Vay một tỷ USD làm tuyến Metro Số 2
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) cho biết, khoản vay một tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng) sẽ thay thế cho khoản vay 390 triệu USD vừa hủy trước hạn. Hiện, UBND TP HCM làm việc với Bộ Tài chính, sau đó báo cáo Thủ tướng thực hiện các thủ tục thẩm định điều kiện vay.
Theo MAUR, việc hủy khoản vay trước đó đã được UBND TP HCM tính toán khi phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vào cuối năm ngoái (từ hơn 26.000 tỷ đồng lên 47.800 tỷ đồng), do đó không ảnh hưởng đến thực hiện dự án.
Liên quan nguồn vốn tại dự án Metro Số 2, theo Bộ Tài chính, toàn bộ vốn vay của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho dự án cũng đã hủy. Dự án đang xin điều chỉnh tăng giá trị vay lại từ vốn của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và thành phố dự kiến vay mới từ nguồn vốn KfW, ADB.
Dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư. Do đó, để đàm phán các hiệp định vay mới và ký hợp đồng, Bộ đề nghị TP HCM báo cáo Thủ tướng phân chia giá trị cấp phát, vay lại đối với từng nguồn vay (cả cũ và dự kiến mới).
Bộ Tài chính đề cập giai đoạn 2021-2025 (thời gian dự kiến làm Metro Số 2), hạn mức vay vốn của TP HCM theo tính toán trước mắt chỉ gần 40.000 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD). Trong khi thời gian này, thành phố có nhiều dự án lớn triển khai nên cần xác định thứ tự ưu tiên để vay phù hợp theo hạn mức.
Được phê duyệt cách đây chục năm, Metro Số 2 có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, hợp vốn từ ba nhà tài trợ gồm: ADB (540 triệu USD); KfW (313 triệu USD) và EIB (195 triệu USD). Dự án sau đó bị nhiều vướng mắc, chậm tiến độ và gần cuối năm 2019 điều chỉnh vốn lên gần 2,1 tỷ USD.
Metro Số 2 dài hơn 11 km, trong đó đi ngầm 9,2 km, còn lại chạy trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot (nơi sửa chữa, bảo trì tàu). Toàn tuyến có 9 ga ngầm, một ga trên cao và một depot tại Tham Lương, quận 12. MAUR đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng qua 6 quận mà dự án đi qua để khởi công năm 2021.