Giá giảm, thị trường hạt tiêu có thể ảm đạm đến hết quý III năm nay

01/09/2022 16:19 GMT+7
Giá tiêu hôm nay (1/9) tại thị trường trong nước ổn định ở mức thấp tại một số địa phương, giao dịch từ 66.500 - 70.000 đồng/kg. Lực mua vẫn chậm và yếu, thị trường toàn cầu kém sôi động, tương lai của hạt tiêu vẫn khá ảm đạm...

Giá tiêu hôm nay 1/9, lực mua vẫn chậm và yếu, giá thấp 

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở mức thấp tại một số địa phương, giao dịch từ 66.500 - 70.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 66.500 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (67.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (67.500 đồng/kg); Bình Phước (68.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 70.000 đồng/kg.

Giá giảm, thị trường hạt tiêu có thể ảm đạm đến hết quý III năm nay - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở mức thấp tại một số địa phương, giao dịch từ 66.500 - 70.000 đồng/kg.

Trên thị trường tiêu thế giới, ở khu vực Nam Á, giá tiêu Ấn Độ ổn định trong 2 tuần qua, trong khi đó, giá tiêu nội địa Sri Lanka tiếp tục giảm.

Tại Đông Nam Á, giá tiêu Indonesia ổn định trong tuần trước khi vụ thu hoạch ở vùng Lampung đã kết thúc. Giá tiêu giao dịch trong nước và quốc tế của Malaysia ổn định và không thay đổi.

Tại Campuchia, giá tiêu đen khô được mua trực tiếp từ nông dân hiện vào khoảng 12.000 - 13.000 Riel/kg (tương đương 3,00 - 3,25 USD/kg), giảm so với khoảng 14.000 - 15.000 Riel/kg so với năm ngoái.

Các mức giá này khá khiêm tốn, đặc biệt là khi so sánh với giá của tiêu Kampot - giống tiêu được đánh giá cao nhất ở quốc gia này. Tiêu Kampot được trồng ở tỉnh ven biển cùng tên và là giống duy nhất được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý quốc gia (GI).

Trong khi đó, giá tiêu nội địa của Việt Nam cùng giảm trong tuần trước. Thống kê sơ bộ cho thấy tình hình xuất khẩu tiêu tháng 8/2022 không mấy khả quan. Do vậy mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD của ngành hàng hồ tiêu trong năm 2022 còn rất khó khăn.

Còn với thị trường Mỹ, giá tiêu ghi nhận chiều hướng giảm do nhu cầu ít hơn và hoạt động thương mại hạn chế tại Mỹ/châu Âu. Các chuyên gia nhận định, giá tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại. Thời điểm hiện tại, giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay. Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.

Thực tế, giá hạt tiêu thế giới đã tăng trở lại trong những ngày đầu tháng 8/2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của mặt hàng hạt tiêu được cho là không bền vững. Cuộc xung đột vũ trang kéo dài giữa Nga và Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực, tác động đến thị trường hạt tiêu toàn cầu. Trong khi đó, những lo ngại về làn sóng Covid-19 mới trên toàn cầu cũng như chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại Trung Quốc góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường hạt tiêu. Điều này dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. Tại khu vực châu Á, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22,15 triệu USD, trong khi nguồn cung vụ mùa mới từ Brazil và Indonesia đang tiếp tục bổ sung vào thị trường.

Giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa tăng hồi đầu tháng 8 nhờ tín hiệu khả quan từ thị trường Trung Quốc, trong khi lượng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ vẫn chậm. Ngày 9/8/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa tăng 500 – 1.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 29/7/2022, lên mức 71.500 – 73.5000 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 109.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022, nhưng thấp hơn so với mức 112.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Tương lai của hạt tiêu vẫn khá ảm đạm...

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt trên 19 nghìn tấn, trị giá 80,12 triệu USD, giảm 21,5% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 6/2022, so với tháng 7/2021 giảm 27,5% về lượng và giảm 15,6% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 142,56 nghìn tấn, trị giá 639,84 triệu USD, giảm 20,9% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 7/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.214 USD/tấn, tăng 1,9% so với tháng 6/2022 và tăng 16,7% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.488 USD/tấn, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về thị trường Tháng 7/2022 so với tháng 7/2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Hà Lan, Philippines. 7 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang một số thị trường chính giảm như: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan, Anh. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan tăng trưởng ở mức 2 con số.

Giá giảm, thị trường hạt tiêu có thể ảm đạm đến hết quý III năm nay - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá giảm, thị trường hạt tiêu có thể ảm đạm đến hết quý III năm nay - Ảnh 3.

Giá giảm, thị trường hạt tiêu có thể ảm đạm đến hết quý III năm nay.

Nhận định về thị trường tiêu toàn cầu trong thời gian tới, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, cho rằng thị trường tiếp tục nằm trong vùng giảm giá trong quý III năm nay, khi thế giới tiếp tục đối mặt với sự suy giảm nhu cầu và thâm hụt chuyển sang tồn kho dư thừa, đồng tiền mất giá, lạm phát và nhu cầu tiêu dùng thấp. 

Đại diện của IPC cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc đã quay trở lại mua tiêu nhưng điều này có thể không đủ để thúc đẩy thị trường do Brazil và Indonesia đang bước vào mùa thu hoạch trong năm 2022. IPC kỳ vọng thị trường hồ tiêu sẽ ổn định và tăng lên trong tháng 11 và tháng 12/2022. 

Còn theo đánh giá của Nedspice, sau một thời gian dài không tham gia vào thị trường, các thương nhân Trung Quốc đã trở lại mua hàng từ Việt Nam và Indonesia. Tuy nhiên lực mua vẫn còn hạn chế trong khi nhu cầu của các khu vực khác như Mỹ hay EU không tăng. 

Ngoài ra, trong suốt năm 2021 và nửa đầu năm 2022, nhiều nhà nhập khẩu đã tăng đáng kể lượng mua vào do dự đoán sẽ có sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá cả tăng cao. Do đó, lượng hàng tồn kho ở mức cao. Xu hướng giảm giá trong những tháng qua cũng không khuyến khích những nhà đầu cơ nắm giữ hàng lâu dài, đặc biệt là những người sử dụng các khoản vay để đầu cơ. 

Khi lãi suất ngày càng tăng trên toàn cầu, việc duy trì một vị thế đầu cơ lâu dài trở nên ít hơn hấp dẫn. Những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho vụ mùa tiếp theo của Việt Nam, cùng với chi phí giữ hàng cao, đang dẫn đến tình trạng tương đối trầm lắng trên thị trường và không có nhiều áp lực mua.

Các chuyên gia nhận định nhu cầu yếu vẫn là yếu tố kìm hãm sự phục hồi của giá tiêu. Sức cầu của thị trường đang đối mặt với nguy cơ giảm sút khi lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ, hai thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của nước ta. 

Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất trong thời gian gần đây để kiềm chế lạm phát khiến đồng USD chảy ngược vào Mỹ và tăng giá so với các đồng tiền khác. Điều này dẫn đến nhiều quốc gia bị thiếu USD và buộc phải hạn chế ngoại tệ đối với nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, trong đó có hạt tiêu. 

Một số nước như Pakistan và Ai Cập, vốn là thị trường xuất khẩu tiêu lớn của Việt Nam trong những năm gần đây đang gặp phải tình trạng này. Trong khi đó, chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại Trung Quốc cũng góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường hạt tiêu. Một yếu tố khác gây áp lực lên tiêu nội địa là đầu năm nay các đại lý cho rằng giá cà phê sẽ ổn định, còn hạt tiêu sẽ tăng mạnh nên đem cà phê bán gom tiền trữ tiêu. Nhưng hiện nay giá cà phê tăng mạnh lên mức cao nhất trong 6-7 năm qua, điều này buộc các đại lý buộc phải xả bớt tiêu để thanh toán cho những người gửi cà phê chốt giá.

Theo dự báo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hạt tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ do nguồn cung từ Brazil được kỳ vọng đạt sản lượng tốt, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại trong giai đoạn nửa cuối năm theo chu kỳ. Thêm vào đó, căng thẳng chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, do đó áp lực lên giá càng gia tăng. 

Mặc dù Sri Lanka đang bị vỡ nợ, thiếu nguyên vật liệu đang xảy ra sẽ gây khó khăn trong việc sản xuất, tuy nhiên những ngành xuất khẩu sẽ được ưu tiên để mang về ngoại tệ cho đất nước, do đó rất có thể hồ tiêu Sri Lanka được đẩy mạnh xuất khẩu kể cả lượng hàng tồn và giá thành có thể cạnh tranh hơn các nước khác. 

Đặc biệt, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn Zero Covid sẽ khiến cho nhu cầu của nước này chưa đạt mức như kỳ vọng. Mặc dù nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng trở lại, tuy nhiên đó có thể là lượng hàng có sẵn ở cửa khẩu. Giá khó có thể tăng khi sức mua của Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Tình trạng tắc nghẽn cảng ở châu Âu là vấn đề chính dẫn đến sự trì hoãn các lịch trình vận tải. Thiếu chỗ và container vẫn còn căng thẳng, đặt biệt các quốc gia xuất khẩu của Đông Nam Á. 

Hiện nay, ngành hạt tiêu Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn như giá bán thấp, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày càng cao hơn của các thị trường. Sản xuất bền vững ngành hạt tiêu là một nhiệm vụ tất yếu quan trọng trong thời gian tới. Một trong những ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt tiêu; liên kết sản xuất theo chuỗi; đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu an toàn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích hạt tiêu Việt Nam năm 2020 đạt 130.838 ha, nhưng diện tích này giảm trong năm 2021 và 2022, ước sản lượng năm 2022 là 175.000 tấn, giảm 10% so với 2021. Nguyên nhân do nhiều vườn tiêu tại các tỉnh trọng điểm đang bị nhiễm sâu bệnh và chết do canh tác sai phương pháp, bón phân, thuốc quá liều lượng, kích thích tăng năng suất đồng thời giá tiêu xuống thấp giai đoạn 2019-2020 nên người dân không chăm sóc dẫn tới vườn tiêu bị kiệt quệ và bị xóa sổ, chi phí vật tư đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc, nhân công, xăng dầu...) trong khi giá tiêu vẫn chưa đạt như kỳ vọng, dịch bệnh trên cây tiêu vẫn phổ biến ảnh hưởng đến năng suất cây tiêu, tình trạng biến đổi khí hậu vẫn diễn ra khó lường.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục