Việt Nam đang vươn lên trở thành điểm đến du lịch mới được yêu thích của Châu Á

01/03/2024 14:31 GMT+7
Theo báo cáo của Maybank, du lịch Việt Nam đã đạt được khá nhiều thành tích ấn tượng trong đại dịch và được coi là "ngôi sao mới nổi" của du lịch Châu Á, vượt qua Indonesia và bám sát Singapore trên bảng xếp hạng về lượng khách du lịch trong năm 2023.

Trong báo cáo Kinh tế Việt Nam mới phát hành của Maybank có tựa đề: "Asia’s Next Destination of Choice", tạm dịch là "Điểm đến tiếp theo được lựa chọn của Châu Á", các chuyên gia kinh tế nhận định, du lịch Việt Nam là "ngôi sao mới nổi" của Châu Á, vượt qua Indonesia và đang bám sát nút Singapore về lượng khách du lịch.

Theo báo cáo này, doanh thu từ du khách nước ngoài và địa phương của Việt Nam đã tăng gần 8 lần từ năm 2010 đến năm 2019. Tỷ trọng kinh tế của ngành du lịch tăng gấp ba lần lên 10% GDP vào năm 2019 và đã phục hồi về mức khoảng 6,6% GDP vào năm 2023 khi mở cửa trở lại. Số lượng nhân viên khách sạn và F&B (2,7 triệu) đã tăng lên 5,3% tổng số việc làm vào năm 2022 (so với 3,5% vào năm 2010). Con số này tương đương 90% so với doanh thu trước đại dịch (2019. Tuy nhiên, doanh thu trên mỗi khách du lịch vẫn tương đối khiêm tốn do ít các dịch vụ giải trí về đêm, lựa chọn mua sắm và các hoạt động tham quan phải trả phí cũng vẫn còn hạn chế.

Lượng khách đến tăng sau đại dịch tuy doanh thu từ du lịch còn hạn chế

Du khách quốc tế chỉ chi trung bình 1.015 USD cho mỗi chuyến đi trước đại dịch vào năm 2019, thấp hơn so với ở Thái Lan(1.562 USD) và Singapore (1.062 USD).

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 tăng hơn gấp ba lần so với năm trước lên 12,6 triệu vào năm 2023, vượt mục tiêu của chính phủ. Con số này đã vượt qua Indonesia và đang bám sát nút Singapore, nhưng vẫn kém xa Malaysia và Thái Lan trên bảng xếp hạng. Tháng 1/2024, lần đầu tiên lượng khách du lịch vượt qua mức trước đại dịch. Tỷ lệ lấp đầy khách sạn tại Hà Nội và TP.HCM nhiều hơn các thành phố ven biển trong nửa cuối năm 2023, một phần do tình trạng dư cung vào cuối năm.

Cũng theo báo cáo, tổng lượng khách du lịch của Việt Nam trong năm 2023 chỉ bằng 70% so với trước đại dịch. Sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc vào năm 2023 (chỉ bằng 30% so với mức của năm 2019) tụt xuống vị trí thứ hai so với các nước ASEAN. Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc trở thành nguồn khách du lịch hàng đầu tại Việt Nam. Trong khi đó, Ấn Độ trở thành nguồn khách du lịch lớn thứ 9 của Việt Nam vào năm 2023, với lượng khách đến tăng hơn gấp đôi so với mức trước đại dịch. Nga, vốn nằm trong số những quốc gia chi tiêu nhiều nhất, đã rớt khỏi top 10.

Việt Nam đang vươn lên trở thành điểm đến du lịch mới được yêu thích của Châu Á- Ảnh 1.

Mục tiêu đón khách du lịch từ các nước ASEAN của Chính phủ Việt Nam trong năm 2023 và kết quả đạt được.

Du lịch trong nước cũng bị giảm do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, cùng với đó, giá vé máy bay nội địa tăng vọt dẫn đến giá tour trong nước đắt hơn giá tour du lịch đến các nước lân cận. Lượng khách tăng vọt trong dịp Tết cho thấy nhu cầu địa phương có thể đang phục hồi.

Du lịch Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra trong các năm sắp tới

Vào năm 2024, chính phủ đặt mục tiêu đón 17-18 triệu du khách nước ngoài, 110 triệu du khách nội địa và 840 nghìn tỷ đồng (tương đương 34,2 tỷ USD) doanh thu du lịch, cao hơn khoảng 11% so với năm 2019.

Các chuyên gia của Maybank cho rằng, Việt Nam sẽ có khả năng đạt được 110 triệu khách du lịch nội địa vì con số này chỉ là con số nhỏ so với mức tăng hàng năm. Tuy nhiên theo ngân hàng này, du lịch trong nước hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các tour du lịch nước ngoài, do giá vé máy bay nội địa tăng cao và tâm lý người tiêu dùng vẫn còn thận trọng. Maybank dự kiến sẽ chỉ có 16 triệu khách du lịch nước ngoài, tương đương mức tăng trưởng khoảng 27% mỗi năm và sẽ đạt khoảng 89% so với mức trước đại dịch năm 2019.

Việt Nam đang vươn lên trở thành điểm đến du lịch mới được yêu thích của Châu Á- Ảnh 2.

Lượng du khách nước ngoài trong tháng 1/2024 đã vượt trước đại dịch (2019).

Các điểm thu hút của du lịch của Việt Nam mà ngân hàng này đưa ra bao gồm chính sách thị thực thuận lợi hơn, nhận thức của khách quốc tế về các điểm đến trong nước cũng tốt hơn, đồng thời năng lực bay cũng được tăng cường. Theo đó, công dân từ 13 quốc gia được miễn thị thực được phép ở lại tới 45 ngày (so với 15 ngày trước đó) kể từ ngày 15/8/2023. Tuy vậy, chỉ có 25 quốc gia được miễn thị thực, điểm này khá hạn chế so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Việc miễn thị thực cho Trung Quốc vẫn chưa được cấp, không giống như Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT) , các lượt tìm kiếm liên quan đến du lịch về Việt Nam thông qua công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google đã tăng +75% vào năm 2023, đứng thứ 6 trên thế giới. Con số này cao hơn Thái Lan (thứ 10), Indonesia (thứ 11), Malaysia (thứ 12) và Philippines (thứ 14). 10 quốc gia có lượng tìm kiếm cao nhất ở Việt Nam là Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Đức, Malaysia và Thái Lan. Các điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Huế và Phan Thiết.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng cho rằng Việt Nam không phải là lựa chọn hàng đầu của khách du lịch Trung Quốc, trong khi khả năng thu hút khách du lịch từ các nước khác quay trở lại bị hạn chế do mạng lưới cơ sở hạ tầng kém phát triển, dịch vụ kém thân thiện với du khách và quản lý môi trường cũng không mấy khả quan.

Việt Nam đang vươn lên trở thành điểm đến du lịch mới được yêu thích của Châu Á- Ảnh 3.

Cục Hàng không Việt Nam dự kiến tăng trưởng mạnh về lượng hành khách hàng không quốc tế vào năm 2024, nhưng lại giảm lượng hành khách hàng không nội địa.

Trong Chỉ số Phát triển Du lịch & Lữ hành năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam được xếp hạng thấp thứ hai trong ASEAN-6, ở vị trí thứ 58 (trên 117 nước) về chỉ số phụ cơ sở hạ tầng, mặc dù đã cải thiện từ vị trí thứ 66 trong cuộc khảo sát năm 2019. Việt Nam tụt hậu so với hầu hết các nước trong khu vực ASEAN về cơ sở hạ tầng mặt đất và cảng biển (thứ 50) và cơ sở hạ tầng vận tải hàng không (thứ 27)... chủ yếu do tỷ lệ du lịch thấp hơn.

Việt Nam đang vươn lên trở thành điểm đến du lịch mới được yêu thích của Châu Á- Ảnh 4.

Xếp hạng Chỉ số Phát triển Du lịch & Lữ hành năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới với các nước ASEAN.

Theo ngân hàng này, các cơ quan ban ngành Việt Nam cũng đang nghĩ cách chuyển đổi sang du lịch cao cấp, nhằm thu hút thêm khả năng chi tiêu của khách du lịch và khiến khách du lịch lưu trú lâu hơn. Điều này đòi hỏi du lịch Việt Nam phải cung cấp các dịch vụ chất lượng cao: Cung cấp nhiều khách sạn 4 và 5 sao, nhiều trung tâm mua sắm cao cấp, khu giải trí và địa điểm tổ chức sự kiện hơn.

Du lịch kết hợp âm nhạc hiện cũng đang trở thành xu hướng nổi lên sau đại dịch, sau thành công của một số show diễn nổi tiếng trong năm 2023, bao gồm show diễn của BlackPink vào tháng 7 (Hà Nội), Charlie Puth (Nha Trang) và Westlife vào tháng 11/2023 (TP.HCM). Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam cũng lựa chọn các địa điểm du lịch như Đà Lạt, Hà Nội, TP.HCM để tổ chức hòa nhạc, nơi bất kỳ danh lam thắng cảnh nào cũng có thể biến thành sân khấu.

Du lịch công tác được đánh giá sẽ gia tăng nhờ dòng vốn FDI đổ vào và các công ty chuyển đến Việt Nam. Theo Maybank, Việt Nam sẽ đóng vai trò là nơi tiếp đón các giám đốc điều hành doanh nghiệp đến giám sát hoạt động trong nước của công ty họ cùng với các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội thương mại. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang quảng bá rất tốt cho việc mình là điểm đến cho nhiều cuộc họp, ưu đãi, hội nghị và sự kiện (MICE).

Với những điều kiện thuận lợi trên, theo Maybank, Việt Nam đang vươn lên trở thành một điểm đến du lịch ngày càng nổi tiếng, với các điểm tham quan đa dạng, từ bãi biển, di tích lịch sử đến các điểm đến văn hóa. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển du lịch thành động lực kinh tế chủ chốt, đặt mục tiêu đón ít nhất 18 triệu khách du lịch nước ngoài và 130 triệu khách du lịch nội địa vào năm 2025, 35 triệu khách du lịch nước ngoài và 160 triệu khách du lịch nội địa vào năm 2030.

Nam Hải
Cùng chuyên mục