Xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm trong năm 2023 vẫn chưa rõ nét?

01/02/2023 11:45 GMT+7
Trong trường hợp tích cực, mặt bằng lãi suất huy động có thể đã tạo đỉnh vào cuối năm 2022, tuy nhiên các chuyên gia SSI đánh giá xu hướng giảm trong năm 2023 vẫn chưa thực sự rõ nét, khi các yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới thanh khoản trong trung và dài hạn vẫn chưa thực sự được giải quyết.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần 16/1-27/1, Bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, thanh khoản có phần nào bớt dồi dào hơn trong bối cảnh nhu cầu thanh toán tăng mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục linh hoạt sử dụng hoạt động thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Cụ thể, 71,3 nghìn tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày được phát hành trên kênh trên kênh mua kỳ hạn với lãi suất 6%.

Trên kênh tín phiếu, NHNN chào thầu với kỳ hạn 7 ngày ở các phiên đầu tuần nhằm cân bằng với lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần.

Kết tuần, NHNN bơm ròng 86 nghìn tỷ đồng, khối lượng lưu hành tăng trên kênh mua kỳ hạn, lên 92,2 nghìn tỷ trong khi đó kênh tín phiếu giảm mạnh xuống chỉ còn 55 nghìn tỷ (từ mức 110 nghìn tỷ).

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì quanh vùng 6%, trong khi các kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng dao động từ 7,8-8,8%.

Xu hướng giảm trong năm 2023 vẫn chưa rõ nét? - Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm giảm khoảng 0,5% so với cuối năm 2022.

Cũng theo SSI, sau giai đoạn căng thẳng vào cuối năm 2022, lãi suất huy động hiện tại đã ổn định hơn, với mặt bằng vào khoảng 8,0-9,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng – giảm khoảng 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.

Trong trường hợp tích cực, mặt bằng lãi suất huy động có thể đã tạo đỉnh vào cuối năm 2022, tuy nhiên các chuyên gia SSI đánh giá xu hướng giảm trong năm 2023 vẫn chưa thực sự rõ nét, khi các yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới thanh khoản trong trung và dài hạn vẫn chưa thực sự được giải quyết.

"Mức lãi suất này vẫn được đánh giá là tương đối cao so với các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng tới nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và dân cư", các chuyên gia nhấn mạnh.

Trái ngược, mặt bằng lãi suất huy động cao đã thu hút lượng lớn dòng tiền nhàn rỗi từ khu vực dân cư.

Trên thực tế, theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tổ chức và dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ trong đó tiền gửi từ khu vực dân cư đã bật tăng rõ rệt trong tháng 11 (tăng 8,9% so với cùng kỳ, từ mức 6,8% vào tháng 10). Tiền gửi từ khu vực khu vực tổ chức chưa có nhiều sự cải thiện khi dòng tiền của doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Xu hướng giảm trong năm 2023 vẫn chưa rõ nét? - Ảnh 2.

Nguồn: NHNN, SSI

Còn theo các chuyên gia phân tích của Fiin Group, thanh khoản thị trường trong nước chưa thể sớm cải thiện do ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công, thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. 

Trên thế giới, Fed có thể tăng lãi suất điều hành lên mức 5% năm nay và duy trì mức này đến hết năm 2023, đồng thời với việc giảm quy mô bảng cân đối. Với tác động kép của cả thị trường trong nước và thế giới, lãi suất trong nước chưa thể giảm ít nhất trong 6-12 tháng tới.

"Với dự báo này, chúng tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất trong nước khó có thể giảm trước năm 2024, đặc biệt khi điểm nghẽn về thanh khoản hiện vẫn chưa được xử lý", báo cáo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, quan sát thị trường trong những ngày sau Tết Nguyên đán của PV Dân Việt cho thấy, lãi suất đang hạ nhiệt. Nhiều ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,1-1%/năm đối với lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn.

Như tại Techcombank, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất từ mức 9,5%/năm trước Tết nay chỉ còn 9,2%/năm.

Tương tự tại PVCombank, lãi suất tiết kiệm cao nhất ở thời điểm hiện tại chỉ còn 9,5% đối với các khoản tiền gửi qua kênh online, mức lãi suất trước đó khách hàng được hưởng là 9,9%/năm.

OceanBank - một ngân hàng trước đây cũng đã từng niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên đến 10%/năm, hiện mức lợi tức cao nhất chỉ còn 9,2%/năm.

Hàng loạt đơn vị điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm khác như Saigonbank, BaoVietBank, OceanBank, DongABank, BacABank, Viet Capital Bank,…

Còn tại nhóm ngân hàng Big 4 là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, lãi suất tại quầy với kỳ hạn 12 tháng đồng loạt là 7,4%/năm còn gửi online cao nhất là 8,2%/năm.

Trong định hướng điều hành lãi suất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tháng 11/2022 vừa qua NHNN đã chỉ đạo các TCTD, giao cho Hiệp hội Ngân hàng đứng ra kêu gọi các NHTM đồng lòng cam kết giảm lãi suất huy động, từ đó tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Có thể nói đó là động thái tích cực và đến nay hầu hết các NHTM đã đưa lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm, trừ một vài ngân hàng còn đang phấn đấu. Lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng cũng đã giảm 1 – 2% so với thời điểm tháng 9, tháng 10/2022.

Đầu năm 2023, NHNN tiếp tục vận động các NHTM bằng các biện pháp có thể cắt giảm chi phí, cắt giảm lợi nhuận tiếp tục chia sẻ và tạo dư địa giảm thêm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.

Về lãi suất điều hành, theo Phó Thống đốc NHNN chưa có chủ trương tăng lãi suất điều hành trong năm 2023.

Nếu điều kiện kinh tế thế giới tác động tới Việt Nam giảm bớt, cùng sự phục hồi nhanh và những chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực,… NHNN hy vọng lãi suất không phải tăng lên mà lãi suất điều hành cũng có thể giảm.


H.Anh
Cùng chuyên mục