Hạt tiêu đã lấy lại được đà tăng giá?

25/07/2022 15:50 GMT+7
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài đà tăng ở một số địa phương, giao dịch từ 70.000 - 74.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 25/7: Nối dài đà tăng, giá xuất khẩu ổn định 

Giá tiêu hôm nay tiếp tục đà tăng với mức tăng 2.000 đồng/kg ở các vùng trồng trọng điểm. Hiện giá tiêu trong nước đã lấy lại mốc 74.000 đồng/kg

Cụ thể, tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 72.000 – 72.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 70.500 – 71.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.000 – 70.500 đồng/kg, tăng 1.500 – 2.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 73.500 – 74.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.000 – 72.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Hạt tiêu đã lấy lại được đà tăng giá? - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài đà tăng ở một số địa phương, giao dịch từ 70.000 - 74.000 đồng/kg.

Như vậy, giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục tăng phiên thứ hai liên tiếp với mức tăng mạnh 2.000 đồng/kg mỗi phiên. Sau 2 phiên điều chỉnh, giá tiêu đã tăng mạnh 4.000 đồng/kg. 

Trong khi đó, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế vẫn niêm yết giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam ổn định từ đầu tháng. Cụ thể, tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l ở mức 3.650 USD/tấn, loại 550g/l ở mức 3.900 USD/tấn, tiêu trắng 5.700 USD/tấn.

Nguyên nhân giá hạt tiêu đi lên một phần được cho giá USD hạ nhiệt, giá xăng dầu cũng giảm đã khiến các thị trường hàng hóa bớt gánh nặng và khởi sắc hơn.

Trước đó, những ngày giữa tháng 7/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu giảm ở hầu hết các nước sản xuất, ổn định tại Malaysia. Cụ thể: Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 18/7/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định ở mức 5.900 USD/tấn và 7.600 USD/tấn so với ngày 30/6/2022.

Tại Brazil, ngày 18/7/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 50 USD/tấn so với ngày 30/6/2022, xuống còn 3.400 USD/tấn.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 18/7/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng giảm 100 USD/tấn so với ngày 30/6/2022, xuống còn lần lượt 3.650 USD/ tấn và 3.900 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 100 USD/tấn so với ngày 30/6/2022, xuống còn 5.700 USD/tấn.

Hạt tiêu đã lấy lại được đà tăng giá? - Ảnh 2.

Nguồn: Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPC)

Tại cảng Lampung ASTA, Indonesia, ngày 15/7/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 143 USD/tấn so với ngày 30/6/2022, xuống mức 3.506 USD/tấn. 

Tại cảng Muntok, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 48 USD/tấn so với ngày 30/6/2022, xuống mức 6.130 USD/tấn.

Tại Ấn Độ, ngày 15/7/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 135 USD/tấn so với ngày 30/6/2022, xuống mức 6.318 USD/tấn. 

Thị trường hạt tiêu thế giới vẫn đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 tại Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu chưa có dấu hiệu lắng xuống. Giá hạt tiêu được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới do lạm phát toàn cầu ở mức cao, ảnh hưởng tới các nền kinh tế thế giới.

Xu hướng tăng giá của hạt tiêu kéo dài được bao lâu?

Thực tế, giá hạt tiêu trong nước cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng thời điểm giữa tháng 7 với xu hướng giảm. Theo đó, những ngày giữa tháng 7/2022, giá hạt tiêu đen giảm mạnh so với cuối tháng 6/2022. Lạm phát ở mức cao và nỗi lo kinh tế toàn cầu suy thoái tác động tiêu cực lên giá hạt tiêu. Ngày 18/7/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 2.500 – 3.000 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 30/6/2022, xuống mức 66.500 – 69.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 107.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 6/2022 và thấp hơn so với mức 113.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Hạt tiêu đã lấy lại được đà tăng giá? - Ảnh 3.

Một số chuyên gia về hàng hóa nông sản khuyến cáo nông dân trồng hồ tiêu chỉ nên bán vừa đủ chi tiêu, khi giá tăng thì bán, khi giá giảm thì ngưng.

Hạt tiêu đã lấy lại được đà tăng giá? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 7/2022 chỉ đạt 9.085 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 37,32 triệu USD, đưa xuất khẩu 6,5 tháng đầu năm đạt 132.660 tấn, giảm 21% về lượng nhưng lại tăng 9,02% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ chỉ đạt 4.108 USD/tấn, giảm 0,6% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 6/2022.

Tháng 6 trước đó cũng vậy, giá tiêu xuất khẩu của ta đã chạm đáy 9 tháng. Cụ thể: Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt 22,24 nghìn tấn, trị giá trên 100 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 1,7% về trị giá so với tháng 5/2022, nhưng so với tháng 6/2021 giảm 26,5% về lượng và giảm 15,1% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 123,64 nghìn tấn, trị giá 560,22 triệu USD, giảm 19,7% về lượng, nhưng tăng 12,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Diễn biến giá: Tháng 6/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 4.134 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021, giảm 8,2% so với tháng 5/2022, nhưng tăng 15,5% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.531 USD/ tấn, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về thị trường: Tháng 6/2022 so với tháng 6/2021, xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường giảm mạnh cả về lượng và trị giá, ngoại trừ các thị trường Hà Lan, Philippin, Thái Lan. 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang một số thị trường giảm như: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Anh, Pakistan. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường khác tăng, như: Ấn Độ, Đức, Hàn Lan, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Thị trường hạt tiêu thế giới vẫn đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 tại Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu chưa có dấu hiệu lắng xuống. Giá hạt tiêu được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới do lạm phát toàn cầu ở mức cao, ảnh hưởng tới các nền kinh tế thế giới.

Hạt tiêu Việt đang kỳ vọng vào sức mua của thị trường Trung Quốc từ nay tới cuối năm để có thể bứt phá cả về lượng và giá xuất khẩu. Ngành hạt tiêu Trung Quốc có 2 đặc điểm chính, thứ nhất là sản xuất tiêu của nước này tập trung ở đảo Hải Nam, với sản lượng chiếm hơn 90% tổng sản lượng của cả nước.

Thứ hai, ở góc độ toàn cầu, không giống như các nước khác trên thế giới chủ yếu sản xuất tiêu đen, Trung Quốc chủ yếu sản xuất tiêu trắng, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng của thế giới. Hải Nam cũng là vùng sản xuất tiêu trắng chính của thế giới. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mỗi năm Trung Quốc cần nhập khẩu tiêu lớn từ một số nguồn cung như Việt Nam, Indonesia và Brazil.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tiêu của nước này trong tháng 5 đạt 942 tấn, giảm 39% so với tháng trước. Lũy kế đến hết tháng 5, nhập khẩu tiêu của Trung Quốc đã giảm 46,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 3.950 tấn. Chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc được cho là đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng cũng như nhập khẩu tiêu của nước này. 

Tháng 6, nhập tiêu của Trung Quốc khởi sắc hơn, với lượng nhập đạt 2.999 tấn từ Việt Nam, cao hơn tổng lượng nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 là 2.619 tấn. Tổng lượng nhập khẩu của quốc gia này 6 tháng đầu năm đạt 5.609 tấn, tuy nhiên lượng nhập khẩu này giảm 80,2% so với cùng kỳ. Kỳ vọng lượng nhập khẩu từ nay đến cuối năm của quốc gia này sẽ là động lực giúp giá tiêu Việt tăng trở lại.

Ngoài ra, năm 2022 được đánh giá nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của EU tăng, và lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hạt tiêu Việt Nam gia tăng thị phần ở thị trường này. Hiện nay, Mỹ và EU đang là hai thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, và đây cũng là ngành hàng hiếm hoi trong số các mặt hàng nông sản chiếm tỷ trọng tuyệt đối tại Mỹ và EU.

Để giảm thiểu những tác động của thị trường, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tránh những rủi ro của giá lên xuống bấp bênh, ngành tiêu trong nước cần thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sự ổn định để có đầu ra bền vững.

Theo phản ánh của các thành viên Diễn đàn những người làm tiêu Việt Nam, từ đầu tuần qua thương lái đã tích cực thu mua tiêu của nông dân trở lại. Một số chuyên gia về hàng hóa nông sản khuyến cáo nông dân trồng hồ tiêu chỉ nên bán vừa đủ chi tiêu, khi giá tăng thì bán, khi giá giảm thì ngưng. Quan trọng là nông dân không vay tiền "ôm tiêu" vì thị trường hiện nay rất khó lường và nhiễu loạn thông tin.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục