làm cho gạo Campuchia cạnh tranh hơn so với gạo của Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ.
Mục đích cuối cùng của xuất khẩu là thu lại được lợi nhuận cao nhất, chứ không phải sản lượng lớn nhất. Nên dù có được đứng trong top đầu những nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới thì giá trị thu về từ hạt gạo cũng sẽ không lớn nếu như không nâng được giá thành của nó.
Về những hướng đi trong tương lai, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng, chúng ta phải xác định rõ rằng nhu cầu thị trường của thế giới rất đa dạng. Với những nước như Châu Phi, Indonexia,… nhu cầu về chất lượng không phải quá cao cấp thì chúng ta vẫn sẽ phải có một diện tích trồng nhất định để đáp ứng. Song song với đó, chúng ta cần xác định những thế mạnh của gạo Việt Nam như hương vị, chất lượng,… và hoàn thiện việc nâng cao thương hiệu để đưa gạo Việt vào những thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải xác định những hạn chế còn tồn tại như việc truy xuất nguồn gốc, quyền sở hữu trí tuệ, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc tổ chức thu mua, bảo quản sản phẩm,… đều phải chú ý thực hiện để nâng cao giá trị hạt gạo hơn nữa trong tương lai.