Việt Nam chi hơn 11,5 tỷ USD mua sắt thép trong năm 2021, nhập của Trung Quốc chiếm nhiều nhất

06/02/2022 14:06 GMT+7
Năm 2021, nhập khẩu sắt thép đạt 12,31 triệu tấn, tương đương 11,52 tỷ USD, giá trung bình 935,8 USD/tấn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2021, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 909.625 tấn với kim ngạch 1,03 tỷ USD, giá 1.128 USD/tấn, tăng 10% về lượng, tăng 12,2% kim ngạch và tăng 1,9% về giá so với tháng 11/2021; so với tháng 12/2020 thì giảm 9,8% về lượng, nhưng tăng 43% về kim ngạch và tăng 58,6% về giá.

Tính chung cả năm 2021, nhập khẩu sắt thép đạt 12,31 triệu tấn, tương đương 11,52 tỷ USD, giá trung bình 935,8 USD/tấn, giảm 7% về lượng, nhưng tăng 42,8% về kim ngạch, tăng 53,8% về giá so với năm 2020.

Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ thi trường Trung Quốc, chiếm 40,3% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, đạt 4,96 triệu tấn, trị giá 4,38 tỷ USD, giá trung bình 882,2 USD/tấn, tăng cả lượng, kim ngạch và giá so với năm 2020, với mức tăng tương ứng 32%, 79,9% và 36,3%; riêng tháng 12/2021 nhập khẩu sắt thép từ thị trường này đạt 216.357 tấn, tương đương 272,93 triệu USD, giá 1.261,5 USD/tấn, tăng 53% về lượng, tăng 49,3% về kim ngạch nhưng giảm 2,5% về giá so với tháng 11/2021.

Việt Nam chi hơn 11,5 tỷ USD mua sắt thép trong năm 2021, nhập của Trung Quốc nhiều nhất - Ảnh 1.

Việt Nam chi hơn 11,5 tỷ USD mua sắt thép trong năm 2021, nhập của Trung Quốc nhiều nhất - Ảnh 2.

Nhập khẩu sắt thép năm 2021 (Tính toán theo số liệu công bố ngày 14/1/2022 của TCHQ)

Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 đạt 1,89 triệu tấn, trị giá 1,73 tỷ USD, giá trung bình 913,6 USD/tấn, giảm 22,8% về lượng, nhưng tăng 23,8% về kim ngạch, tăng 60,3% về giá so với năm 2020.

Đứng thứ 3 là thị trường Hàn Quốc đạt 1,48 triệu tấn, trị giá 1,59 tỷ USD, giá trung bình 1.074 USD/tấn, giảm 16,5% về lượng, tăng 24,4% kim ngạch, tăng 49% về giá so với năm 2020.

Nhìn chung, trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sắt thép từ hầu hết các thị trường tăng mạnh so với năm 2020.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu hơn 14 triệu tấn sắt thép trong năm 2021 với kim ngạch 12,7 tỷ USD. Như vậy trong năm 2021, ngành thép xuất siêu 1,18 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), triển vọng thị trường quý 1/2022 đang chậm lại do nhu cầu trong nước thấp. Xét thị trường tiêu thụ thép tại Việt Nam thì nhu cầu có tín hiệu tích cực cho các công trình dân dụng và hạ tầng cơ sở, đặc biệt đầu tư công lớn.

Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát cho hay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua, GDP Việt Nam đã giảm còn từ 1-2% nhưng ngành thép Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực.

Thị trường trong nước bị chững lại nhưng các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành quốc gia xuất ròng thép, sản lượng sản xuất lớn nhất Đông Nam Á, có sự đóng góp rất lớn của Hiệp hội Thép Việt Nam và Hòa Phát cũng góp phần vào sự tăng trưởng này.

Theo ông Nguyễn Thanh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Công ty CP Tôn Đông Á, ngành thép Việt Nam hướng tới phát triển thép xanh trong tương lai, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu khi thị trường này sẽ áp thuế khí thải cho các sản phẩm xuất khẩu.

Việt Nam cần chuẩn bị để giữ vững và tăng thị phần xuất khẩu. Tôn Đông Á cũng sẽ nghiên cứu tìm hiểu để khi áp thuế liên quan đến môi trường vẫn có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. Công ty CP Tôn Đông Á sẽ chú trọng đầu tư cho sản xuất sạch.

Triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19 xuyên suốt.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 09/01/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022 cùng các giải pháp duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn trong năm 2022.

An Vũ
Cùng chuyên mục