Xuất khẩu rau quả 9 tháng giảm 5,3% so với cùng kì 2018

27/10/2019 08:35 GMT+7
9 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu rau quả đạt 2,82 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2019 xuất khẩu hàng rau quả đạt 272,17 triệu USD, tăng 0,8% so với tháng trước đó, nhưng giảm 5,6% so với cùng tháng năm 2018. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019 đạt 2,82 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù xuất khẩu rau quả sang các thị trường như: EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Australia và đặc biệt là thị trường Lào tăng rất mạnh, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho mức giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu rau quả 9 tháng 2019 giảm 5,3% so với cùng kì 2018 - Ảnh 1.

Xuất khẩu rau quả sang các thị trường 9 tháng đầu 2019 (Đơn vị: triệu USD)

Tuy doanh thu không cao nhưng tốc độ tăng trưởng của Lào, Hồng Kông và Đài Loan rất mạnh, lần lượt 313,5%, 216,9% và 56,4%.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,91 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2018 do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã làm giảm xuất khẩu nông sản của Trung Quốc sang thị trường Mỹ. Vì vậy, hàng nông sản của Trung Quốc quay lại tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu.

Xuất khẩu rau quả giảm mạnh do xuất khẩu một số mặt hàng chính giảm mạnh như: nhãn (giảm 43%), sầu riêng (giảm 20,2%), dừa (giảm 30,8%), dưa hấu (giảm 26,3%), chôm chôm (giảm 7,3%), mộc nhĩ (giảm 49,4%), nấm hương (giảm 46,6%), ớt (giảm 44,8%), khoai lang (giảm 39,5%).

Hiện Việt Nam đã được xuất khẩu 9 loại quả sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu măng cụt chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Đối với Việt Nam, ngày 26/4/2019, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Nghị định thư về mở cửa thị trường cho trái măng cụt. Cuối tháng 8/2019, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố các báo cáo liên quan đến kiểm dịch măng cụt Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Thời gian tới măng cụt Việt Nam sẽ chính thức có mặt tại các siêu thị và cửa hàng tại Trung Quốc - đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp khai thác thị trường măng cụt Trung Quốc trong thời gian tới.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ mang lại cho ngành rau quả Việt Nam nhiều lợi ích khi các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi đi vào các thị trường "khó tính" như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Tuy nhiên, mặt trái của các hiệp định này là các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài cũng thuận lợi đi vào thị trường Việt Nam với thuế nhập khẩu bằng 0%.

Nhìn lại 9 tháng đầu năm, thị trường nhiều loại trái cây trong nước diễn biến giảm do nhu cầu giảm, đặc biệt là từ quốc gia lân cận Trung Quốc với những điều kiện khắt khe về xuất khẩu. Tuy nhiên, trong tháng 8/2019, quả nhãn tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Australia (sau vải, xoài, thanh long); quả xoài được phép xuất khẩu vào thị trường Chilê (sau thanh long) hứa hẹn nhiều tín hiệu khả quan cho ngành rau quả Việt Nam trong thời gian tới.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang dẫn đầu bảng, nhưng theo bà Yang Cheng, Đại diện Ban Tổ chức triển lãm HortEx Vietnam thì Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu nhiều hơn nữa.

“Việt Nam và Trung Quốc có nét tương đồng về văn hoá. Hơn nữa, thời tiết Việt Nam thuận lợi hơn để trồng rau quả nên vẫn còn có thể xuất khẩu rất nhiều. Nhất là trái sầu riêng, hiện nay Trung Quốc đang nhập khẩu từ Thái Lan là chính. Nhưng quả sầu riêng của Việt Nam còn ngon hơn. Tuy nhiên, Việt Nam nên hạ giá thành để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, rồi từ đó mới nâng cao giá trị”, bà Yan Cheng cho biết thêm.


Mai Trang
Cùng chuyên mục