Giá lợn hơi vẫn liên tục rớt giá, thị trường khó vực dậy

10/12/2022 09:16 GMT+7
Xuất hiện thêm nhiều tỉnh giảm giá lợn hơi: Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bến Tre,... với mức giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg. Thị trường giá lợn Trung Quốc cũng liên tục giảm từ đầu tuần tới nay.

Giá lợn hơi vẫn tiếp diễn đà giảm

Giá lợn hơi ngày 09/12/2022 vẫn tiếp đà giảm. Xuất hiện thêm nhiều tỉnh giảm giá lợn hơi: Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bến Tre,... với mức giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg. Thị trường giá lợn Trung Quốc cũng liên tục giảm từ đầu tuần tới nay. Giá lợn hơi liên tục rớt giá, thị trường khó vực dậy.

Ngày 9/12 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam không trụ nổi và giảm tiếp thêm 1 giá so với  hôm qua. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 59.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP vẫn đứng ở mức 57.000 đồng/kg.

Tại Trung Quốc giá lợn hơi ngày 9/12 tiếp tục giảm. Giá lợn tại Trung Quốc ngày 9/12 đứng ở mức 76.600 đồng/kg, giảm so với mức 79.800 đồng/kg của ngày 8/12. Trước đó, giá lợn Trung Quốc liên tục đứng ở mức hơn 80.000 đồng/kg những ngày vừa qua.

Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, giá thịt lợn tại nước này tiếp tục giảm trong tuần từ ngày 28/11 đến 2/12 trong bối cảnh nước này nỗ lực tăng nguồn cung và ổn định giá thịt lợn.

Trong giai đoạn này, giá thịt lợn trung bình do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn theo dõi ở mức 28,62 NDT/kg (khoảng 4,1 USD/kg), giảm 3,6% so với tuần trước.

Giá thịt lợn cao hơn 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tăng đã giảm 3 điểm phần trăm so với tuần trước.

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, để duy trì nguồn cung và ổn định giá cả, chính quyền Trung Quốc đã xuất 7 lô thịt lợn từ kho dự trữ quốc gia ra thị trường và kêu gọi chính quyền địa phương tăng cường giải phóng thịt lợn.

Dữ liệu cho thấy giá thịt lợn trung bình hàng tuần do chính phủ theo dõi đã giảm hàng tuần kể từ cuối tháng 10/2022.

Giá lợn hơi vẫn liên tục rớt giá, thị trường khó vực dậy - Ảnh 1.

Nguồn: ANOVA FEED

Giá lợn hơi vẫn liên tục rớt giá, thị trường khó vực dậy - Ảnh 2.

Giá lợn hơi vẫn liên tục rớt giá, thị trường khó vực dậy.

Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Cụ thể, thương lái tại hai tỉnh Bắc Giang và Hưng Yên giao dịch cùng mức 54.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó 53.000 đồng/kg là giá thu mua được ghi nhận tại các địa phương bao gồm Thái Nguyên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Tuyên Quang. Mức giá thấp nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai. Tại các địa phương khác, giá lợn hơi tiếp tục được thu mua với giá 52.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Bình Thuận, giá lợn hơi đứng ở mức 51.000 đồng/kg. Mức giá này được ghi nhận tại tỉnh Đắk Lắk, đây cũng là mức giá thấp nhất khu vực. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động mới về giá. Trong đó, 52.000 đồng/kg là mức giao dịch được ghi nhận tại hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Ngãi. Ngoại trừ tỉnh Lâm Đồng duy trì giá thu mua ở mức 54.000 đồng/kg, các địa phương khác đều có cùng mức giao dịch là 53.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Theo đó, hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau tiếp tục ghi nhận giá thu mua ở mức thấp nhất và cao nhất khu vực, tương ứng là 51.000 đồng/kg và 55.000 đồng/kg. Thương lái tại các tỉnh, thành còn lại tiếp tục giao dịch trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.

Khả năng xuất khẩu được thịt lợn rất khó khăn

Giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm từ nửa cuối tháng 11/2022 do sức mua trên thị trường yếu, nguồn cung dồi dào. Dự báo, mức tăng tiêu thụ dịp Tết 2023 không như kỳ vọng.

Tết Nguyên đán đã cận kề, nhưng thị trường thịt lợn trong nước vẫn khá ảm đạm, khi nguồn cung lớn, cầu yếu và giá giảm mạnh.

Bộ Công Thương cho biết, giá lợn hơi trên cả nước giảm từ nửa cuối tháng 11/2022 do sức mua trên thị trường yếu, trong khi nguồn cung thịt lợn dồi dào, bất chấp chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn đứng ở mức cao.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 52.000-56.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022.

Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 52.000-56.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022.

Khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-55.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022.

Thời gian qua, giá lợn hơi ở nhiều địa phương đã xuống thấp dưới 60.000 đồng/kg, thậm chí có những ngày giảm xuống còn 50.000 đồng/kg. Nguồn cung trong nước đang dư thừa...

Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ nới lỏng các rào cản để được bán lợn qua biên giới. Tuy nhiên, Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, thừa nhận khả năng xuất khẩu hết sức khó khăn. Đầu tiên là điều kiện về thú y, an toàn dịch bệnh. Việt Nam hiện nay vẫn còn dịch heo tai xanh, dịch lở mồm long móng kéo dài nên ngay yếu tố quan trọng đầu tiên Việt Nam đã không đáp ứng được. Thêm vào đó, giá thịt heo sản xuất trong nước vẫn còn khá cao so với các thị trường khác. Giá lợn Campuchia hiện nay đã thấp hơn Việt Nam và hằng ngày vẫn đang có lợn nhập từ Campuchia vào.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết: Điều kiện tiên quyết để được xuất khẩu thịt lợn chính ngạch là phải sạch bệnh, không còn dịch, nhưng hiện nay cả nước vẫn có dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng kéo dài. Vì vậy, không đáp ứng được rào cản thú y của các thị trường. Nhưng quan trọng hơn, giá thịt lợn trong nước chắc chắn không cạnh tranh được với các nước khác. 

Nhiều năm trước, Việt Nam cũng đã có đàm phán nghị định xuất khẩu thịt lợn chính ngạch với Trung Quốc, nhưng các điều kiện về đảm bảo an toàn dịch bệnh chúng ta không thực hiện được. Còn xuất khẩu tiểu ngạch chỉ là giao dịch mậu biên, có khi chúng ta xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, nhưng cũng có lúc lợn từ Trung Quốc được đưa ngược lại. Trong giai đoạn hiện nay thì xuất khẩu tiểu ngạch cũng rất khó khăn.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, để thịt lợn Việt Nam xuất khẩu được thì cần phải làm rất nhiều bước, đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực của cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp.

Theo Cục Chăn nuôi, vấn đề về giá bán và xây dựng vùng chăn nuôi an toàn vẫn đang là “rào cản” lớn cho thịt lợn xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam. Hiện Việt Nam chưa có cơ sở, vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới. Việc này khiến cho xuất khẩu thịt lợn gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, thịt lợn xuất khẩu Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác vì giá thành cao (tương đương 3 USD/kg, trong khi giá thịt lợn ở Mỹ là 1,1 USD/kg). Mặt khác, giá thành chăn nuôi lợn ở Việt Nam cũng cao do nước ta phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi đó, chi phí này chiếm tới 65-70% cơ cấu giá thành chăn nuôi lợn.

Giá lợn hơi vẫn liên tục rớt giá, thị trường khó vực dậy - Ảnh 3.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, để thịt lợn Việt Nam xuất khẩu được thì cần phải làm rất nhiều bước, đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực của cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp.

Được biết, nguồn cung thịt trong nước dồi dào, nhưng cả nước vẫn chi ngoại tệ nhập khẩu một lượng thịt lớn. 10 tháng 2022, Việt Nam nhập khẩu gần 545.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Nhập khẩu các mặt hàng này từ Ấn Độ lên tới 418,63 triệu USD, tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, trong tháng 10/2022, nhập khẩu thịt từ Ấn Độ tăng hơn 114% về lượng và tăng gần 209% về trị giá so với tháng 10/2021, chiếm 20,4% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của nước ta trong tháng.

Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ mức 3.199 USD/tấn, tăng 44,3% so với tháng 10/2021.

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Nhu cầu thực phẩm cho Tết Nguyên đán 2023 sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định, mức tăng sẽ không như kỳ vọng bởi nguồn cung trong nước ở mức cao.

Hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nếu không gặp bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ được đảm bảo.

Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn (tăng 5-5,5% so với năm 2022); Sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn (tăng 4%); Sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn (tăng 4,8% so với năm 2022).


 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục