Xây dựng Hoà Bình (HBC) muốn thoái toàn bộ vốn tại 2 công ty liên kết đang thua lỗ
Cụ thể, Xây dựng Hòa Bình chấp thuận việc chuyển nhượng 100% vốn góp của HBC tại CTCP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt và CTCP Kỹ thuật Jesco Hòa Bình cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính với giá trị chuyển nhượng tốt nhất.
Theo báo cáo tài chính quý I, 2 công ty trên đều là công ty liên kết của Xây dựng Hòa Bình. Trong đó, nhà thầu xây dựng này sở hữu 32,31% vốn điều lệ CTCP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt. Đây là doanh nghiệp này có trụ sở tại quận 12 (TP.HCM), hoạt động trong lĩnh vực trang trí nội thất, sản xuất cửa nhôm, mua bán vật liệu xây dựng.
Trong thuyết minh báo cáo tài chính, Xây dựng Hòa Bình đã đầu tư 34,8 tỷ vào Jesco Hòa Bình, lỗ lũy kế 25,3 tỷ đồng và đầu tư 19,5 tỷ vào CTCP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt, lỗ lũy kế 7,5 tỷ đồng. Đây là 2 công ty liên kết có lỗ lũy kế lớn nhất của HBC.
Bên cạnh việc bán vốn công ty liên kết nói trên, HĐQT Xây dựng Hòa Bình cũng thông qua hồ sơ phát hành hơn 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ của công ty. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần 31% so với thị giá cổ phiếu HBC trong phiên sáng ngày 21/6 (7.640 đồng/cổ phiếu).
Thời gian phát hành dự kiến được thực hiện trước đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, dự kiến trong quý II đến quý IV năm nay, sau khi được Uỷ ban chứng khoán nhà nước chấp thuận. Trong trường hợp các chủ nợ thay đổi ý định và không đồng ý hoán đổi nợ, Xây dựng Hòa Bình sẽ hủy lượng cổ phiếu phát hành tương ứng với chủ nợ.
Theo công bố, danh sách nhà đầu tư tham gia đợt chào bán này gồm 99 doanh nghiệp - tất cả đều không nắm giữ cổ phần nào tại Xây dựng Hòa Bình và đều là nhà đầu tư trong nước.
Trong danh sách, CTCP Đầu tư Thương mại SMC là đơn vị được phân phối lượng cổ phiếu lớn nhất với gần 10,49 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 3% sau đợt chào bán.
Đứng thứ 2 là Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng Matec với số dư nợ cuối năm ngoái là gần 89 tỷ, tương ứng số cổ phiếu dự kiến được phân phối là gần 8,9 triệu cổ phiếu HBC. Sau phát hành, tỷ lệ sở hữu của Matec tại Xây dựng Hòa Bình là 2,55%.
Đứng thứ 3 trong danh sách là CTCP Đầu tư Thương mại và Kỹ thuật Hòa Bình (tên mới là CTCP Đầu tư Phát triển Daiwa) có dư nợ gần 91 tỷ cuối năm ngoái. Giá trị khoản nợ phải trả được hoán đổi là 36 tỷ, tương ứng với số cổ phần dự kiến được phân phối là 3,6 triệu đơn vị. Sau phát hành, Daiwa có thể tăng tỷ lệ nắm giữ tại ông lớn ngành xây dựng này lên hơn 1%.