Yêu cầu tăng quyền hạn của Thống đốc NHNN trong kiểm soát hoạt động của các ngân hàng

09/01/2024 06:15 GMT+7
Nghị quyết 05 của Chính phủ tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023 ngày 5/1/2024 của Chính phủ đề cập về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo đó, Chính phủ đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan đã tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chính phủ cơ bản thống nhất với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước tại Tờ trình số 166/TTr-NHNN ngày 21 tháng 12 năm 2023. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo văn bản ý kiến của Chính phủ đối với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với các yêu cầu.

Thứ nhất, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động của tổ chức tín dụng; bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của các tổ chức tín dụng, phục vụ sự phát triển của đất nước.

Hai là, các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cần được phân tích sâu, thuyết phục, nêu rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của sự cần thiết ban hành các quy định tại dự thảo Luật, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của các tổ chức tín dụng, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, lợi dụng chính sách của Nhà nước để tham nhũng, tiêu cực, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; bảo đảm an ninh tiền tệ, lợi ích của quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Yêu cầu tăng quyền hạn của Thống đốc NHNN trong kiểm soát hoạt động của các ngân hàng- Ảnh 1.

Yêu cầu tăng quyền hạn của Thống đốc NHNN trong kiểm soát hoạt động của các ngân hàng.

Bà là, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn của Thống đốc NHNN trong việc kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Bốn là, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban kiểm soát trong các tổ chức tín dụng, bảo đảm tính độc lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của Ban kiểm soát khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Đối với các vấn đề cụ thể được nêu tại Tờ trình số 166/TTr-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ cơ bản thống nhất với đề xuất của NHNN.

Chính phủ yêu cầu NHNN rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, khả thi, có công cụ kiểm soát chặt chẽ hoạt động của ngân hàng, phòng ngừa rủi ro và bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, nhất là về các nội dung: Điều kiện, tiêu chí can thiệp sớm; Cơ chế hỗ trợ áp dụng đối với tổ chức tín dụng can thiệp sớm; Kiểm soát đặc biệt; Các trường hợp cho vay đặc biệt; Hạch toán giảm quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; Việc cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm; Chức năng thanh tra, giám sát; Xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản; Quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng; Yêu cầu, biện pháp khác thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện can thiệp sớm; Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt; Chức năng thanh tra, giám sát; Cung cấp số liệu liên quan các trường hợp tổ chức tín dụng được can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.

Về thẩm quyền quy định phân loại nhóm nợ, xử lý rủi ro và thẩm quyền quyết định khoản vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu, quy định tại dự thảo Luật về thẩm quyền của Thống đốc NHNN quyết định những nội dung này. Lý do, đây là vấn đề chuyên ngành, thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của NHNN.

Về thẩm quyền quyết định giới hạn cấp tín dụng, NHNN nghiên cứu, quy định trong dự thảo Luật theo hướng bảo đảm sự linh hoạt của Chính phủ trong quản lý, điều hành hoạt động cấp tín dụng; quy định nguyên tắc trong dự thảo Luật, lộ trình cụ thể thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu NHNN, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện văn bản ý kiến của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký văn bản ý kiến của Chính phủ, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật này.

H.Anh
Cùng chuyên mục