Tư vấn viên ép khách mua bảo hiểm sẽ bị phạt 100 triệu đồng

19/09/2023 11:54 GMT+7
Nội dung được đưa ra trong dự thảo sửa đổi Nghị định của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm và xổ số do Bộ Tài chính chủ trì đang đưa ra lấy ý kiến dư luận.

Theo đó, Bộ Tài chính nâng mức xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm đối với cá nhân từ mức 40 - 50 triệu đồng/ cá nhân vi phạm lên mức 90 - 100 triệu đồng/cá nhân vi phạm.

Cá nhân là tư vấn viên bảo hiểm được xem là có hành vi vi phạm như không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho người mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của bên mua khi giao kết hợp đồng bảo hiểm; không cung cấp cho bên mua bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Tư vấn viên ép khách mua bảo hiểm sẽ bị phạt 100 triệu đồng - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất siết hoạt động bảo hiểm và xử lý sai phạm bảo hiểm nhân thọ, trong đó quy định việc tư vấn viên ép khách mua bảo hiểm sẽ bị phạt 100 triệu đồng (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, các hành vi được coi là vi phạm như tư vấn viên có hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm; tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm; không thể hiện rõ việc tham gia bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối; triển khai sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định…

Ngoài cá nhân, quy định của Nghị định cũng xử phạt đối với tổ chức để xảy ra sai phạm với mức tiền tối đa là 200 triệu đồng.

Về hình thức phạt bổ sung, Bộ Tài chính đề nghị trường hợp vi phạm nêu trên sẽ thu hồi Giấy phép đặt văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Điều 77 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, khoản 1 Điều 61 Nghị định 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ đối với hành vi vi phạm điểm a khoản 1 Điều này.

Thu hồi giấy phép thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đối với hành vi vi phạm điểm b khoản 1 Điều này.

Thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đối với hành vi vi phạm điểm c khoản 1 Điều này.

Như Dân Việt đưa tin, tháng 7/2023, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.

Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nói trên có 4 sai phạm như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Theo Bộ Tài chính, đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.

An Linh
Cùng chuyên mục