Xuất khẩu tôm trong tháng 3 có thể tăng trưởng 40%

21/03/2022 16:21 GMT+7
Theo Vasep, xuất khẩu tôm trong tháng 3/2021 có thể tăng trưởng tới 40% và cả năm dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2021.

Theo Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt ở tất cả các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh... trừ thị trường Nga, xuất giảm do bị gián đoạn trước tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Xuất khẩu tôm trong tháng 2/2022 đạt 244,8 triệu USD, tăng 55% so với tháng 2/2021. Xuất khẩu tôm trong tháng 2 năm nay giảm so với tháng 1 do trùng với Tết Nguyên đán. 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt gần 558 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm 2 tháng đầu năm nay có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ các năm trước đó.

Xuất khẩu tôm trong tháng 3 có thể tăng trưởng 40% - Ảnh 1.

Nguồn Vasep.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú tăng trưởng 2 con số, lần lượt là 49% và 54%. xuất khẩu chỉ giảm đối với một số sản phẩm tôm biển. xuất khẩu tôm sú chế biến (mã HS 16) tăng trưởng mạnh nhất 119%.

Mỹ tiếp tục là thị trường đơn lẻ NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. xuất khẩu tôm sang Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của năm 2021. 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 117,5 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ mở cửa trở lại hậu Covid-19, nhu cầu NK thủy sản trong đó có tôm tiếp tục tăng cao. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 4 trên thị trường Mỹ sau Ấn Độ, Ecuador và Indonesia.

Xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi giảm mạnh 22% trong năm 2021, đã có tín hiệu phục hồi tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm nay. Tháng 2/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 21,3 triệu USD, tăng 41% so với tháng 2/2021. 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đạt 39,7 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới với các kênh dịch vụ ẩm thực quy mô khổng lồ. Năm 2022, NK tôm của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh. Tuy vậy, các quy định và rào cản của Trung Quốc vẫn khắt khe, đặt biệt lại được đưa ra vào thời điểm các cơ quan hải quan của Trung Quốc thắt chặt giám sát các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu trong đại dịch COVID-19. DN xuất khẩu sang thị trường này cần đảm bảo công tác kiểm soát và phòng chống Covid-19 trong quá trình sản xuất, xuất khẩu tôm vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục trong thời gian qua, khiến phí vận tải tăng, ảnh hưởng nhiều tới chi phí sản xuất và lợi nhuận của DN. Bên cạnh đó, DN vẫn phải còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, phí vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh so với các nước đối thủ như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia...

Năm 2022, Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn là những thị trường chính xuất khẩu tôm của Việt Nam. Bên cạnh đó tập trung thêm các thị trường tiềm năng khác như: Canada, Australia, Anh,… Thị trường Nga sẽ bị đứt đoạn do các nguy cơ về thanh toán và vận chuyển và sẽ khó phục hồi trong thời gian ngắn.

Chiến sự Nga – Ukraine ít nhiều cũng tác động đến việc xuất khẩu tôm sang Nga và Ukraine dù 2 thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng xuất khẩu tôm Việt Nam: Nga chiếm 1%, Ukraine chiếm 0,03%. Tuy nhiên, xung đột này sẽ làm tăng giá xăng dầu và kéo theo hàng loạt các chi phí đầu vào khác tăng lên, ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của các công ty chế biến và xuất khẩu.



O.L
Cùng chuyên mục