Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang, giá dầu tiếp đà tăng mạnh

06/01/2020 12:42 GMT+7
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch muộn hôm 5/1 sau vụ không kích của Mỹ giết chết chỉ huy quân sự cấp cao iran Qassem Soleimani làm gia tăng căng thẳng khu vực Trung Đông.
Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang, giá dầu tiếp đà tăng mạnh - Ảnh 1.

Giá dầu, giá vàng tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran leo thang

Hợp đồng dầu WTI ngọt nhẹ giao hàng tháng 2/2020 đã tăng hơn 2% trong khi hợp đồng tương lai dầu Brent giao hàng tháng 3/2020 đã tăng 2,9%, vượt mức 70 USD/ thùng sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ cuối tuần qua thừa nhận đứng sau vụ không kích giết chết tướng Iran Qassem Soleimani - tư lệnh đặc nhiệm lực lượng tinh nhuệ Quds. Cuộc tấn công đã làm leo thang căng thẳng Mỹ - Iran vốn đã nóng lên trong nhiều tháng nay, qua đó thổi bùng nguy cơ các cuộc tấn công trả đũa của Iran vào những cơ sở dầu mỏ Arab Saudi.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Iran tuyên bố nước này sẽ có những hành động trả đũa sau vụ không kích của quân đội Mỹ vào Baghdad làm thiệt mạng 7 người, trong đó có tướng Soleimani, một trong những nhân tố có vai trò chính trị đặc biệt quan trọng trong chính phủ Iran hiện tại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đe dọa sẽ áp những lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Iraq nếu nước này tiếp tục trục xuất quân đội Mỹ, cũng như tấn công vào hàng loạt địa điểm văn hóa mục tiêu tại Iran một khi Iran tấn công trả đũa bất chấp hành động như vậy có thể bị quốc tế chỉ trích là một tội ác chiến tranh.

Giá dầu thô WTI ngọt nhẹ trong phiên giao dịch hôm 3/1 tuần trước đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng sau căng thẳng Mỹ - Iran, trong khi giá dầu Brent đóng cửa ở phiên giao dịch cao nhất kể từ tháng 9, thời điểm diễn ra sự kiện vụ tấn công tên lửa vào cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi ở vịnh Oman mà Mỹ đổ lỗi cho Iran đứng sau tất cả.

Cổ phiếu của Saudi Aramco, công ty dầu khí quốc gia Arab Saudi đồng thời là công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất toàn cầu đã giảm 1,7% hôm 5/1, mức giảm lớn nhất kể từ thương vụ IPO khổng lồ hồi cuối năm ngoái. 

Căng thẳng Mỹ - Iran diễn ra vào thời điểm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đồng minh (gọi tắt là OPEC+) vừa thống nhất cắt giảm sâu hơn sản lượng dầu mỏ lên tới 1,7 triệu thùng/ ngày, động thái đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh hơn 2%.

Chứng khoán Mỹ đã trượt mạnh trong phiên giao dịch hôm 3/1, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm mạnh hơn 200 điểm, mức giảm tồi tệ nhất trong 4 tuần. Các giao dịch tương lai hôm 5/1 cũng cho thấy xu hướng thua lỗ tiếp tục vào phiên giao dịch 6/1 tới, khi S&P 500 tương lai giảm 0,32% còn Nasdaq Composite tương lai giảm 0,35%. 

Stephen Innes, chiến lược gia trưởng thị trường châu Á từ AxiTrader nhận định: “Việc đồng USD mạnh lên, giá dầu và giá vàng tăng vọt, cổ phiếu thua lỗ… rất có thể là những phản ứng thái quá của thị trường. Nhưng không thể phủ nhận những tác động to lớn của các bất ổn địa chính trị nói chung và căng thẳng Mỹ - Iran nói riêng đến tâm lý thị trường. Thật vậy, xung đột mới đây có thể là một rủi ro lớn với Iran trong tư cách nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 OPEC”. 

Sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 tháng hôm 3/1, các phiên giao dịch muộn đã cho thấy giá vàng tương lai tăng hơn 1% hôm 5/1, lên mức hơn 1.570 USD/ounce.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục