"Vay được gói 16.000 tỷ đồng thì doanh nghiệp cũng chết rồi"
NHNN đã ban hành Thông tư 05 và các văn bản hướng dẫn thực hiện cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% trong gói 16.000 tỷ đồng và gói này được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội để doanh nghiệp vay trả lương người lao động khi gặp khó khăn vì ảnh hưởng của COVID-19 nhưng trớ trêu thay, chỉ có 1 doanh nghiệp đủ tiêu chí đăng ký rồi sau đó lại không vay nữa.
Tiền có sẵn nhưng không thể vay
Giám đốc một doanh nghiệp da giày ở Hải Dương thẳng thắn nói: "Chờ tiếp cận được gói vay 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0% để cầm cự qua dịch thì chúng tôi chết rồi. Những điều kiện vay khó hơn lên trời, chưa kể nghịch lý là chỉ những doanh nghiệp phá sản mới vay được. Quá vô lý. Hỗ trợ là để doanh nghiệp sống sót qua đại dịch, nhưng đây lại đang làm khó dễ chính những doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất".
Anh Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc công ty TH-Media (Thanh Xuân, Hà Nội) hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo than: “Giữa COVID-19, doanh nghiệp của tôi phải cắt giảm nhiều chi phí, các hợp đồng quảng cáo gần như bị ngưng trệ và không có khách hàng mới trong nhiều tháng trời do các công ty đều gặp khó khăn chung. Đã có thời điểm tôi tính đến việc vay gói hỗ trợ doanh nghiệp 16.000 tỷ đồng để trả lương, giữ chân nhân sự, phòng sau dịch bệnh sẽ hồi phục doanh nghiệp. Nhưng các tiêu chí đặt ra quá cao và vô lý khiến tôi phải từ bỏ ý định”.
Anh Hà giải thích, tiêu chí làm khó doanh nghiệp nhất chính là yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh đang gặp khó khăn về tài chính và không có nguồn thu thì mới được vay.
"Đây là điều quá khó vì doanh nghiệp còn hoạt động là còn tạo ra doanh thu. Nếu như doanh nghiệp không có doanh thu hoặc nguồn tài chính để trả lương cho người lao động nghĩa là đang ở trạng thái phá sản hoặc "chết lâm sàng", như vậy thì còn gì để chứng minh?", anh Hà đặt câu hỏi.
Anh Hà chia sẻ thêm, mặc dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn còn nguồn tiền đủ để trả lương một phần cho nhân viên. Nếu tiếp cận được nguồn tiền hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ có tiền để bù vào quỹ lương, còn quỹ dự phòng có thể dùng để phục hồi sau dịch. Nhưng những tính toán này không thể thực hiện vì vay được vốn còn "khó hơn lên trời".
Chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch lần này, anh Lê Trung Dũng, chủ một khách sạn tại Hạ Long (Quảng Ninh) cũng bức xúc: "Mặc dù mấy tháng qua, lượng khách du lịch rất ít, thu không đủ chi nhưng chúng tôi cũng chỉ cắt giảm giờ làm và cho nhân viên luân phiên nghỉ chứ không sa thải. Trong khi đó, quy định để được vay vốn phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên. Chính vì thế chúng tôi cũng không đủ tiêu chí để vay vốn mặc dù rất cần. Việc đưa ra những điều kiện như vậy khác nào mang mồi nhử doanh nghiệp?".
"Gói 16.000 tỷ đồng là một thất bại"
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin gói vay 16.000 tỷ đồng không được bất cứ doanh nghiệp nào đăng ký. Còn nhớ, ngay từ tháng 6, khi gói này triển khai được hơn một tháng, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng phàn nàn về những điều kiện của gói vay do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Thủ tướng. Theo doanh nghiệp, những điều kiện khắt khe đến mức vô lý sẽ là nguyên nhân khiến gói vay bất động, không thể giải ngân.
"Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có nghĩ đến tình huống nếu doanh nghiệp chứng minh được việc khó khăn, phải đi vay để trả lương thì có khi chẳng ai còn muốn làm ăn cùng nữa không?", một chuyên gia đặt câu hỏi.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, gói vay 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp có thể coi là một thất bại trong việc thực hiện ý tưởng của Thủ tướng, mà trách nhiệm trực tiếp thuộc về các cơ quan thực thi, đề xuất.
“Họ đưa ra các điều kiện quá khắt khe. Rất nhiều doanh nghiệp dệt may nói rằng họ đói vốn nhưng với điều kiện này thì họ phải phá sản rồi mới tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan đề xuất những điều kiện này cần phải xem xét thực sự nghiêm túc và rút kinh nghiệm. Khoảng cách giữa người thiết kế ra các tiêu chí đối với thực tế là rất xa nhau”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp đang rất cần vốn, cần hỗ trợ để vực dậy sau khi bị COVID-19 tàn phá. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng khiến cho doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn khi không thể tiếp cận được nguồn tiền mà đáng ra mình được hưởng.
"Liệu khi đưa ra những tiêu chí đó, cơ quan chức năng có trao đổi với doanh nghiệp hay không? Đây là việc làm cần rút kinh nghiệm mà cụ thể ở đây là Bộ LĐ-TB&XH cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc cho những lần tham mưu sau", ông Doanh nói.
Cùng quan điểm với chuyên gia Lê Đăng Doanh, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng nhận định: “Về cơ bản, gói 62.000 tỷ nói chung và 16.000 tỷ nói riêng được triển khai quá chậm và đây cũng là bài học về cách thức thực thi. Chỉ tiêu được đặt ra quá ngặt nghèo, không phù hợp với thực tế tình hình của dịch bệnh khiến cho sự hỗ trợ khó đến được doanh nghiệp”.
Theo ông Thành, tiêu chí "doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết 30/6" là không hợp lý bởi như vậy gói vay này cũng chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đã trả trước 50% lương tối thiểu trên mỗi lao động, tức khoảng 2 triệu đồng theo mức lương cơ bản. Đối với doanh nghiệp có từ 5-10 lao động thì số tiền được vay cũng chỉ là 10-20 triệu đồng. Doanh nghiệp lớn hơn với khoảng 100 lao động thì số tiền vay cũng chỉ là 200 triệu đồng, trong khi đó thủ tục lòng vòng rất mất thời gian cũng khiến các doanh nghiệp chùn chân.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng 3 tiêu chí quan trọng để doanh nghiệp có thể tiếp cận với gói vay này gồm: doanh nghiệp không nợ xấu, doanh nghiệp phải trả 50% bảo hiểm, doanh nghiệp phải chứng minh hết tiền là hết sức “vớ vẩn”. “Để gói vay phát huy tác dụng, doanh nghiệp chỉ cần chứng minh họ vay dòng tiền đó về để trả lương và có xác nhận. Các cơ quan chức năng chỉ việc kiểm tra xem nguồn tiền được sử dụng đúng mục đích hay không. Như vậy vừa đảm bảo sự hỗ trợ đến đúng đối tượng, mà không phải thông qua quá nhiều cầu như vừa rồi”, ông Phong nói thêm.
Sẽ hạ tiêu chí gói vay
Liên quan đến gói vay 16.000 tỷ đồng, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh khẳng định, Bộ đang sửa đổi điều kiện tiếp cận gói vay 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương. Theo đó, Bộ đề nghị Chính phủ bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay.
“Doanh nghiệp chỉ cần giảm doanh thu và gặp khó khăn là sẽ được vay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng này, không cần đến mức không có doanh thu”, Thứ trưởng khẳng định.
Lý giải việc đưa ra tiêu chí khắt khe khiến gói tín dụng 16.000 tỷ đồng không thể giải ngân, Thứ trưởng cho biết, thời điểm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, Bộ phải cân nhắc đến khả năng chịu đựng của ngân sách, đề phòng sự trục lợi chính sách đồng thời cũng chưa biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc. Tuy nhiên, hiện điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đã tốt hơn, tác động của COVID-19 cũng rõ hơn nên sự điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết.
Trong khi đó, tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2020 diễn ra sáng 22/9, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang được giao đầu mối trình Chính phủ xem xét sửa một số điều kiện tại Nghị quyết 42 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.
Điều kiện để được vay vốn trả lương
- Có từ 20% hoặc từ 30 lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc từ 1/4/2020 đến 30/6/2020.
- Thời gian ngừng việc phải liên tục từ 1 tháng trở lên.
- Người sử dụng lao động đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương.
- Người sử dụng lao động đang gặp khó khăn về tài chính, không có nguồn tài chính để trả lương.
- Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, NH nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
DN có nhu cầu gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện. Trong 3 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định rồi trình chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt và gửi chi nhánh NH Chính sách xã hội làm thủ tục cho vay.