Nguồn cung cạn kiệt, hạt tiêu Việt có "cơ hội vàng" tăng giá?

05/07/2022 17:06 GMT+7
6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.546 USD/tấn, tăng kỷ lục 40,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá tiêu hôm nay 5/7 vẫn đi ngang dù nguồn cung cạn kiệt 

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 69.000 – 72.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai, thấp nhất thị trường khi ở mức 69.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (70.500 đồng/kg); Bình Phước (71.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.000 đồng/kg.

Từ cuối tháng 6, thị trường hạt tiêu nội địa khá ảm đạm do các doanh nghiệp xuất khẩu không mua bởi các nhà nhập khẩu chưa quan tâm ký hợp đồng. Ngày 28/6/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa ổn định và giảm 500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 30/5/2022, xuống mức 69.500 – 72.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 109.000 đồng/kg, ổn định so với cuối tháng 5/2022, nhưng thấp hơn so với mức 110.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Nguồn cung cạn kiệt, hạt tiêu Việt có "cơ hội vàng" tăng giá? - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương.

Theo nhận định của chuyên gia, giá cả hầu hết hàng hóa đang tạm thời chững lại, do giới đầu cơ rút vốn vì lo ngại rủi ro sẽ tăng cao trước phiên họp chính sách tiền tệ tháng 7 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nhiều dự báo cho biết Fed sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất trong phiên họp tới.

Việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp. Do đó, hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam có thể sẽ chậm lại trong những quý tới do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu.

Về trung hạn, có ý kiến nhận định thị trường hạt tiêu sẽ tăng trở lại vào giữa quý III, khi nhu cầu nhập khẩu cho những kỳ lễ hội cuối năm và dịp Tết ở các quốc gia tăng cao. Ngoài ra, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam còn kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc khi nước này mua thêm khoảng 30.000 - 40.000 tấn hạt tiêu trong 6 tháng còn lại của năm 2022.

Thị trường hạt tiêu trong nước đang trong giai đoạn ổn định với lực mua yếu. Với giá tiêu xuất khẩu, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế vẫn niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam ở mức: 3.650-3.750 USD/tấn loại 500g/l, 3.900-4.000 loại 550g/tấn với tiêu đen; 5.700 USD/tấn với tiêu trắng. Tính chung toàn cầu, từ đầu tháng 7 giá tiêu xuất khẩu các nước giữ ổn định, duy nhất tại Indonesia giảm nhẹ. Thị trường vẫn đang chờ lực cầu xuất khẩu tháng 8/2022 và sức tiêu thị tăng từ Trung Quốc.

Trước đó, tháng 6/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu giảm mạnh ở hầu hết các nước sản xuất, ổn định ở Malaysia. Cụ thể: Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 28/6/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định ở mức 5.900 USD/tấn và 7.600 USD/tấn so với ngày 30/5/2022.

Tại Brazil, ngày 28/6/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 300 USD/tấn so với ngày 30/5/2022, xuống còn 3.500 USD/tấn.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 28/6/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu giảm lần lượt 150 USD/tấn và 100 USD/tấn so với ngày 30/5/2022, xuống còn lần lượt 3.750 USD/tấn và 4.000 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 100 USD/tấn so với ngày 30/5/2022, xuống còn 5.800 USD/tấn.

Nguồn cung cạn kiệt, hạt tiêu Việt có "cơ hội vàng" tăng giá? - Ảnh 2.

Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 28/6/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm mạnh 348 USD/tấn so với ngày 30/5/2022, xuống mức 3.660 USD/ tấn. Tại cảng Muntok, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 317 USD/tấn so với ngày 30/5/2022, xuống mức 6.197 USD/tấn. Tại Ấn Độ, ngày 27/6/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 126 USD/tấn so với ngày 30/5/2022, xuống mức 6.501 USD/tấn. 

Thị trường hạt tiêu còn chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị

Dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc. Mặc dù sản lượng hạt tiêu tại Việt Nam vụ mùa năm 2022 giảm so với năm 2021, nhưng sản lượng hạt tiêu của Brazil tăng. Trong khi đó, giá cước phí tàu vận tải vẫn ở mức cao.

Nguồn cung cạn kiệt, hạt tiêu Việt có "cơ hội vàng" tăng giá? - Ảnh 3.

6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.546 USD/tấn, tăng kỷ lục 40,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: TL

Theo ước tính, tháng 6/2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 25 nghìn tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 7,3% về trị giá so với tháng 5/2022, so với tháng 6/2021 giảm 24,1% về lượng và giảm 10,5% về trị giá. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước tính đạt 125 nghìn tấn, trị giá 566 triệu USD, giảm 19,1% về lượng, nhưng tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Về giá xuất khẩu bình quân: Tháng 6/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước tính đạt mức 4.224 USD/tấn, giảm 6,2% so với tháng 5/2022, nhưng tăng 17,9% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.546 USD/tấn, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về chủng loại: Tháng 5/2022 so với tháng 5/2021, xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xay giảm, nhưng xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng tăng. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hầu hết chủng loại hạt tiêu giảm, ngoại trừ hạt tiêu trắng. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 5/2022, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 15,75 nghìn tấn, trị giá 67,15 triệu USD, giảm 27,1% về lượng và giảm 5,2% về trị giá so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 83,23 nghìn tấn, trị giá 304,6 triệu USD, giảm 11,3% về lượng, nhưng tăng 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu đen sang một số thị trường chính tăng, gồm: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ireland. 

Tháng 5/2022, xuất khẩu hạt tiêu trắng đạt xấp xỉ 2,55 nghìn tấn, trị giá 15,4 triệu USD, tăng 33,6% về lượng và tăng 62,1% về trị giá so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu trắng đạt 11,92 nghìn tấn, trị giá 73,1 triệu USD, tăng 41,9% về lượng và tăng 93% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu trắng sang hầu hết các thị trường chính tăng, gồm: Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu trắng sang Trung Quốc và Nga giảm.

Nguồn cung cạn kiệt, hạt tiêu Việt có "cơ hội vàng" tăng giá? - Ảnh 4.

Được biết, trong nước hiện đã ghi nhận những tín hiệu đầu tiên cho niên vụ 2023 của Việt Nam là khả quan. Đó là việc mùa mưa đến đúng lúc, và quá trình thụ phấn của cây tiêu tốt hơn so với năm ngoái.

Tuy vậy thời gian qua, tại một số huyện, thị xã vùng Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại cây trồng. Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng trừ nhưng đến nay diện tích cây trồng bị sâu bệnh vẫn tăng.

Chưa kể, đến thời điểm này, diện tích trồng tiêu một số nơi ở Tây Nguyên cũng giảm so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là do khi được giá, nông dân đầu tư trồng tiêu trên nhiều loại đất khác nhau, chăm bón nhiều phân vô cơ, phân bón lá, kích thích sinh trưởng, sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật... Khi giá tiêu giảm mạnh nông dân đã không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh dẫn đến cây tiêu bị suy kiệt, giảm sức chống chịu với dịch bệnh nên tiêu chết hàng loạt.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của sản lượng tiêu giảm trên phạm vi toàn cầu những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; nhiều vườn tiêu già đã quá tuổi kinh doanh nên năng suất thấp, nông dân không mặn mà chăm sóc vì lợi nhuận thấp; và dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Tại Ấn Độ, tuần trước, giá tiêu kỳ hạn tăng nóng trở lại do một số hoạt động đầu cơ diễn ra trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục thắt chặt và nhu cầu vẫn rất mạnh.

Do đồng Rupee giảm mạnh nên việc nhập khẩu hạt tiêu trở nên đắt đỏ, buộc các nhà nhập khẩu phải mua từ các nguồn trong nước. Những hiện tượng này kết hợp với nhu cầu trong nước tăng mạnh đã đẩy giá lên cao.

Việt Nam được cho là đã xuất khẩu khoảng 125.000 tấn hạt tiêu trong 6 tháng đầu năm nay. Do đó, giá tiêu có thể không giảm nữa do nguồn cung hàng hóa cũng đã cạn kiệt.

Tại Indonesia, thị trường tiêu vẫn trầm lắng vì sản phẩm của vụ mùa mới dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào giữa tháng 7. Brazil cũng vậy, vụ mùa mới chỉ có thể ra thị trường vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Với tình hình đó, nguồn cung hạt tiêu chính hiện nay chỉ có tại Việt Nam là Ấn Độ và nếu giá tiêu Ấn Độ vẫn cạnh tranh, một số doanh nghiệp có thể đến thị trường này tìm hàng trong những ngày tới.

Đồng thời, sự thiếu hụt nguồn cung có sẵn có thể là một vấn đề. Tình hình hiện tại có thể giúp giá tiêu tồn đọng tại các kho của các sàn giao dịch trong tháng 12 năm ngoái tăng lên mức mà các chủ hàng mong đợi.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục