Xuất giảm, nhập tăng và nỗi buồn của rau quả Việt

31/10/2022 15:54 GMT+7
Trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả chỉ đạt 2,4 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, ngược lại cả nước chi gần 1,46 tỷ USD nhập khẩu rau quả, tăng tới 36,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu rau quả được 2,4 tỷ USD thì chi gần 1,4 tỷ USD nhập rau quả

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 251,9 triệu USD, tăng 8,9% so với tháng 9/2021. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,4 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất giảm, nhập tăng và nỗi buồn của rau quả Việt - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xuất giảm, nhập tăng và nỗi buồn của rau quả Việt - Ảnh 2.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả chỉ đạt 2,4 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường tăng như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan…, tuy nhiên xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong 9 tháng đầu năm 2022 giảm. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính hàng rau quả của Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022 trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,06 tỷ USD, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 43,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng quả. 

Trị giá xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan tăng trưởng tốt, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu vẫn thấp và không bù đắp được mức giảm xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, do đó dự báo xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2022 khó đạt được mục tiêu đề ra. 

Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả cũng có nhưng tín hiệu tích cực như: Việt Nam - Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch; chanh dây được xuất khẩu thử nghiệm sang Trung Quốc; Hoa Kỳ đã chấp nhận trái bưởi được xuất sang thị trường này… 

Do dó, để xuất khẩu rau quả phát triển mạnh, các doanh nghiệp phải đáp ứng được nhiều tiêu chí khắt khe và mỗi thị trường sẽ có những quy định riêng. Điển hình xuất khẩu sang Hoa Kỳ, để xuất khẩu được vào thị trường này, hàng rau quả không được chứa 7 hoạt chất cấm về dư lượng; nhà máy đạt chuẩn ISO HACCP, có mã số nhà máy đóng gói do Hoa Kỳ cấp, có mã vùng trồng… Sau khi đáp ứng các tiêu chí, trước khi xuất khẩu đối với trái cây tươi phải được chiếu xạ do nhân viên kiểm dịch của Hoa Kỳ kiểm tra tại chỗ.

Xuất giảm, nhập tăng và nỗi buồn của rau quả Việt - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Trong 9 tháng qua, thị phần của Trung Quốc trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam giảm từ 55% xuống còn 43% trong năm nay.

Theo nhiều thương nhân, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh vì chính sách kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt của nước này. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng ngày càng khó tính với hàng loạt chính sách kiểm soát ngặt nghèo từ trang trại đến sơ chế đóng gói. Tuy nhiên, thị trường này cũng đang khởi sắc trở lại khi chuẩn bị vào vụ Tết, mùa tiêu thụ lớn trong năm. Mặt khác, Trung Quốc cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam cũng giúp cải thiện kim ngạch đang giảm mạnh.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả 9 tháng năm 2022 lại tăng 36,4%. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2022, cả nước chi gần 1,46 tỷ USD nhập khẩu rau quả, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, riêng tháng 9/2022 nhập khẩu nhóm hàng rau quả tăng 3% so với tháng 8/2022 và tăng rất mạnh 62,8% so với tháng 9/2021, đạt 203,17 triệu USD.

Đáng chú ý, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 38,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước với kim ngạch 561,94 triệu USD, tăng mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài Trung Quốc, các thị trường nhập khẩu lớn của mặt hàng rau quả như: Mỹ với kim ngạch 245,23 triệu USD,chiếm 16,8%, tăng 9,8%; Australia 125,22 triệu USD,chiếm 8,6%, tăng 16%; New Zealand 104,91 triệu USD,chiếm 7,2%, tăng 32,2%; Myanmar 79,98 triệu USD,chiếm 5,5%, tăng 1,9%; Nam Phi 51,9 triệu USD,chiếm 3,6%, tăng 78%; Campuchia 46,15 triệu USD,chiếm 3,2%, tăng 44,9%…

Nhìn chung, trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ các thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, thị phần rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 30% của năm ngoái lên 38,5% trong năm nay. Trung Quốc cũng là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả vào Việt Nam cao nhất.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nhập khẩu rau quả từ Campuchia cũng tăng mạnh, đạt 46 triệu USD, tăng 43% so với 9 tháng của năm 2021. Nhập khẩu từ Thái Lan đạt 37 triệu USD tăng 22%. Trong 10 tháng, nhập khẩu rau quả đạt 1,67 tỉ USD tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu rau quả năm 2022 khó bứt phá 

Những hạn chế về đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường khó tính đang là rào cản đối với mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành hàng rau quả Việt Nam. 

Xuất giảm, nhập tăng và nỗi buồn của rau quả Việt - Ảnh 4.

Hiện thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam là Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu ngành hàng rau quả Việt Nam đang đi đúng định hướng, đó là không chạy theo số lượng, nâng cao chất lượng; duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống, khai thác thị trường lớn, tiềm năng; đồng thời, chủ động xây dựng vùng sản xuất, thương hiệu, tập trung cho chế biến.

Tuy nhiên, cả nước vẫn chưa có nhiều mô hình sản xuất rau quả tập trung với quy mô lớn, nên việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với từng hộ nông dân là rất khó khăn và tốn kém.

Sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGAP hay Global GAP còn khá khiêm tốn (chiếm khoảng 10 - 15% trên tổng diện tích trồng trọt), nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động lượng hàng lớn, đạt tiêu chuẩn để thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, sức tiêu thụ ở thị trường nhập khẩu rau quả vẫn gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ. Do đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT phân tích và đưa ra nhận định cụ thể về các thị trường, từ đó giúp người sản xuất và doanh nghiệp có định hướng trong sản xuất, xây dựng chiến lược kinh doanh, tận dụng lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do.

Hiện thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam là Trung Quốc. Chúng ta cần làm sao để tăng được số lượng rau quả xuất khẩu sang thị trường này. Rau, quả Việt có lợi thế là ngon, cùng với khoảng cách địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp nên giá thành sản phẩm rẻ… là điểm cộng rất lớn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất cao trong việc tiêu thụ trái cây nhiệt đới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, cần đẩy nhanh việc đăng ký mã số vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở để có thể xuất khẩu rau trái nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc.

Cùng với thị trường Trung Quốc, về lâu dài, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường cho rau quả. Để làm được điều này, công nghệ bảo quản phải tốt. Hiện công tác bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn rất yếu nên rau quả Việt chưa thể đi xa được, chỉ có một vài mặt hàng có thể xuất khẩu bằng đường biển như thanh long, bưởi… Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả được khuyến cáo đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cao hiệu quả trong bảo quản để giúp hạ giá, thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục