Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục giảm đầy lo ngại

21/06/2022 17:29 GMT+7
Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh, trong 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 1,43 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5/2022 đạt 258,4 triệu USD, giảm 23,3% so với tháng 5/2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 1,43 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục giảm đầy lo ngại - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục giảm đầy lo ngại - Ảnh 2.

Xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường chính là Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2022, đạt 722,2 triệu USD, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường chính là Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2022, đạt 722,2 triệu USD, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là yếu tố chính làm giảm trị giá xuất khẩu chung của ngành hàng rau quả trong 5 tháng đầu năm 2022, bởi trị giá xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 50,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. 

Tín hiệu đáng mừng khi cơ cấu chuyển dịch xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khó tính rất rõ nét như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Hoa Kỳ chiếm 7,6%, tăng 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021; Hàn Quốc chiếm 3,8%, tăng 1,6 điểm phần trăm và Nhật Bản chiếm 3,7%, tăng 1,1 điểm phần trăm. 

Đây đều là các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng rau quả, vì vậy xuất khẩu hàng rau quả được vào các thị trường này, ngành hàng rau quả của Việt Nam có kỳ vọng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác và làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam là rất lớn, với hơn 330 triệu người, thu nhập đầu người cao và xu hướng ngày càng chú trọng tới thành phần rau quả. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nước này có nhu cầu tiêu thụ trái cây lớn với mức tiêu thụ 12 triệu tấn/năm. Sản xuất trái cây tươi tại thị trường nội địa chỉ đáp ứng 70% nhu cầu, còn lại 30% (tương đương 3,6 triệu tấn) là phải nhập khẩu, đây sẽ là dư địa lớn để cho ngành hàng trái cây của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. 

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, theo Cục Bảo vệ thực vật, trái cây của Việt Nam phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn chính là: Vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Hoa Kỳ ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; Nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Hoa Kỳ cấp mã số; Sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.

Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục giảm đầy lo ngại - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Điểm sáng "chuối quả" Việt Nam ở thị trường Trung Quốc

Trong bối cảnh xuất khẩu nhiều loại rau của của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh thì xuất khẩu chuối quả lại đang là điểm sáng. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 4/2022 trị giá nhập khẩu chủng loại quả chuối (mã HS 0803) của Trung Quốc đạt 141,7 triệu USD, tăng 15,7% so với tháng 4/2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu chủng loại quả chuối của Trung Quốc đạt 477,7 triệu USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục giảm đầy lo ngại - Ảnh 4.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục giảm đầy lo ngại - Ảnh 5.

Để đẩy mạnh chủng loại quả chuối vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện chất lượng, cần có mã vạch vùng trồng, mã đóng gói, nhà máy xử lý...

Trung Quốc nhập khẩu chủng loại quả chuối nhiều nhất từ thị trường Philipines trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt 167,5 triệu USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 35,1% tổng trị giá nhập khẩu chủng loại chuối, giảm 4,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như dịch bệnh Panama và vấn đề vận chuyển, nên tỷ trọng chủng loại quả chuối của Philipines giảm dần tại thị trường Trung Quốc. Cảng Thượng Hải là một trong những cảng quan trọng để nhập khẩu chuối từ thị trường Philipines vào Trung Quốc. Mặc dù hoạt động của cảng bình thường trong quá trình phòng ngừa và kiểm soát, nhưng khối lượng container nhìn chung đã giảm, và các thủ tục giao thông cồng kềnh, đã cản trở đến việc nhập khẩu chuối từ Philipines.

Campuchia là thị trường cung cấp chủng loại quả chuối lớn thứ 3 cho Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt 101,8 triệu USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện tại, Campuchia thiếu cơ sở làm lạnh cho nông sản và với việc Trung Quốc tăng cường chính sách kiểm dịch, nguồn cung của các khu vực sản xuất trong nước đã dần tăng lên. Trong thời gian tới, xuất khẩu chủng loại quả chuối của Campuchia sang Trung Quốc sẽ không mấy khả quan. 

Đáng chú ý, mặc dù Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam, nhưng riêng đối với chủng loại quả chuối Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam đạt 139,5 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2022, tăng tới 66,1% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 29,2% tổng trị giá nhập khẩu, tăng 6,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. 

Dự kiến trong nửa cuối năm 2022, nhu cầu đối với chủng loại quả chuối tại thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh, tuy nhiên thị trường cung cấp lớn nhất là Philipines đang giảm dần tỷ trọng và thị trường cung cấp lớn thứ 3 là Campuchia dự kiến xuất khẩu chủng loại quả chuối sang Trung Quốc cũng kém khả quan. Cùng với việc diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và lao động tăng khiến nông dân không muốn trồng chuối. Ảnh hưởng của dịch bệnh Panama cũng khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh do phải sử dụng các loại giống kháng bệnh. Đây là cơ hội lớn cho thị trường cung cấp chủng loại quả chuối lớn thứ 2 cho Trung Quốc là Việt Nam. Tuy nhiên, để đẩy mạnh chủng loại quả chuối vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện chất lượng, cần có mã vạch vùng trồng, mã đóng gói, nhà máy xử lý...

Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục giảm đầy lo ngại - Ảnh 6.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc


 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục