Xuất khẩu hạt tiêu Việt sẽ chiếm già nửa tổng lượng tiêu trên toàn thế giới

11/11/2022 18:47 GMT+7
Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 220.000 tấn tiêu, chiếm 55% tổng sản lượng hạt tiêu trên toàn thế giới...

Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới

Giá tiêu hôm nay 11/11 chững lại và đi ngang tại các vùng trồng trọng điểm. Cụ thể, tại Gia Lai giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 58.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay duy trì ở mức 60.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Tương tự, tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu cũng điều chỉnh tăng mạnh 2.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, Bình Phước giá tiêu ở mức 61.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Tại Vũng Tàu, giá tiêu mới nhất hôm nay dao động quanh mốc 62.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Như vậy, giá tiêu hôm nay đi ngang tại các vùng trồng trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua.

Trên thị trường thế giới, giá tiêu đen Lampung tăng 7 USD/tấn lên mức 3.651 USD/tấn; tiêu đen Brazil ASTA 570 còn 2.575 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok của Indonesia ở mức 5.909 USD/tấn, tăng 11 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu duy trì ổn định tại các quốc gia còn lại. 

Tại Việt Nam, giá tiêu đen có mức 3.250 - 3.350 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l; giá tiêu trắng 4.850 USD/tấn.

Xuất khẩu hạt tiêu Việt sẽ chiếm già nửa tổng lượng tiêu trên toàn thế giới - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay 11/11 chững lại và đi ngang tại các vùng trồng trọng điểm.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 220.000 tấn, chiếm 55% tổng sản lượng hồ tiêu trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, để các sản phẩm tiêu của Việt Nam khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành tiêu cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, để đảm bảo giá trị ngành hàng hạt tiêu và phát triển bền vững, luôn luôn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa người xuất khẩu, nhà chế biến với người sản xuất. Phải đặt nông dân ở vị trí trung tâm và nông dân cần nâng cao kiến thức canh tác.

Ngoài ra, cần sự hợp tác của doanh nghiệp trong ngành tiêu, cụ thể là cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hoặc liên kết với hợp tác xã, nông dân.

Theo thông tin từ VPA, diện tích tiêu toàn cầu là 745.000 ha vào năm 2021, tăng 42,8% so với năm 2020. Trong khi đó, tại Việt Nam, diện tích tiêu giảm đáng kể do giá giảm mạnh, ảnh hưởng của dịch bệnh và biến đổi khí hậu, từ 152.000 ha năm 2017 xuống còn 130.000 ha vào năm 2021.

Trong hơn một thập niên qua, ngành tiêu Việt Nam đã trải qua giai đoạn thăng trầm khi có thời điểm đạt đỉnh gần 230.000 đồng/kg, có thời điểm giá giảm xuống mức 34.000 đồng/kg. Hiện nay, giá tiêu ở mức 60.000 đồng/kg.

Các nhà kinh tế cho rằng, thời gian tới, nông dân trồng tiêu gặp một số thách thức như: Sự biến đổi khó lường của khí hậu và vấn đề sâu bệnh, quy định ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường quan trọng cũng dẫn đến các rào cản thương mại.

Những thách thức lớn cho ngành hạt tiêu...

Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đánh giá, nguồn cung hạt tiêu toàn cầu dự kiến ở mức an toàn khi ghi nhận thu hoạch của Brazil và dư lượng dự trữ còn cao. Tổ chức này đưa ra lời khuyên, hãy bán và mua theo từng đợt thay vì đầu cơ quá mức. Đồng thời, tăng cường quảng bá ở những thị trường tiềm năng khác, nhằm bù đắp lượng hàng tồn kho dư thừa.

Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế nhận định, thế giới sẽ đối mặt cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023. Giữa bối cảnh đó, thách thức đặt ra cho tất cả các ngành hàng, trong đó có hạt tiêu.

Theo báo cáo quý III năm 2022 của ngành tiêu toàn cầu, những yếu tố tiêu cực làm giảm giá tiêu gồm: Lãi suất tiếp tục tăng để kiềm chế lạm phát; chiến tranh ở Ukraine đẩy giá các mặt hàng thiết yếu; cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu và khủng hoảng tín dụng toàn cầu đã khiến hầu hết các đồng tiền tiêu dùng trong nước giảm giá dẫn đến chi phí nhập khẩu cao hơn.

Cùng với đó, việc thị trường Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách "Zero Covid" khiến nhu cầu đối với tiêu bị xói mòn. Vụ thu hoạch Brazil và Indonesia, hàng tồn kho của Việt Nam không bán được sau khi Trung Quốc ''khóa cửa'', cũng như nhu cầu của các nước Tây Âu và Hoa Kỳ giảm khiến ngành tiêu lao đao.

Xuất khẩu hạt tiêu Việt sẽ chiếm già nửa tổng lượng tiêu trên toàn thế giới - Ảnh 2.

Áp lực nguồn cung tăng lên vào đầu vụ mới và nguồn dự trữ khá dồi dào đang gây sức ép lên thị trường hạt tiêu trong nước.

Được biết, từ quý III/2022, thị trường hạt tiêu toàn cầu đã phải đối mặt với khó khăn do nhu cầu thấp, giá giảm. Xu hướng giảm kéo dài sang tháng 10/2022 do lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ chậm lại, nguồn cung dồi dào.

Tại Brazil, ngày 28/10/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 175 USD/tấn so với ngày 30/9/2022, xuống còn 2.475 USD/tấn. Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 28/10/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu giảm lần lượt 200 USD/tấn và 300 USD/tấn so với ngày 30/9/2022, xuống còn 2.950 USD/tấn và 3.050 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm mạnh 600 USD/tấn so với ngày 30/9/2021, xuống mức 4.550 USD/tấn.

Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 28/10/2022, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm lần lượt 800 USD/tấn và 300 USD/tấn so với ngày 30/9/2021, xuống mức 5.100 USD/tấn và 7.300 USD/tấn. Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 28/10/2022, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm lần lượt 146 USD/tấn và 261 USD/tấn so với ngày 30/9/2022, xuống còn 3.677 USD/ tấn và 5.952 USD/tấn.

Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng giảm trong thời gian tới. Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch rộ, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức thấp. Mặc dù vậy, thị trường vẫn xuất hiện tín hiệu lạc quan khi Trung Quốc tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cuối năm.

Áp lực nguồn cung tăng lên vào đầu vụ mới và nguồn dự trữ khá dồi dào đang gây sức ép lên thị trường hạt tiêu trong nước. Tỷ giá USD/VND tăng mạnh khiến người trồng đẩy mạnh bán ra. Quý III/2022, giá hạt tiêu đen trong nước biến động theo xu hướng giảm. Sang tháng 10/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Ngày 28/10/2022, giá hạt tiêu đen giảm từ 6.500 – 7.000 đồng/kg so với ngày 29/9/2022, xuống mức 56.500 – 59.000 đồng/kg.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong quý III/2022 đạt 51,57 nghìn tấn, trị giá 213 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 31,8% về trị giá so với quý II/2022, so với quý III/2021 giảm 12,5% về lượng và giảm 4,2% về trị giá. Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 174,53 nghìn tấn, trị giá 770,44 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn trong thời gian tới. Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống, lạm phát tăng cao dẫn tới việc thắt chặt chi tiêu của người dân ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng không thực sự thiết yếu giảm. Giá hạt tiêu sẽ biến động theo xu hướng giảm khi mà suy thoái kinh tế thế giới được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023. Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các khu vực giảm, ngoại trừ châu Đại Dương. So với quý III/2021, trị giá xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các khu vực giảm, ngoại trừ khu vực châu Mỹ và châu Đại Dương. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang các khu vực châu Mỹ và châu Phi tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2021.

Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, gồm: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Đức, Hà Lan; Ngược lại, trị giá xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Ai Len, Trung Quốc tăng. So với quý III/2021, trị giá xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Hoa Kỳ, Ai Len, Anh, Thái Lan, Nga tăng; trong khi xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Đức giảm. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ Trung Quốc.

Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm mạnh, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng nhẹ. So với quý III/2021, trị giá xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ hạt tiêu đen.

Thực tế cho thấy, tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các dự báo đều chỉ ra, nhu cầu tiêu sẽ giảm mạnh vào quý đầu tiên của năm 2023 với mùa Đông đặc biệt khó khăn ở khu vực châu Âu, do cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra. Thời điểm này trùng với hàng vụ mới của Việt Nam ra thị trường, do đó báo hiệu bức tranh không mấy sôi động.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục