Vốn ngoại tăng tốc vào Việt Nam, bất chấp Thuế tối thiểu toàn cầu
Số dự án cấp mới được triển khai hơn 1.900 dự án, số dự án góp mua cổ phần, góp vốn đạt hơn 2.200 dự án.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành có lượng vốn đầu tư lớn nhất trong 8 tháng qua, dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 68% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15% so với cùng kỳ.
Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực hút vốn đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đăng ký và giảm 47% so với cùng kỳ. Ngành tài chính - ngân hàng thu hút 1,54 triệu tỷ USD vốn FDI, gấp hơn 60 lần so với cùng kỳ năm trước.
8 tháng đầu năm, Singapore là quốc gia dẫn đầu rót vốn FDI vào Việt Nam với tổng vốn hơn 3,83 tỷ USD, chiếm hơn 21% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15% so với cùng kỳ.
Trung Quốc đứng thứ hai với gần 2,69 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng vốn đầu tư, tăng hơn 90% so với cùng kỳ.
Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,58 tỷ USD, chiếm hơn 14%, tăng mạnh 73% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan,...
Về thu hút FDI theo địa bàn, thủ đô Hà Nội là địa bàn đầu tư thu hút lượng vốn lớn trong 8 tháng qua, với hơn 2,3 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ.
Thành phố Hải Phòng đứng thứ hai với thu hút khoảng 2 tỷ USD, thứ 3 là các địa phương như TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh…
Hiện Việt Nam đang gặp thách thức lớn về thu hút đầu tư FDI do nhiều nước tham gia, thực hiện cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp FDI là công ty đa quốc gia có doanh thu hàng năm tối từ 800 triệu USD trở lên sẽ chịu mức thuế 15% cho nước mà doanh nghiệp đó đặt trụ sở. Điều này nhằm khẳng định quyền thu thuế của nước xuất khẩu tư bản, đồng thời ngăn chặn dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, cuộc đua xuống đáy về thu hút FDI của các nước nhận đầu tư.
Theo Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Đặng Ngọc Minh, hiện Việt Nam đã ký 83 hiệp định thương mại với các nước và tổ chức trên thế giới. Đầu tư vào Việt Nam khác rất nhiều với đầu tư vào các "thiên đường" thuế. Trong hơn 386.000 dự án đầu tư vào Việt Nam, các dự án chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí đốt và bất động sản.
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế cho rằng, hiện nhiều nước đang nghiên cứu, sửa đổi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với đầu tư nước ngoài. Còn chính sách thuế Việt Nam có định hướng thu hút dự án lớn, phù hợp với nhu cầu của đất nước.
Điểm cần lưu ý là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu khiến chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài giảm hấp dẫn, ảnh hưởng nguồn đầu tư chất lượng cao, quy mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh đầu tư và thương mại; ảnh hưởng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch; cuối cùng ảnh hưởng đến xuất khẩu và các cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối.