Vì đâu lãi ròng của Trung An Rice (TAR) lao dốc tới 98%, còn vỏn vẹn hơn 800 triệu đồng?

02/11/2022 16:43 GMT+7
Trung An Rice (TAR) báo lãi hơn 2 tỷ đồng trong quý III/2022, giảm sâu tới 94% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ chỉ còn vỏn vẹn 830 triệu đồng, giảm 98% so với cùng kỳ.

Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An Rice; HNX: TAR) đã công bố BCTC hợp nhất quý III/2022 với kết quả doanh thu thuần đạt gần 490 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Giá vốn cũng giảm 30%, lợi nhuận gộp giảm 46% xuống 38,4 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính giảm mạnh 72% so với cùng kỳ, xuống 400 triệu đồng, giảm 72% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính ở mức cao với 22,7 tỷ đồng, lãi vay hơn 21 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng giảm 17%, còn hơn 8,4 tỷ đồng; trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10% lên hơn 5,7 tỷ đồng.

Vì đâu lãi ròng của Trung An Rice (TAR) lao dốc tới 98%, còn vỏn vẹn hơn 800 triệu đồng? - Ảnh 1.

BCTC của TAR

Kết quả, Trung An Rice báo lãi hơn 2 tỷ đồng trong quý III/2022, giảm sâu tới 94% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ chỉ còn vỏn vẹn 830 triệu đồng, giảm 98% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, TAR ghi nhận doanh thu đạt 2.222 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế hơn 52 tỷ đồng, giảm 9%. Lãi ròng của công ty đạt hơn 46,5 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu với doanh thu thuần 3.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2021. Kết thúc 9 tháng, TAR chỉ mới thực hiện được hơn 47% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến ngày 30/09/2022, tổng tài sản TAR tăng 37% so với đầu năm lên 2.751 tỷ đồng; tài sản ngắn hạn tăng 44,4% lên 2.037 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền giảm 74,5% xuống 22,7 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách tăng 169% lên 453,5 tỷ đồng;

Hàng tồn kho đạt gần 1.451 tỷ đồng, tăng 43%, phần lớn là nguyên vật liệu với gần 1.300 tỷ đồng, tăng 71%), thành phẩm gần 130 tỷ đồng, tăng 35%.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 19,3% lên 1.570 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn; phải trả người bán ngắn hạn tăng 41,7%;vay nợ ngắn hạn tăng 15,4% lên 1.373 tỷ đồng; vay nợ dài hạn giảm 23% xuống 15,6 tỷ đồng.

Liên quan đến TAR, HĐQT Công ty mới đây đã ra thông báo phát hành hơn 7,11 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 10:1. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức vào 11/11/2022.

Nguồn vốn phát hành đến từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán 2021, qua đó nâng vốn điều lệ của Công ty lên gần 784 tỷ đồng (tương ứng 78,4 triệu cp).

Doanh nghiệp ngành gạo sẽ được hưởng lợi?

Trong một báo cáo phân tích triển vọng ngành gạo của VNDirect mới đây cho biết, dự báo doanh nghiệp gạo như LTG, PAN, TAR sẽ được hưởng lợi lớn khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

Theo VNDirect, Lộc Trời (LTG) sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là Châu Âu và Trung Quốc. Với định hướng phát triển tập trung vào mảng lương thực, tỷ trọng doanh thu của mảng gạo đạt 39% trong năm 2021 (2020: 28%) và 57% trong 6T22.

Mặc dù biên lợi nhuận gộp của mảng thấp (2-3%), VNDirect cho rằng điều này sẽ được cải thiện nhờ giá gạo xuất khẩu tăng. VNDirect kì vọng sản lượng gạo xuất khẩu tăng sẽ kéo theo những hợp đồng với người nông dân và mở rộng vùng nguyên liệu. Từ đó sẽ thúc đẩy doanh thu của mảng thuốc bảo vệ thực vật cũng như mảng giống cây trồng của LTG.

VNDirect cho rằng Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Kinh doanh gạo là lĩnh vực chủ yếu của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính của DN này với tỷ trọng lên đến 27% doanh thu xuất khẩu. Vì vậy, VNDirect kì vọng Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam sẽ là động lực giúp TAR tăng sản lượng xuất khẩu. Hơn nữa, việc giá gạo xuất khẩu được kì vọng tăng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp vào thị trường này, nơi vốn được coi là có biên lợi nhuận thấp so với thị trường Châu Âu.

Với Tập đoàn Pan (PAN), công ty sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc Châu Âu giảm sản lượng và Ấn độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Hiện nay, mảng nông nghiệp đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của PAN khi đóng góp 19% vào tổng doanh thu và 39% vào tổng lợi nhuận gộp. Sản lượng sản xuất lúa gạo châu Âu giảm sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy sản lượng xuất khẩu. Ngoài ra, việc giá xuất khẩu gạo được kì vọng tăng sẽ giúp gia tăng biên lợi nhuận gộp của mảng lúa gạo.

An Vũ
Cùng chuyên mục