Việt Nam vươn lên thứ 8 về cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho EU

02/07/2022 17:44 GMT+7
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường rất tiềm năng cho mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, song doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn để thúc đẩy việc bán mặt hàng này tới thị trường EU.

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường rất tiềm năng cho mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 1,96 triệu tấn, trị giá 6,2 tỷ Eur (tương đương 6,49 triệu USD), giảm 28% về lượng và tăng 15,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Mặc dù lượng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU giảm mạnh, nhưng trị giá tăng mạnh là do giá thành nhập khẩu các sản phẩm nội thất bằng gỗ vào thị trường EU tăng cao. Điều này là do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến chi phí nguyên liệu đầu vào và vận chuyển tăng cao tại các thị trường cung cấp, nên giá thành sản phẩm nội thất nhập khẩu vào EU trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh, giá nhập khẩu bình quân đạt 3.180,7 Eur/tấn, tăng 60,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam vươn lên thứ 8 về cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho EU - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với tháng trước nhưng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam vươn lên thứ 8 về cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho EU - Ảnh 2.

Nguồn: Eurostat

Ba Lan, Trung Quốc và Đức là 3 thị trường cung cấp chính mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ cho EU trong 3 tháng đầu năm 2022, cung cấp 48,1% tổng lượng đồ nội thất bằng gỗ EU nhập khẩu. Đáng chú ý, EU đều tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường này. 

Việt Nam cũng đã vươn lên là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 8 cho EU, lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng trong 3 tháng đầu năm 2022. Trong đó, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng rất mạnh do giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 4.381,4 Eur/tấn, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2,3% tổng lượng nhập khẩu của EU, tăng 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. 

Với nhu cầu nhập khẩu lớn, EU là thị trường rất tiềm năng cho mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, song doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn để thúc đẩy mặt hàng này tới thị trường EU. Do tác động của đại dịch Covid-19, cộng thêm tác động từ xung đột giữa Nga và Ukraine khiến chi phí logistics, đặc biệt là cước vận chuyển từ Việt Nam sang châu Âu tăng cao. Ngoài ra ngành hàng này tại thị trường EU cũng phải chịu sức ép cạnh tranh khá lớn do những yêu cầu cao về nguồn gốc, chất lượng, đồng thời phải cạnh tranh với hàng hóa từ các nước khác.

Việt Nam vươn lên thứ 8 về cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho EU - Ảnh 3.

Việt Nam vươn lên thứ 8 về cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho EU.

Việt Nam vươn lên thứ 8 về cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho EU - Ảnh 4.

Nguồn: Eurostat

Việt Nam vươn lên thứ 8 về cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho EU - Ảnh 5.

Nguồn: Eurostat

Trong cơ cấu các sản phẩm nội thất bằng gỗ EU nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2022, hầu hết các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng thấp, vì vậy tiềm năng chưa khai thác đối với các mặt hàng này của Việt Nam tại thị trường EU còn khá lớn. Điều này khuyến khích các nhà sản xuất và xuất khẩu đẩy mạnh phát triển sản phẩm sang thị trường EU trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, để thúc đẩy ngành hàng này, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cần phải đầu tư đa dạng về mẫu mã, chất lượng sản phẩm và quy chuẩn sản xuất phù hợp với nhu cầu tiêu dùng tại EU. Ngoài ra, để giảm thiểu chi phí vận chuyển, cần cải tiến các sản phẩm để dễ dàng đóng gói, xếp, gấp hoặc lồng ghép sản phẩm hợp lý và không tốn diện tích.

Việt Nam vươn lên thứ 8 về cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho EU - Ảnh 6.

Nguồn: Eurostat

Được biết, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với tháng trước nhưng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng tăng 5 - 8% của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và thấp hơn cả mức tăng trưởng 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu.

Còn nếu so với mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm nay thì ngành gỗ thực hiện chưa được một nửa (47,2%) so với kế hoạch đề ra.

Dù nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đã có đơn hàng đến quý III/2022, thậm chí hết năm 2022, nhưng thị trường đang xuất hiện các yếu tố mới ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành gỗ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhiều khả năng sẽ bị chậm lại do tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chính khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất đều tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm bởi tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine; tình hình dịch bệnh bùng phát và chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc sẽ là thách thức lớn cho ngành đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam...

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục