Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vọt tăng nhờ Trung Quốc hút hàng

18/11/2022 14:18 GMT+7
Nhờ Trung Quốc tăng mua nên xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2022 tăng vọt...

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vọt tăng mạnh trong tháng 10

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 309,7 triệu USD, tăng 22,9% so với tháng 9/2022 và tăng 28,1% so với tháng 10/2021. Tính chung trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,75 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vọt tăng nhờ Trung Quốc hút hàng - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vọt tăng nhờ Trung Quốc hút hàng - Ảnh 2.

Cơ hội xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc đang mở ra khi Nghị định thư về xuất khẩu chuối tươi được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xuất khẩu hàng rau quả đã có sự khởi sắc trong tháng 10/2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng mạnh, đạt 151,7 triệu USD, tăng 44,2% so với tháng 10/2021. Xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 đạt 1,2 tỷ USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực như: Trái sầu riêng đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 9/2022. Sau sầu riêng, cơ hội xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc đang mở ra khi Nghị định thư về xuất khẩu chuối tươi được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan. Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm 2022, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng trưởng tốt như: Hoa Kỳ đạt 219 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021; Thái Lan đạt 153,4 triệu USD, tăng 26,4%; Nhật Bản đạt 141,3 triệu USD, tăng 6%...

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vọt tăng nhờ Trung Quốc hút hàng - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Là khách hàng chính nên khi thị trường Trung Quốc bất ngờ tăng mua, ngay lập tức kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vọt tăng mạnh trong tháng 10.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu quả chuối (HS 0803) của Trung Quốc trong tháng 9/2022 đạt 74,3 triệu USD, tăng 12,5% so với tháng 9/2021. Trong 9 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu quả chuối của Trung Quốc đạt 948,56 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vọt tăng nhờ Trung Quốc hút hàng - Ảnh 4.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Trung Quốc nhập khẩu chuối nhiều nhất từ thị trường Philippines, trong 9 tháng năm 2022 đạt 375,5 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu quả chuối từ Philippines chiếm 39,6% tổng trị giá nhập khẩu, giảm 4,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, Trung Quốc tăng nhập khẩu quả chuối từ Việt Nam trong 9 tháng năm 2022, đạt 213,3 triệu USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2021. Các chính sách về đất thuê nông nghiệp và chi phí lao động tăng khiến diện tích trồng chuối của Trung Quốc giảm. Dịch bệnh Panama cũng khiến chất lượng chuối Trung Quốc giảm mạnh, từ đó thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu chuối từ Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng mạnh nhập khẩu quả chuối từ Campuchia, Equador và Lào trong 9 tháng năm 2022.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vọt tăng nhờ Trung Quốc hút hàng - Ảnh 5.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vọt tăng nhờ Trung Quốc hút hàng - Ảnh 6.

Chanh leo, sầu riêng, chuối và mới đây nhất là khoai lang liên tiếp được cấp “visa” vào thị trường đông dân nhất thế giới này.

Trước đó, Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covoid-19” khiến hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này lao dốc, thậm chí có thời điểm gần như “đóng băng”.

Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực khi gần đây, các loại rau quả như: Chanh leo, sầu riêng, chuối và mới đây nhất là khoai lang liên tiếp được cấp “visa” vào thị trường đông dân nhất thế giới này.

Với việc Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách "Zero Covid" và mở cửa cho một số loại trái cây của Việt Nam, xuất khẩu rau quả được cho là sẽ tăng trưởng mạnh trong những tháng tới. Quý IV cũng thường là thời điểm Trung Quốc tăng nhập khẩu rau quả phục vụ cho mùa lễ Tết cuối năm.

Việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, rau quả Việt cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng Campuchia tại thị trường Trung Quốc.

Theo thông tin từ freshplaza.com, Campuchia sẽ khởi động các cuộc đàm phán với Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu 7 mặt hàng nông sản sang thị trường này, trong đó có trái dừa. Hiện tại, Campuchia đang cải tiến giống dừa để thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới. Trong số nhiều giống dừa, dừa thơm Thái Lan khá phổ biến trên thị trường và hiện nay được trồng rộng rãi ở Campuchia. Dừa thơm Thái Lan nhỏ hơn các loại dừa thông thường, đuôi nhọn, có vị đậm đà, độ ngọt vừa phải và giá thường đắt hơn so với dừa thông thường. Trong thời gian tới, diện tích trồng dừa thơm giống của Thái Lan sẽ tăng lên đáng kể tại Campuchia. Mới đây, Campuchia cũng đã xuất khẩu thành công lô nhãn đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), triển vọng xuất khẩu hàng rau quả có nhiều tín hiệu tích cực như Việt Nam - Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch; chanh dây được xuất khẩu thử nghiệm sang Trung Quốc; Hoa Kỳ đã chấp nhận trái bưởi được xuất sang thị trường này…

Do dó, để xuất khẩu rau quả phát triển mạnh, các doanh nghiệp phải đáp ứng được nhiều tiêu chí khắt khe và mỗi thị trường sẽ có những quy định riêng.

Để xuất khẩu được rau quả nhiều vào Hoa Kỳ hay Trung Quốc, hàng rau quả không được chứa 7 hoạt chất cấm về dư lượng; nhà máy đạt chuẩn ISO HACCP, có mã số nhà máy đóng gói do Hoa Kỳ, Trung Quốc cấp, có mã vùng trồng… Sau khi đáp ứng các tiêu chí, trước khi xuất khẩu đối với trái cây tươi phải được chiếu xạ (đối với thị trường Hoa Kỳ) do nhân viên kiểm dịch của Hoa Kỳ kiểm tra tại chỗ.

Trong một diễn biến khác, Theo nguồn mizzima.com, do chính sách “Zero-Covid” nghiêm ngặt của Trung Quốc không cho phép vận chuyển qua biên giới, khiến Myanmar mất thị trường xuất khẩu dưa hấu ngay vào thời điểm các đợt gió mùa cũng đang đổ bộ vào nước này. 

Hiện tại, loại trái cây này đang được bán tại thị trường nội địa với giá rất thấp. Các thương nhânMyanmar và người dân trồng dưa hấu phải chịu lỗ hàng năm do việc kinh doanh trái cây phải tuân theo các chính sách nhập khẩu và thương mại của Trung Quốc. Chính vì vậy, các thương nhân và nông dân Myanmar mong muốn có các thỏa thuận song phương về xuất khẩu dưa hấu giữa Trung Quốc và Myanmar để giải quyết những vấn đề này. 

Trước tình hình hiện tại, các nhà phân tích cho biết diện tích trồng dưa hấu của Myanmar trong đợt gió mùa này đã giảm gần một nửa, chỉ còn khoảng 60% so với năm trước. Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều dưa hấu sang Trung Quốc nên cần nắm rõ thông tin về thị trường này để có chính sách xuất khẩu phù hợp.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục