Xuất khẩu cà phê giảm, giá biến động mạnh

09/10/2022 15:52 GMT+7
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 100 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 giảm 3,0% về lượng, nhưng tăng 11,3% về trị giá.

Giá cà phê hôm nay 9/10: Liên tục biến động trái chiều trong tuần qua

Giá cà phê trong tuần qua có xu hướng trái chiều giữa các ngày. Song, so với đầu tuần, giá thu mua tại các tỉnh trọng điểm tăng tổng cộng 300 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng hiện thu mua cà phê với mức giá thấp nhất là 46.400 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk đang là địa phương ghi nhận mức giá cao nhất, đạt 46.800 đồng/kg. Tương tự, ba tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum cũng điều chỉnh giá lên chung mức 46.700 đồng/kg. 

Tháng 9/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm mạnh theo giá thế giới. Ngày 28/9/2022, giá cà phê Robusta giảm 1.900 đồng/kg so với ngày 29/8/2022, xuống mức thấp nhất 46.400 đồng/kg (tại tỉnh Lâm Đồng); mức cao nhất 47.000 đồng/kg (tại tỉnh Đắk Lắk); tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức 46.900 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê trên cả hai sàn London và New York cùng đảo chiều tăng nhẹ vào phiên cuối tuần. Lý do được cho là việc cân đối, điều chỉnh vị thế kinh doanh trước áp lực của đồng USD gia tăng sau Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ đạt 263.000 việc làm, cao hơn kỳ vọng ở mức 250.000 việc làm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này (7/10), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 15 USD (0,7%), giao dịch tại 2.155 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 tăng 15 USD (0,7%), giao dịch tại 2.154 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng khá.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 12/2022 điều chỉnh nhẹ 0,4 Cent (0,18%), giao dịch tại 218,1 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 0,6 Cent/lb (0,19%), giao dịch tại 208,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Xuất khẩu cà phê giảm, giá biến động mạnh - Ảnh 1.

Giá cà phê trong tuần qua có xu hướng trái chiều giữa các ngày. Song, so với đầu tuần, giá thu mua tại các tỉnh trọng điểm tăng tổng cộng 300 đồng/kg.

Tháng 9/2022, giá cà phê thế giới cũng tiếp tục giảm. Giá cà phê chịu áp lực do đồng USD tăng mạnh lên mức cao kỷ lục. Thị trường lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra, hàng vụ mới trong kho dồi dào trong khi kho lưu trữ hạn chế. Số liệu từ Công ty Cung ứng và Dự báo nông sản Conab Brazil dự báo sản lượng cà phê Arabica niên vụ 2022/2023 đạt 32,41 triệu bao, tăng 3,1% so với niên vụ 2021/2022.

Trên sàn giao dịch London, ngày 28/9/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng tháng 11/2022, tháng 1/2023 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 99 USD/tấn (giảm 4,3%); 82 USD/tấn (giảm 3,6%) và giảm 79 USD/tấn (giảm 3,5%) so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 2.180 USD/ tấn, 2.178 USD/tấn và 2.152 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/9/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2022, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 14 Uscent/lb (giảm 5,8%); 15 Uscent/lb (giảm 6,6%) và giảm 17 Uscent/lb (giảm 7,3%) so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 224,35 Uscent/lb; 216,3 Uscent/lb và 211,5 Uscent/lb. 

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/9/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2022, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 7,9%, 8,2% và 2,3% so với ngày 29/8/2022, xuống còn 216,5 Uscent/lb; 262,4 Uscent/lb và 261,15 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.235 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 99 USD/tấn (tương đương mức giảm 4,2%) so với ngày 29/8/2022. Dự báo thời gian tới đà giảm giá cà phê sẽ chậm lại. Tính đến ngày 26/9/2022, tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn New York giảm 460.387 bao, mức thấp nhất trong 23 năm qua. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng đến vùng trồng cà phê của Việt Nam.

Khả quan mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành cà phê? 

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 100 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 giảm 3,0% về lượng, nhưng tăng 11,3% về trị giá. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,35 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD, tăng 13,7% về lượng và tăng 37,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.399 USD/tấn, tăng 1,5% so với tháng 8/2022 và tăng 14,8% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.280 USD/tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. 

Cơ cấu chủng loại xuất khẩu: Tháng 8/2022 so với tháng 8/2021, xuất khẩu các chủng loại cà phê Robusta, Arabica, cà phê Excelsa giảm, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến tăng. Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến tăng, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa giảm. 

Xuất khẩu cà phê giảm, giá biến động mạnh - Ảnh 2.

Các chuyên gia dự báo, nếu giá và sản lượng cà phê xuất khẩu giữ ở mức như hiện nay, dự kiến cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 4 tỷ USD.

Xuất khẩu cà phê giảm, giá biến động mạnh - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta tháng 8/2022 đạt 98,18 nghìn tấn, trị giá 195,93 triệu USD, giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 5,5% về trị giá so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,11 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta sang hầu hết các thị trường chủ yếu, như: Đức, Ý, Bỉ, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Nga, Anh… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang một số thị trường khu vực châu Á giảm, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: EU hiện là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta. Trong “top” 10 thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã có 5 nước thuộc khối EU, chiếm 35,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Trong khi đó, Vicofa đánh giá, bất chấp lạm phát chạm đỉnh 20 năm, xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Lý do là bởi cà phê là mặt hàng thiết yếu, thức uống không thể thiếu của các nước phương Tây. Lợi thế thuế quan từ EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này.

Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ Hiệp định UKVFTA mang lại. Bởi theo cam kết của UKVFTA, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới cà phê.

Nhiều doanh nghiệp nhận định, ngành cà phê năm 2022 sẽ tăng trưởng 30 - 40%, vì cả thế giới đang thích ứng với Covid-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. Giá xuất khẩu cà phê có thể cán mốc 2.400 - 2.600 USD/tấn trong năm 2022 và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023.

Theo thống kê, cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, quy mô xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: Châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. Việc đa dạng thị trường trong bối cảnh nào vẫn sẽ là hướng đi tích cực giúp Việt Nam mở rộng cơ hội cho nông sản.

Hiện, cà phê nhân từ Việt Nam đa phần là Robusta có chất lượng thấp, việc cạnh tranh về giá rẻ không còn phù hợp. Để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA thúc đẩy xuất khẩu cà phê, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu cũng như thâm nhập sâu hơn vào thị trường các FTA nói chung, một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao từ những vùng trồng quy mô nhỏ hơn, có khả năng quản trị tốt hơn, có khả năng truy xuất và phát triển bền vững hơn. Đồng thời, doanh nghiệp phải tích cực, chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn. Chủ động được công nghệ bảo quản, vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Vương quốc Anh cũng là yếu tố quan trọng đặt ra.

Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, sản lượng cà phê năm 2022 thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp. Sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 đạt 1,5 triệu tấn (hơn 95% sản lượng là cà phê robusta), thấp hơn so với 1,62 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021.

Các chuyên gia dự báo, nếu giá và sản lượng cà phê xuất khẩu giữ ở mức như hiện nay, dự kiến cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 4 tỷ USD. Cùng với nguồn cung khan hiếm và những lo ngại về thời tiết ảnh hướng đến vụ mùa tới, thị trường thế giới tiếp tục gia tăng thu mua cà phê. Điều này sẽ giúp thị trường cà phê trong nước tăng trong thời gian tới.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục