Tỷ giá trung tâm vượt 25.000 VND/USD, CEO OCB nói "Ngân hàng Nhà nước đang ở thế rất khó"

Linh Anh
04/06/2025 09:29 GMT +7
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang ở vị thế cực kỳ khó khi đối mặt với bài toán điều hành chính sách. Một mặt, cơ quan điều hành cần duy trì ổn định vĩ mô; mặt khác, cần hỗ trợ tăng trưởng.

Sáng nay (4/6), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố đang đứng ở mức 25.004 VND/USD, tăng 22 đồng so với chốt phiên giao dịch cuối tuần qua.

Theo biên độ +/-5% tỷ giá trần và sàn mà các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 23.753 - 26.254 VND/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước tăng 11 đồng chiều mua và 13 đồng chiều bán, hiện ở mức: 23.783 - 26.181 VND/USD mua - bán.

Như vậy, so với phiên đầu năm 24.235 đồng/USD, ước tính tỷ giá trung tâm đã tăng 769 đồng trong 6 tháng qua. Qua đó cho thấy, tỷ giá VND/USD đã tăng tương ứng khoảng trên 3%, trong khi cả năm 2024 chỉ tăng 4,31% so với đầu năm.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). (Ảnh: BTC).

Chia sẻ tại Vietnam Investment Forum 2025: Mid-Year Update với chủ đề "Cập nhật bối cảnh vĩ mô: Những thay đổi chính sách đang vẽ lại bản đồ đầu tư" , ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) nhận định rằng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hay thậm chí đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ, khiến cho thị trường mới nổi gặp nhiều áp lực bao gồm cả Việt Nam. Các nhà đầu tư có xu hướng rút hết ở thị trường mới nổi và đầu tư vào thị trường mới.

Theo ông, bản thân Fed cũng gặp khó khi ông Donald Trump nhiều lần đe dọa sa thải Chủ tịch Fed nhưng chưa tìm được biện pháp nào để sa thải được nhanh, do đó thị trường cũng đang rất rối. Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, vị thế đồng USD có thể suy giảm.

"Nếu tạm gác yếu tố Trump và các rào cản thương mại, lịch sử thị trường tài chính luôn vận động theo chu kỳ. Trung bình mỗi năm, Mỹ thâm hụt ngân sách khoảng 2.000 tỷ USD. Nếu là doanh nghiệp đang đi vay, năm nào cũng tiêu xài nhiều hơn phần thu về thì chắc sẽ phá sản sớm. May mắn là Mỹ nắm được lợi thế khi sở hữu đồng tiền thanh toán quốc tế", ông Hải phân tích.

Trong bối cảnh bất ổn hiện nay, nhiều quốc gia tham dự thương mại toàn cầu đang tìm cách chuyển dịch đồng tiền thanh toán quốc gia ra khỏi USD, để tránh phụ thuộc vào USD. Đây được xem là cơ hội rất lớn cho thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang ở vị thế cực kỳ khó khi đối mặt với bài toán điều hành chính sách. Một mặt, cơ quan điều hành cần duy trì ổn định vĩ mô; mặt khác, cần hỗ trợ tăng trưởng.

"Về lý thuyết, hạ lãi suất nhưng tỷ giá cũng chịu áp lực. Chúng ta cũng không muốn VND mất giá quá nhiều, sẽ bị quy vào dùng tỷ giá để kích thích xuất khẩu. Đây là bài toán rất khó của Việt Nam hiện nay", ông Hải cho hay.

Chính vì vậy, chuyên gia kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ đàm phán tốt về thương mại với Mỹ, kết hợp với tình hình ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô và định hướng cải cách đất nước, sẽ thực sự mở ra rất nhiều cơ hội mới cho Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực. Nguồn: Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng tỷ giá USD/VND sẽ chịu ảnh hưởng đan xen của các yếu tố kinh tế toàn cầu và chính sách tiền tệ trong nước. Theo dự báo của ông, tỷ giá USD/VND năm 2025 có thể tăng khoảng 3% so với năm 2024, phản ánh mức độ mất giá nhẹ của đồng Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Kinh tế Mỹ và những ‘lực kéo’ tỷ giá USD/VND.

Ông giải thích rằng mức tăng này phản ánh sự mất giá tương đối của đồng Việt Nam so với USD, phù hợp với diễn biến kinh tế toàn cầu và các yếu tố nội tại.

Ông Lực phân tích thêm rằng nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, nhu cầu đầu tư vào đồng USD sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Điều này sẽ tạo thêm áp lực khiến tỷ giá USD/VND tăng nhẹ trong bối cảnh nhu cầu trú ẩn tài sản bằng USD vẫn được duy trì ở mức đáng kể.

Cùng với đó, giá dầu được dự báo sẽ duy trì ổn định trong khoảng 59-60 USD/thùng, giúp Mỹ kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời củng cố vị thế của đồng USD trên thị trường quốc tế.

TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh yếu tố này là một trong những “lực kéo” chính giữ tỷ giá USD/VND ở mức cao trong năm 2025. Ông nhận định rằng việc đồng USD vẫn đóng vai trò là đồng tiền thanh khoản chính trong thanh toán quốc tế cũng góp phần duy trì áp lực tăng tỷ giá USD/VND.

Dẫu vậy, ông khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn kiểm soát được biến động tỷ giá trong biên độ cho phép, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông chia sẻ thêm: “Chính sách lãi suất trong nước sẽ tiếp tục ổn định cả lãi suất đầu vào và đầu ra” để đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo ông, mặt bằng lãi suất đầu vào vẫn được duy trì ở mức hợp lý để thu hút dòng vốn nhàn rỗi từ người dân và doanh nghiệp, trong khi lãi suất đầu ra cũng được giữ ở mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Thủ tướng đã chỉ đạo dứt khoát là không được tăng lãi suất cho vay” nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025.