Vướng thủ tục và lãi vay, DNNVV muốn được ngân hàng quan tâm hơn khách hàng "ruột"
Trong một khảo sát nhanh gần 130.000 doanh nghiệp (DN) vào cuối tháng 4 vừa qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019.
Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.
Doanh nghiệp vẫn "than" vướng
Trên thực tế, hầu hết các DN cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của DN, thì việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 01 về cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là chính sách thiết thực và kịp thời bởi
Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng khó có thể tiếp cận được những hỗ trợ này do thủ tục còn nhiều phức tạp, gây khó khăn cho DN.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc yêu cầu DN chứng minh trên báo cáo kế toán các ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm suy giảm khả năng trả nợ là không cần thiết vì những tác động của dịch đối với DN là thực tế hiện hữu. "Chính sách hỗ trợ là để DN tồn tại phục hồi sau dịch chứ không nên để DN đóng cửa rồi mới hỗ trợ", đại diện Hiệp hội Dệt may cho hay.
Đối với DN gặp khó khăn từ trước, chậm thanh toán các khoản vay (chậm 30 ngày) đã bị ngân hàng cho vào nhóm nợ 2 và không áp dụng chính sách hỗ trợ theo Thông tư 01. Vì vậy Hiệp hội đề nghị cho phép các DN này cũng được hưởng chính sách ưu đãi.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ mới chỉ áp dụng cho các khoản vay bằng VND, trong khi các DN dệt may lại có nhu cầu vay vốn bằng tiền USD. "Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho cả các khoản vay của DN bằng USD và cho phép DN áp dụng cơ chế vay hoán đổi", Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị.
Trong khi đó, Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho rằng gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng một số DN đã tiếp cận một số ngân hàng về gói hỗ trợ này và bước đầu cũng đã có ngân hàng đồng ý cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên chính sách ưu đãi chưa được triển khai áp dụng đồng bộ, nhất quán trong hệ thống ngân hàng.
Tương tự, Hiệp hội DN tỉnh Đồng Nai cho rằng, Chính phủ đã có chủ trương giao ngân hàng sắp xếp gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ DN nhưng để tiếp cận nguồn vốn này các DN vẫn phải đảm bảo về điều kiện vay tín dụng (có tài sản thế chấp) điều này gây khó khăn cho DN.
Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, trong tâm điểm đại dịch, mặc dù các DN VASI không bị ngừng sản xuất. Tuy nhiên, gần 1/2 số doanh nghiệp cho biết doanh thu trong trong quý I giảm đến 50% so với 2019, có các công ty giảm đến 70%. Dự báo trong quý II doanh thu của 85% doanh nghiệp VASI giảm mạnh đến 70%.
VASI cho biết, một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, DN Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc. Trong đó, chi phí tăng đến từ lãi vay ngân hàng cao (FDI tại Việt Nam vay theo hệ thống ngân hàng của họ chỉ 1-2%/năm).
Đặc biệt, hiện nay các ưu đãi về giãn giảm thuế, phí, lãi suất vay… đã được triển khai. Tuy nhiên, hầu hết các DN hội viên VASI đều chưa biết thực hiện các thủ tục này như thế nào.
DNNVV muốn được ngân hàng quan tâm hơn DN lớn và khách hàng "ruột"
Liên quan đến chính sách tín dụng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận, do đặc điểm của các NHTM cũng là DN nên việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN chủ yếu dựa trên cơ sở cắt giảm lợi nhuận và chi phí, phụ thuộc vào quy mô và hiệu quả hoạt động của từng NHTM.
Thực tế thực hiện các biện pháp này trong thời gian vừa qua cho thấy nhiều DN chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định, một số DN phản ánh các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng còn chưa công khai, minh bạch; DN nhỏ, siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi...
Các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu được thực hiện ở các NHTM nhà nước như Vietcombank, Agribank, Vietinbank... và cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng.
Do đó, các doanh nghiệp đề nghị NHNN có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng DN được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc "xin- cho" bằng quan hệ, lợi dụng chính sách. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng, các NHTM quan tâm nhiều hơn đến đối tượng DN nhỏ và vừa (DNNVV), hộ kinh doanh thay vì ưu tiên cho các DN lớn và khách hàng "ruột".
Riêng đối với vấn đề về lãi suất, VCCI cho rằng, NHTM thực hiện giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5%/năm đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau thông qua các biện pháp tái cấp vốn, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng...
Đặc biệt, với từng nhóm DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh càn có những mức lãi suất phù hợp như: cho vay ưu đãi 0% đối với các DN ngành bán lẻ các thực phẩm thiết yếu do các DN cung cấp hàng lương thực thực phẩm phải tăng dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịch bệnh; Xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 hay cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn cho các DN bất động sản.