Tỷ giá có thể về 24.300 VND/USD vào cuối năm nay
Áp lực tỷ giá VND hạ nhiệt khi Fed có quan điểm bớt diều hâu về chính sách tiền tệ
Trong cuộc họp gần đây nhất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đầu tháng 11, Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành trong phạm vi mục tiêu 5,25-5,50%. Đây là cuộc họp thứ hai liên tiếp Fed giữ nguyên lãi suất điều hành sau đợt tăng kéo dài trước đó.
Tiếp theo đó, chỉ số CPI tháng 10 của Hoa Kỳ cũng như Chỉ số giá sản xuất (PPI) mới công bố đều thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Còn theo công bố mới nhất, chỉ số PMI Sản xuất ISM của Mỹ đạt dưới mức ước tính trong tháng 11, cho thấy hoạt động của nhà máy đang sụt giảm lần thứ 13 liên tiếp. Ngoài ra, chỉ số lạm phát PCE của Hoa Kỳ cho thấy giá cả đang chậm lại, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục đạt mức cao nhất trong hai năm.
Do đó, thị trường đang nghiêng về kịch bản Fed tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 12/2023 và cắt giảm lãi suất sớm nhất vào quý II/2024. Điều này không hỗ trợ cho đà đi lên của đồng USD.
Tính đến ngày 13/11/2023, chỉ số DXY của đồng đô la Mỹ đã giảm xuống 105,6 điểm, giảm 1,2% so với mức đỉnh gần nhất ngay trước cuộc họp tháng 11 của Fed. Còn tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số DXY của đồng đô la Mỹ đã về sát ngưỡng 103 điểm. Giới phân tích cho rằng, đồng USD có thể sẽ suy yếu thêm hai quý nữa, đặc biệt khi xu hướng cắt giảm lãi suất của Fed ngày càng rõ ràng hơn.
Trong nước, DXY yếu hơn đã kéo tỷ giá USD/VND xuống 24.450 VND/USD, giảm 1,25% so với mức giá đỉnh gần nhất ghi nhận vào ngày 26/10/2023 (theo giá bán USD niêm yết tại Vietcombank), và tăng hơn 3% so với đầu năm.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận thị trường và Chính sách vĩ mô, Khối Phân tích tại Công ty Chứng khoán VnDirect kỳ vọng, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong giai đoạn cuối năm 2023 do Fed có thể tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất. Theo đó, tỷ giá USD/VND có thể sẽ dao động trong khoảng 24.300-24.400 VND/USD.
Vị này chỉ ra một số yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng. Thứ nhất là, thặng dư thương mại cao kỷ lục. Hai là, thặng dư tài khoản vãng lai cao. Ba là, FDI và kiều hối ổn định.
Bơm tiền qua kênh OMO khi áp lực tỷ giá giảm bớt
Ông Đinh Quang Hinh cho biết, áp lực tỷ giá giảm bớt tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước bơm lượng tiền đã hút ròng trước đó ra thị trường thông qua kênh OMO. Trong tuần từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 11, NHNN đã bơm ròng khoảng 50 nghìn tỷ đồng qua kênh OMO, nhờ đó giảm lượng tín phiếu đang lưu hành xuống gần 155 nghìn tỷ đồng. Động thái này đã tạm thời xóa tan lo ngại thị trường về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ do áp lực tỷ giá.
Về lãi suất, lãi suất tiết kiệm đã về mức thấp, như đã từng thấy trong giai đoạn Covid-19 (2021- 6 tháng năm 2022) do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu. Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái mức đã giao cho các Tổ chức tín dụng. Theo đó dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn khoảng 6,2% tương đương khoảng 735 nghìn tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.
Ngoài ra, Chính phủ còn thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Chuyên gia kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ ở mức 5,2%/năm vào cuối năm 2023. Cùng với đó, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay nhờ chi phí huy động của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian gần đây.