Xuất khẩu chè thắng lớn, tăng mạnh về lượng và giá

20/08/2019 14:33 GMT+7
7 tháng đầu năm 2019 được coi là thời gian đầy khởi sắc của ngành chè Việt Nam khi sản lượng lẫn giá trị đều tăng, trong đó giá trị tăng lên tới hơn 20%.

Nhìn lại năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cả nước xuất khẩu 127.338 tấn chè, thu về 217,83 triệu USD, giảm 8,9% về lượng và giảm 4,4% về kim ngạch so với năm 2017. Trong đó, Pakistan là thị trường nhập khẩu chè số một của Việt Nam, với 38.213 tấn, tương đương 81,63 triệu USD, chiếm 30% trong tổng lượng chè xuất khẩu của Việt Nam và chiếm 37,5% về kim ngạch, tăng 19,4% về lượng và tăng 18,8% về kim ngạch so với năm 2017. 

Sang năm 2019, theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm nay Việt Nam xuất khẩu được 58.000 tấn chè với kim ngạch 98 triệu USD. Dù xuất khẩu chè chỉ tăng khoảng 2% về lượng, nhưng đã tăng tới 21% về giá trị. Giá bình quân chè xuất khẩu Việt Nam tăng khoảng 7%.

Pakistan tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của chè Việt Nam, chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Nga. Đáng chú ý nhất là thị trường Trung Quốc.

Mặc dù lượng chè xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, nhưng giá xuất khẩu bình quân lại tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 10 triệu USD, tăng tới gần 46% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là năm theo giá trị chè tăng mạnh khi xuất khẩu sang nước này khi vào năm 2018, lượng chè xuất khẩu tuy giảm 8,8%, đạt 10.121 tấn nhưng kim ngạch lại tăng 34,2%, đạt 19,67 triệu USD so với 2017. 

Nắm bắt thị trường là chìa khóa then chốt
Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu. Diện tích trồng chè hiện nay là 124.000 ha và hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến chè, với công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm. Hiện nay các mặt hàng chè Việt Nam đã được đa dạng hóa, đáp ứng được nhu cầu của từng tầng lớp khách hàng.
Về thị hiếu, những năm qua thị trường chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về thói quen thưởng trà của người tiêu dùng. Trước đây người tiêu dùng thích uống trà truyền thống trong bữa sáng, là chè đen hoặc trà xanh thô. Nhưng hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các loại trà đặc sản, trà có hàm lượng chế biến cao, phối trộn với nhiều loại đồ uống bổ dưỡng khác.

Mai Trang
Tags:
Cùng chuyên mục