Yếu tố tiền tệ hỗ trợ, giá cà phê đảo chiều tăng lên

21/12/2022 14:37 GMT+7
Giá cà phê hôm nay (21/12) quay đầu tăng 200 đồng/kg sau khi giảm mức tương ứng vào hôm qua. Giá cà phê hai sàn cũng đảo chiều tăng nhờ sự hỗ trợ khi các tiền tệ mới nổi lấy lại giá trị…

Giá cà phê đảo chiều tăng lên

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng 11 USD, lên 1.956 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng 10 USD, lên 1.868 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 3,50 cent, lên 167,80 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 3,10 cent, lên 167,60 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 200 đồng, lên dao động trong khung 40.100 - 40.800 đồng/kg. Trong đó, mức thu mua thấp nhất là 40.100 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng. Kế đến là tỉnh Đắk Lắk với mức 40.700 đồng/kg. Tương tự, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cùng tăng mức giá lên 40.800 đồng/kg trong hôm nay.

Yếu tố tiền tệ hỗ trợ, giá cà phê đảo chiều tăng lên - Ảnh 1.

GIÁ CÀ PHÊ TRỰC TUYẾN SÀN LONDON, NEW YORK, BMF Cập nhật: 21/12/2022 lúc 12:00:01

Yếu tố tiền tệ hỗ trợ, giá cà phê đảo chiều tăng lên - Ảnh 1.

Giá cà phê hôm nay (21/12) quay đầu tăng 200 đồng/kg sau khi giảm mức tương ứng vào hôm qua. Hiện tại, thị trường nội địa đang thu mua cà phê trong khoảng 40.100 - 40.800 đồng/kg.

USDX tiếp tục suy yếu đã hỗ trợ giá cả của hầu hết hàng hóa lấy lại đà tăng nhờ các Quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường để tăng mua khi các tiền tệ mới nổi tăng thêm giá trị.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu ngày càng phức tạp hơn, do cuộc chiến giữa Nga – Ukraine vẫn còn khốc liệt kéo dài làm nguồn cung ngày càng hạn chế, đã tiếp tục tác động tiêu cực lên thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới.

Theo các nhà quan sát, động thái điều chỉnh các biện pháp kiểm soát lợi suất trái phiếu để cho phép lãi suất dài hạn tăng hơn nữa của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tạo ra sự tăng giá của đồng Yên so với USD và kéo theo sự tăng giá của các tiền tệ mới nổi đã góp phần hỗ trợ sức mua hang hóa trong phiên giao dịch ngày hôm qua.

Đồng Reais tăng thêm 1,75%, tỷ giá tăng lên ở mức 1 USD = 5,2090 R$ cũng góp phần khuyến khích Brazil giảm bán đã hỗ trợ giá tăng.

Theo báo cáo mới nhất của USDA, dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 sẽ tăng 3,69% lên ở mức 172,750 triệu bao nhờ sản lượng Brazil dự báo tăng, trong khi dự báo tiêu thụ toàn cầu tăng 0,46% lên ở mức 167,945 triệu bao, do đó, sẽ dẫn đến dư cung toàn cầu trong niên vụ này sẽ khoảng 4,806 triệu bao.

Tính đến thứ hai ngày 19/12, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 8.820 tấn, tức giảm 11,84% so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 65.660 tấn (tương đương 1.094.333 bao, bao 60 kg), xác nhận chuỗi giảm kéo dài 7 tuần liên tiếp.

Thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục chịu áp lực

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước. Tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao loại 60 kg trong niên vụ 2022-2023 so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao. 

Tại Honduras, ngành cà phê tiếp tục phải vật lộn với bệnh gỉ sắt lá trong khi sản lượng của Guatemala giảm do khí hậu khắc nhiệt và tình trạng thiếu lao động. 

Với Colombia, sản lượng cà phê được dự báo giảm 12%. Liên đoàn những người trồng cà phê Colombia (FNC) cho rằng sự sụt giảm sản lượng là do ảnh hưởng của hiện tượng La Niña khiến mưa nhiều hơn, tác động tiêu cực đến các đồn điền cà phê của nước này. 

Với Brazil, mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều chỉnh sản lượng Braziil giảm 2,6% xuống mức 62,6 triệu bao.

Yếu tố tiền tệ hỗ trợ, giá cà phê đảo chiều tăng lên - Ảnh 2.

Cục Xuất nhập khẩu cũng dự báo thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục chịu áp lực do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ chậm.

Chỉ số giá cà phê tổng hợp toàn cầu trong tháng 11 tiếp tục giảm 12,3% so với tháng trước xuống còn trung bình 156,8 US cent/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 151,4 - 164,2 US cent/pound.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tháng 11, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế, hệ quả từ việc tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương lớn. Điều này tạo áp lực lên người tiêu dùng, chi tiêu cho các loại hàng hóa không thiết yếu bị cắt giảm. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, trong đó 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn thế giới là Mỹ và châu Âu, kinh tế rơi vào suy thoái.

Trên sàn giao dịch London, ngày 28/11, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng tháng 1/2023, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 0,4%, 1,8% và 2,3% so với ngày 28/10, xuống còn 1.857 USD/tấn; 1.821 USD/tấn và 1.808 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/11, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 7,7%, 6,7%, 6,3% và 6,0% so với ngày 28/10, xuống còn 165,05 UScent/pound, 165,15 UScent/pound, 164,75 UScent/pound và 164,1 UScent/pound.

Cục Xuất nhập khẩu cũng dự báo thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục chịu áp lực do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ chậm. Số liệu công bố cho thấy, GDP của Mỹ quý III tăng 2,6% so với quý trước. Điều này sẽ góp phần giúp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất điều hành. 

Trong tuần thứ hai của tháng 12, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) lớn bậc nhất thế giới sẽ công bố quyết định chính sách cuối cùng trong năm, qua đó khép lại 12 tháng tăng lãi suất mạnh tay nhằm kiềm chế lạm phát. Trong đó, vào ngày 14/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng 0,5 điểm % và kéo lãi suất chính sách từ mức 4% lên 4,5%, mức cao nhất kể từ năm 2007. 

Fed dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong cả năm 2023 và chỉ bắt đầu giảm vào năm 2024. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhiều khả năng cũng sẽ “nối gót” với mức tăng 0,5 điểm %. 

Chi phí đi vay cũng có thể lên cao hơn tại Thuỵ Sỹ, Na Uy, Mexico, Colombia và Philippines. Với hàng loạt tín hiệu về lãi suất tiếp tục tăng, chúng tôi cho rằng giá cà phê sẽ vẫn chịu áp lực trong thời gian tới do sức mua bị ảnh bởi nguồn tín dụng thắt chặt. 

Mặc dù vậy, thị trường cũng đã xuất hiện tín hiệu khả quan. Các Quỹ và đầu cơ quay lại mua vào khi báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều chỉnh giảm sản lượng niên vụ cà phê 2022-2023 của nhiều nước sản xuất chính vì thời tiết bất lợi.

Hiệp hội Cà phê Cacao dự báo sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.

Đầu tháng 10 đã có hàng vụ mới nhưng việc thu hái, phơi sấy diễn ra chậm do thời tiết mưa nhiều, liên tục trong giai đoạn này. Chất lượng hạt cà cũng có thể bị ảnh hưởng, lượng cà nâu nhiều Trong khi đó, chi phí nhân công thu hái ngày càng tăng cao do thiếu lao động tại địa phương, phải thuê lao động tại các vùng khác đến. 

Chi phí phân bón vẫn đang ở mức cao. Với các nhà máy, chi phí vận hành chế biến và sản xuất thành phẩm tiếp tục tăng. Ngoài ra, lạm phát tăng, lãi suất ngân hàng cho vay cũng tăng, hạn mức tín dụng giảm có thể tạo ra những áp lực về nguồn tài chính cho nông dân và các đại lý xuất khẩu. 

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng trong năm 2023 được cho là vẫn duy trì xu hướng tích cực nhờ những yếu tố như giá cà phê đã hạ nhiệt và tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu vẫn tiếp diễn. 

Trên thị trường thế giới, tính đến ngày 12/12, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch London đã giảm 19% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 8, xuống còn 1.884 USD/tấn.

Tương tự, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn giao dịch New York cũng giảm tới 32% so với cách đây ba tháng, hiện chỉ còn 158 UScent/pound.

Tại Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 11 tháng tăng 18,7% so với cùng kỳ lên mức bình quân 2.297 USD/tấn. Tuy nhiên, trong tháng 11 giá đã giảm 8,5% so với tháng trước xuống còn 2.371 USD/tấn. 

Giá cà phê giảm trong thời gian gần đây sẽ giúp cho người tiêu dùng có thể tiếp cận cà phê với giá thấp hơn, nhưng lại gây áp lực cho người sản xuất khi chi phí nhân công và phân bón tăng cao. Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu có khả năng tăng từ 1-2% mỗi năm cho đến năm 2030, tương đương 25 triệu bao 60kg trong tám năm tới, theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO).

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục