Vốn hóa công ty dầu khí bay 200 tỷ USD, có nguy cơ giảm tiếp vì căng thẳng Mỹ - Iran

07/01/2020 16:29 GMT+7
Cổ phiếu công ty dầu khí Saudi Aramco đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thương vụ IPO khổng lồ hồi tháng 12/2019 và có nguy cơ tiếp đà giảm sau căng thẳng Mỹ - Iran.
Vốn hóa Saudi Aramco bay 200 tỷ USD, có nguy cơ giảm tiếp vì căng thẳng Mỹ - Iran - Ảnh 1.

Một cơ sở sản xuất dầu của Saudi Aramco

Cho đến hết phiên giao dịch hôm 6/1 (giờ Châu Á), cổ phiếu tập đoàn có vốn hóa lớn nhất thế giới là công ty dầu khí Saudi Aramco đã giảm khoảng 2% sau cái chết của chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds Qassem Soleimani. Những đe dọa trả đũa từ phía Iran đã làm thổi bùng quan ngại Iran tấn công các cơ sở sản xuất dầu mỏ của Arab Saudi, một đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Trung Đông.

Bất chấp việc giá dầu có thời điểm tăng gần 6% lên mức xấp xỉ 70 USD/ thùng, giá cổ phiếu Saudi Aramco vẫn tụt dốc hơn 2%, xuống mức đáy kể từ đợt phát hành trái phiếu lớn nhất trong lịch sử hồi tháng 12/2019, thổi bay hơn 200 tỷ USD trong tổng giá trị thị trường lên tới gần 2 nghìn tỷ USD của hãng dầu mỏ nhà nước Arab Saudi.

Hasnain Malik, chiến lược gia tại Tellimer nhận định cái chết của Soleimani sẽ đem đến những rủi ro địa chính trị chưa thể đoán trước, dẫn đến sự cảnh giác của các nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu Saudi Aramco.

Theo những chuyên gia phân tích, Iran nhiều khả năng sẽ trả đũa Mỹ thông qua các cuộc tấn công mạng như nước này đã bị cáo buộc nhiều lần trước đây trong những vụ tấn công internet nhằm vào các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo. Hồi năm 2012, Saudi Aramco cũng phải gánh chịu một trong những cuộc tấn công mạng tồi tệ nhất trong lịch sử khi 35.000 máy tính của tập đoàn bị tấn công một phần hoặc xóa sổ hoàn toàn bởi tin tặc.

Một rủi ro khác mà giới chuyên gia cảnh báo là các cuộc tấn công của Iran nhằm vào cơ sở hạ tầng các khu sản xuất dầu mỏ của Saudi Aramco làm giảm thiểu đáng kể sản lượng dầu mỏ của tập đoàn, ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cung dầu mỏ thế giới. Saudi Aramco không chỉ là tập đoàn vốn hóa lớn nhất thế giới mà còn là hãng dầu lửa quốc doanh của Arab Saudi, một đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực Trung Đông. 

Căng thẳng Mỹ - Iran đã nóng lên từ hồi tháng 9/2019 khi Mỹ đổ lỗi cho Iran đứng sau một cuộc tấn công tên lửa vào Arab Saudi làm thiệt hại hơn một nửa sản lượng khai thác dầu của quốc gia Trung Đông này. Iran sau đó lên tiếng phủ nhận đứng sau vụ tấn công. 

Hôm 2/1, lực lượng quân đội Mỹ bất ngờ thừa nhận đứng sau cuộc không kích vào Baghdad theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc không kích đã giết chết 7 người, trong đó có chỉ huy quân sự cấp cao của Iran, tướng Qassem Soleimani, tư lệnh quân đội đặc nhiệm Quds. Tehran sau đó lên tiếng xác nhận cái chết của tướng Soleimani, đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ vì những hành động như vậy. Cổ phiếu thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức rớt mạnh trong khi giá dầu và giá vàng tăng vọt. 

Trong phiên giao dịch 6/1 tại thị trường chứng khoán Mỹ, phố Wall đã phục hồi và giá dầu cũng giảm xuống do các nhà đầu tư bắt đầu lấy lại tâm lý lạc quan. Phát ngôn của Tổng thống Donald Trump về việc sẽ tấn công 52 địa điểm văn hóa của Iran cùng các hành động trừng phạt chưa từng có nếu Iran trả đũa đã trấn an phần nào tâm lý thị trường, khiến thị trường tin rằng Iran sẽ thận trọng trước bất kỳ hành động nào tiếp theo. Tuy vậy, giá dầu giảm xuống sẽ càng gây áp lực lên cổ phiếu Saudi Aramco.

Các nhà phân tích Goldman Sachs nhận định sau cú sốc vừa qua, giá dầu sẽ giảm dần và trở lại quanh mức 63 USD/ thùng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục