Xuất khẩu tiêu tiếp tục giảm mạnh, nút thắt ở đâu?

17/08/2022 15:25 GMT+7
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7 đạt trên 19 nghìn tấn, trị giá 80 triệu USD, tiếp tục giảm 21,5% về lượng và giảm 20% về trị giá so với tháng 6.

Giá tiêu tiếp tục đi ngang tại thị trường trong nước

Những ngày đầu tháng 8/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu biến động không đồng nhất tại các nước sản xuất, tăng tại Indonesia và Ấn Độ, ổn định tại Malaysia và Việt Nam, nhưng giảm tại Brazil. 

Cụ thể như sau: Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 8/8/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 369 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, lên mức 4.061 USD/tấn. Tại cảng Muntok, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 90 USD/ tấn so với ngày 29/7/2022, lên mức 6.352 USD/tấn. 

Tại Ấn Độ, ngày 7/8/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 8 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, lên mức 6.485 USD/tấn. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 8/8/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu ổn định ở mức 3.750 USD/tấn và 4.000 USD/ tấn so với ngày 29/7/2022. Ngược lại, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 200 USD/ tấn so với ngày 29/7/2022, xuống còn 5.600 USD/tấn.

Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 8/8/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ở mức 5.900 USD/tấn và 7.600 USD/tấn, ổn định so với ngày 29/7/2022. 

Tại Brazil, ngày 8/8/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 25 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, xuống còn 3.000 USD/tấn. 

Xuất khẩu tiêu tiếp tục giảm mạnh, nút thắt ở đâu? - Ảnh 1.

Giá tiêu cập nhật hôm nay (17/8) tiếp tục đi ngang tại thị trường trong nước. Mức giá cao nhất theo ghi nhận hiện là 72.000 đồng/kg.

Giá hạt tiêu thế giới tăng trở lại trong những ngày đầu tháng 8/2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của mặt hàng hạt tiêu được cho là không bền vững. Cuộc xung đột vũ trang kéo dài giữa Nga và Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực, tác động đến thị trường hạt tiêu toàn cầu. 

Trong khi đó, những lo ngại về làn sóng Covid-19 mới trên toàn cầu cũng như chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại Trung Quốc góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường hạt tiêu. Điều này dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. 

Tại khu vực châu Á, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 22,15 triệu USD, trong khi nguồn cung vụ mùa mới từ Brazil và Indonesia đang tiếp tục bổ sung vào thị trường.

Giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa tăng nhờ tín hiệu khả quan từ thị trường Trung Quốc, trong khi lượng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ vẫn chậm. Dự báo giá hạt tiêu sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. Thị trường Trung Quốc đã có những tiến triển tích cực khi các đợt phong tỏa của nước này đã được rút ngắn lại để ưu tiên cho sản xuất. Ngày 9/8/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa tăng 500 – 1.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 29/7/2022, lên mức 71.500 – 73.5000 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 109.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022, nhưng thấp hơn so với mức 112.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Giá tiêu cập nhật hôm nay (17/8) tiếp tục đi ngang tại thị trường trong nước. Mức giá cao nhất theo ghi nhận hiện là 72.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 69.000 đồng/kg có mặt tại hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai. Kế đó là hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với chung mức giá là 70.500 đồng/kg, tỉnh Bình Phước với mức 71.000 đồng/kg. Hiện tại, Bà Rịa - Vũng Tàu đang là địa phương dẫn đầu với mức giá cao nhất, đạt 72.000 đồng/kg.

Xuất khẩu tiêu tiếp tục giảm mạnh, nút thắt ở đâu?

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt trên 19 nghìn tấn, trị giá 80,12 triệu USD, giảm 21,5% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 6/2022, so với tháng 7/2021 giảm 27,5% về lượng và giảm 15,6% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 142,56 nghìn tấn, trị giá 639,84 triệu USD, giảm 20,9% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu tiêu tiếp tục giảm mạnh, nút thắt ở đâu? - Ảnh 2.

Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7 đạt trên 19 nghìn tấn, trị giá 80 triệu USD, giảm 21,5% về lượng và giảm 20% về trị giá so với tháng 6.

Xuất khẩu tiêu tiếp tục giảm mạnh, nút thắt ở đâu? - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Diễn biến giá: Tháng 7/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.214 USD/tấn, tăng 1,9% so với tháng 6/2022 và tăng 16,7% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.488 USD/tấn, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về thị trường: Tháng 7/2022 so với tháng 7/2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Hà Lan, Philippines. 7 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang một số thị trường chính giảm như: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan, Anh. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan tăng trưởng ở mức 2 con số.

Xuất khẩu tiêu tiếp tục giảm mạnh, nút thắt ở đâu? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu hạt tiêu vào thị trường Hoa Kỳ để tạo đà tăng xuất khẩu cho cả ngành hàng. Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong tháng 5/2022 chỉ đạt 8,2 nghìn tấn, trị giá 40,86 triệu USD, giảm 6,8% về lượng và giảm 7,9% về trị giá so với tháng 4/2022, so với tháng 5/2021 giảm 2,9% về lượng, nhưng tăng 39,4% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ đạt xấp xỉ 36,87 nghìn tấn, trị giá 183,2 triệu USD, tăng 3,5% về lượng và tăng 55,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 5/2022, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Hoa Kỳ ở mức 4.984 USD/tấn, giảm 1,2% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 43,6% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Hoa Kỳ đạt mức 4.969 USD/tấn, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ từ hầu hết các nguồn cung chủ yếu tăng, ngoại trừ giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm.

Cơ cấu nguồn cung 5 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam, Trung Quốc, nhưng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Brazil, Indonesia. 

Số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Hoa Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2022, lượng nhập khẩu đạt 27,52 nghìn tấn, trị giá 134,25 triệu USD, tăng 19,8% về lượng và tăng 84,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 64,48% trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 74,65% trong 5 tháng đầu năm 2022. Ngược lại, Hoa Kỳ giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Ấn Độ với mức giảm 9,5% về lượng, nhưng tăng 16,3% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2021, đạt 2,8 nghìn tấn, trị giá 14 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2022. 

Thị phần hạt tiêu của Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 8,68% trong 5 tháng đầu năm 2021 xuống 7,59% trong 5 tháng đầu năm 2022. Nhìn chung nguồn cung hạt tiêu cho Hoa Kỳ vẫn tập trung chủ yếu từ Việt Nam. Nhờ lợi thế về nguồn cung ổn định, Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn cung hạt tiêu cho Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Xuất khẩu tiêu tiếp tục giảm mạnh, nút thắt ở đâu? - Ảnh 5.

Nguồn: Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Thị trường hạt tiêu thế giới vẫn đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 tại Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu chưa có dấu hiệu lắng xuống. Giá hạt tiêu được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới do lạm phát toàn cầu ở mức cao, ảnh hưởng tới các nền kinh tế thế giới.

Ngoài thị trường lớn là Hoa Kỳ, hạt tiêu Việt đang kỳ vọng vào sức mua của thị trường Trung Quốc từ nay tới cuối năm để có thể bứt phá cả về lượng và giá xuất khẩu. Ngành hạt tiêu Trung Quốc có 2 đặc điểm chính, thứ nhất là sản xuất tiêu của nước này tập trung ở đảo Hải Nam, với sản lượng chiếm hơn 90% tổng sản lượng của cả nước.

Thứ hai, ở góc độ toàn cầu, không giống như các nước khác trên thế giới chủ yếu sản xuất tiêu đen, Trung Quốc chủ yếu sản xuất tiêu trắng, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng của thế giới. Hải Nam cũng là vùng sản xuất tiêu trắng chính của thế giới. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mỗi năm Trung Quốc cần nhập khẩu tiêu lớn từ một số nguồn cung như Việt Nam, Indonesia và Brazil.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục