Xuất khẩu rau quả giảm mạnh, điểm sáng duy nhất là trái xoài
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 10/2020 đạt khoảng 218,91 triệu USD, so với tháng 10/2019 giảm 26,35%. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020 đạt 2,71 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 12,95%. Dự báo, năm nay xuất khẩu rau quả có thể sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019.
Xuất khẩu xoài sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh
Tháng 9/2020, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 121,026 USD, giảm 32,81% so với tháng 8/2020. Cộng dồn 9 tháng đạt 1,432 tỷ USD, giảm 24,89% so với cùng kỳ năm 2019, và chiếm 57,28%/ tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2020 Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu mặt hàng rau quả hàng đầu của Việt Nam, đạt hơn 1,432 tỷ USD,.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đã giảm trong nhiều năm liền nhưng Trung Quốc vẫn đang là thị trường số 1 của rau quả Việt Nam chiếm đến 58,57%/tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đối với thị trường Trung Quốc, trong xu hướng giảm thì riêng mặt hàng xoài lại tăng mạnh. Cụ thể:
Tháng 8/2020, xuất khẩu xoài các loại sang thị trường Trung Quốc đạt 5,36 triệu USD, tăng 27,7% so với tháng 8/2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu xoài các loại đạt 185,51 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 2 nhưng có độ tăng trưởng mạnh nhất, tháng 8/2020 xoài các loại xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 1,4 triệu USD, tăng 156,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu xoài các loại tới hầu hết các thị trường đều có trị giá tăng, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 128,6 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 11,2 triệu USD, tăng 52%; Nga đạt 8,9 triệu USD, tăng 166,6%...
Bắt đầu từ năm 2019 đến tháng 6/2020, tổng lượng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 750.000 Tấn. Tuy nhiên, vừa qua phía Trung Quốc đã cảnh báo có 220 lô xoài với trọng lượng là 3.300 tấn xuất khẩu sang thị trường này vi phạm về mã số vùng trồng và mã số đóng gói. Số lượng vi phạm chiếm khoảng 0,43%, trong đó có 18 mã số vùng trồng và 12 mã số nhà đóng gói.
Cần chấm dứt tình trạng “mượn” hoặc mạo danh mã số vùng trồng, đóng gói
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), cho biết vừa qua đã xảy ra hiện tượng có một số doanh nghiệp mượn mã số đóng gói của doanh nghiệp khác. Các lỗi vi phạm chủ yếu là về kiểm dịch thực vật, trong đó có 3 trường hợp vi phạm về dịch hại, an toàn thực phẩm và doanh nghiệp tẩy xóa chứng thư kiểm dịch thực vật.
Trong quá trình tìm hiểu các vi phạm ở các vùng trồng mà phía Trung Quốc đã phản hồi, Cục đã phát hiện ra nguyên nhân doanh nghiệp “mượn” hoặc mạo danh mã số đóng gói để xuất khẩu là vào tháng 6 - thời điểm Trung Quốc cảnh báo thì ở tỉnh Đồng Tháp và một số địa phương khác đã qua mùa thu hoạch xoài.
Mùa xoài diễn ra từ tháng 9, tháng 10 đến tháng 3 của năm sau, và giai đoạn xoài không mang trái là từ tháng 4 đến tháng 8. Do vậy, thời gian này những doanh nghiệp có mã số đóng gói cũng như nông dân có mã số vùng trồng đã không xuất khẩu xoài sang Trung Quốc. Từ đó Cục đã tìm ra được một số doanh nghiệp đã “mượn” hoặc mạo danh mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói để xuất khẩu.
Theo ông Thiệt, việc mượn mã số vùng trồng và mã số đóng gói đã đưa đến các tác hại:
Thứ nhất làm mất uy tín của vùng trồng và mã số vùng trồng bị “mượn” là của HTX xoài cát Hòa Lộc Mỹ Xương ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đây là HTX rất nổi tiếng về xoài cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu, cũng là HTX xoài đầu tiên trên cả nước đã nghĩ ra việc làm mã số vùng trồng “cho cây xoài nhà mình” để bán cho người tiêu dùng trên cả nước. Đây là một điểm sáng trong thời kinh doanh mới. Việc mượn mã số vùng trồng của HTX xoài cát Hòa Lộc đã làm ảnh hưởng đến uy tín, giá trị thương hiệu của cây xoài nơi đây.
Thứ hai, kẻ mạo danh đã lấy cây xoài khác ở vùng trồng khác để xuất khẩu dĩ nhiên chất lượng và việc kiểm soát dịch hại không chặt chẽ, dẫn đến chất lượng và dịch hại trên lô xoài không đảm bảo nên bị phía Trung Quốc phát hiện và thứ ba là làm mất lòng tin đối với Hải quan và các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Mã số vùng trồng đã được cấp thì phải có sự kiểm tra, quản lý và giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cùng với đơn vị có mã số vùng trồng đó, chính vì kiểm soát không chặt chẽ đã xảy ra vấn đề đáng tiếc vừa qua.
Để khắc phục vấn đề trên đối với quy định của việc kiểm dịch thực vật đến khi mùa xoài bắt đầu, Cục BVTV sẽ thành lập một đoàn xuống địa phương tìm hiểu nguyên nhân, sau khi biết được nguyên nhân sẽ đề ra biện pháp khắc phục. Đó là làm văn bản gửi phía Trung Quốc đề nghị họ mở cửa lại cho các mã số mà họ đã đóng do vi phạm trong thời gian qua”, ông Thiệt cho biết.
Vấn đề này đã từng xảy ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Lúc đầu, phía Trung Quốc công nhận 22 doanh nghiệp của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình xuất khẩu họ đã phát hiện ra 3 đơn vị không tuân thủ theo điều kiện và quy định về kiểm dịch thực vật nên không được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Bộ đã giao Cục BVTV đi tìm hiểu nguyên nhân vi phạm để tìm biện pháp khắc phục. Các doanh nghiệp vi phạm chủ yếu là do khách quan nên sau khi có văn bản của đề nghị của Bộ thì phía Trung Quốc đã mở cửa lại cho các doanh nghiệp này. Do vậy, chúng tôi hy vọng đối với các mã vùng trồng và mã nhà đóng gói xoài bị phía Trung Quốc đóng cửa sau khi Cục BVTV tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp khắc phục thì phía Trung Quốc sẽ chấp nhận”, ông Thiệt khẳng định.