Sau vụ không kích Iran, đàm phán Mỹ - Trung chịu ảnh hưởng ra sao?

04/01/2020 13:45 GMT+7
Cái chết của chỉ huy quân sự hàng đầu Iran Qasem Soleimani trong vụ không kích của quân đội Mỹ hôm 2/1 vừa qua sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đàm phán thương mại Mỹ Trung, bất chấp mối quan hệ Bắc Kinh - Tehran ấm lên trong những năm gần đây, theo nhận định của các chuyên gia phân tích.
Sau vụ không kích Iran, đàm phán Mỹ - Trung chịu ảnh hưởng ra sao? - Ảnh 1.

Đàm phán Mỹ Trung có lẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì sự kiện không kích Iran

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 4/1 tuyên bố: “Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq cần được tôn trọng. Khu vực vịnh Trung Đông cần được duy trì hòa bình và ổn định. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ, giữ bình tĩnh và kiềm chế căng thẳng leo thang”.

Các nhà phân tích nhận định, ngoài những chỉ trích nghiêm khắc về hành động không kích của Mỹ vừa qua, Bắc Kinh khó có thể có động thái nào cứng rắn hơn bất chấp mối quan hệ ấm lên với Tehran.

Ad Nam Mazarei, một chuyên gia Iran tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đồng thời là cựu phó giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế khu vực Trung Đông nhận định: “Dù Trung Quốc trong những năm qua giữ mối quan hệ gần gũi với Iran thì Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn bậc nhất của họ. Trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ Trung hiện tại, Bắc Kinh sẽ rất do dự khi đưa ra bất cứ tuyên bố nào.”

Tổng thống Donald Trump hồi năm 2018 đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, qua đó thúc đẩy căng thẳng Mỹ - Iran lên cao hơn nữa, đồng thời làm rõ mối quan hệ gần gũi giữa Bắc Kinh và Tehran. Thời điểm đó, Bắc Kinh đã tuyên bố không tham gia vào các lệnh trừng phạt dầu mỏ mà Mỹ áp đặt lên Iran. Trung Quốc hồi tháng trước cũng tham gia vào các cuộc tập trận hải quân chung trên vịnh Oman.

Trong khi Trung Quốc mạnh mẽ chỉ trích động thái của Lầu Năm Góc tại Baghdad, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn đang được gấp rút hoàn tất để phục vụ tiến trình ký kết ấn định vào ngày 15/1 tới đây. Không bên nào hy vọng phá hỏng thỏa thuận này, trong bối cảnh kinh tế chững lại và tâm lý thị trường đang chờ đợi thỏa thuận hơn bao giờ hết. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phải trải qua nhiều vòng đàm phán căng thẳng, hàng loạt trừng phạt thuế quan trước khi tiến gần tới thỏa thuận thương mại như hiện tại. Do đó, bất kỳ một động thái nào gây tổn hại cho thỏa thuận tạm thời trị giá hơn 700 tỷ USD mới đây gần như là điều không thể. 

Một khi có phản ứng gay gắt hơn nữa, Trung Quốc không chỉ đối diện với nguy cơ thỏa thuận thương mại đổ vỡ mà còn phải ứng phó với cơn thịnh nộ thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi tháng trước, ông Trump vừa tuyên bố đình chỉ mức thuế 15% với 156 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc khi hai nước đạt được thỏa thuận giai đoạn 1. Mỹ cũng giảm thuế từ 15% xuống 7,5% với số hàng tiêu dùng trị giá 120 tỷ USD xuất xứ Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ không từ bỏ một thỏa thuận thương mại với thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ để bảo vệ Iran” - trích lời ông Clete Willems, một cựu Quan chức kinh tế Nhà Trắng.

Ông Willems cũng khẳng định tác động trực tiếp mà cái chết của Tướng Qasem Soleimani gây ra cho đàm phán thương mại Mỹ Trung là rất hạn chế, dù ông này đồng ý rằng mối quan hệ của Trung Quốc với Iran đã và đang ngày càng ấm lên.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục