Giá cà phê vẫn biến động theo xu hướng không tích cực
Giá cà phê trong nước hôm nay dao động từ 40.100 - 40.900 đồng/kg
Tuần qua, thị trường cà phê London có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm 4 USD, tức giảm 0,21%, xuống 1.884 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng 18 USD, tức tăng 0,98%, lên 1.864 USD/tấn, các mức tăng/giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trái lại, thị trường cà phê New York có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 4,45 cent, tức giảm 2,74%, xuống 158,15 cent/lb, và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 4,25 cent, tức giảm 2,60%, còn 158,95 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê ngày 12/12 đồng loạt đi ngang tại thị trường nội địa. Theo ghi nhận, Đắk Nông đang là địa phương thu mua cà phê với mức giá cao nhất ở thời điểm hiện tại, đạt 40.900 đồng/kg.
Hiện tại, thị trường nội địa duy trì thu mua cà phê trong phạm vi 40.100 - 40.900 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 40.100 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng. Tiếp đó là hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai với chung mức giá 40.700 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại Đắk Nông cũng đi ngang tại mức 40.900 đồng/kg trong ngày 12/12.
Nổi bật trong tuần qua là báo cáo Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng 10, cao hơn dự kiến của thị trường là 0,2%, cho thấy lạm phát Mỹ vẫn còn cao và nguy cơ suy thoái kinh tế không dễ sớm được cải thiện, đã khiến giá cà phê kỳ hạn đảo chiều lao dốc tại phiên giao dịch cuối tuần do giới đầu cơ dịch chuyển dòng vốn đi tìm nơi trú ẩn an toàn.
Lo ngại rủi ro tăng cao khi thị trường suy đoán Fed sẽ vẫn mạnh tay thắt chắt kinh tế tại phiên họp điều hành tiền tệ vào giữa tuần này.
Thông tin thời tiết Brazil tiếp tục có mưa thuận lợi tại các vùng cà phê chính phía Đông Nam, hỗ trợ vụ mùa cà phê mới 2023/2024 sẽ cho sản lượng kỷ lục, kết hợp với báo cáo Việt Nam xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 11 đạt 2,14 triệu bao, tăng tới 19,74% so với cùng kỳ năm trước, đã tác động rất đáng kể lên giá cà phê kỳ hạn thế giới.
Tính đến thứ hai, ngày 05/12, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 7.670 tấn, tức giảm 8,97% so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 77.850 tấn (tương đương 1.278.333 bao, bao 60 kg). Theo giới thương nhân quốc tế, tồn kho London có khả năng sẽ giảm thêm nữa do họ không mặn mà đưa cà phê về sàn để đấu giá vì mức giá kỳ hạn hiện không có sức hấp dẫn.
Trong tháng vừa qua, tồn kho cà phê Arabica được chứng nhận trên sàn New York đã tăng tới 45,3% so với tháng trước lên mức 0,6 triệu bao.
Tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022 mới đây, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao (VICOFA) cho biết sản lượng cà phê niên vụ 2021 - 2022 (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022) của Việt Nam ước tính khoảng 1,73 triệu tấn, thay đổi không đáng kể so với niên vụ trước đó. Tổng diện tích trồng không đổi, khoảng 600.000 ha.
Thời tiết thuận lợi, mưa đúng thời điểm trong giai đoạn gieo trồng, ra hoa, thu hái nên chất lượng cà phê tốt, đồng đều, tỉ lệ hạt trên sàn cao, ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Nam, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Ở thời điểm hiện tại, giá cà phê trong nước đã giảm sâu so với cao điểm tháng 8. Tính đến cuối tháng 11, cà phê quanh mức 41.000 - 41.600 đồng/kg, giảm khoảng 20% so với tháng 8.
Nhìn từ sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế, VICOFA cho rằng, từ cung cầu cho thấy khó khăn nhất với cà phê Việt Nam là cà phê Brazil. Cà phê Brazil được sản xuất trên diện tích rất lớn nên giá rất cạnh tranh. Cà phê Việt Nam cần nhanh chóng tìm chỗ đứng cho mình bằng cách đầu tư vào chiều sâu. Cùng với đó là trồng các loại giống có năng suất cao và xây dựng thị trường hàng hóa bền vững như hiện nay ngành đang làm để tạo ra sự khác biệt. Như vậy, giá cà phê Việt Nam sẽ vẫn có được sự ổn định.
Để nâng cao giá trị cà phê cho nhà sản xuất, đảm bảo cuộc sống ổn định của người trồng cà phê, VICOFA cho rằng cần đẩy mạnh các chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có các chứng nhận quốc tế như 4C, Rain Forest, Fairtrade… với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, các nhà rang xay hàng đầu thế giới…
Theo ICO, chỉ số giá cà phê toàn cầu (I-CIP) trong tháng 11 tiếp tục giảm 12,3% so với tháng trước xuống còn trung bình 156,8 US cent/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 151,4 - 164,2 US cent/pound.
So với tháng trước, giá của nhóm cà phê Arabica Colombia và Arabica khác lần lượt giảm 14,8% và 10,9%, xuống còn 223,2 và 213,9 US cent/pound. Cà phê Arabica Brazil cũng giảm 13,4% xuống 166,5 US cent/pound. Trong khi cà phê Robusta giảm 10,1% xuống dưới mốc 100 US cent/pound, đạt trung bình 92,6 US cent/pound.
Do giá Arabica giảm mạnh hơn so với Robusta nên chênh lệch giá giữa thị trường kỳ hạn New York và London tiếp tục giảm 17,5%, xuống còn 82,1 US cent/pound so với 99,7 US cent/pound của tháng trước. Trong tháng vừa qua, tồn kho cà phê Arabica được chứng nhận trên sàn New York đã tăng tới 45,3% so với tháng trước lên mức 0,6 triệu bao. Ngược lại tồn kho Robusta đạt 1,45 triệu bao, giảm 4,6%.
Đồng thời ICO cũng giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước. Tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao loại 60 kg trong niên vụ 2022-2023 so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2022 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 267 triệu USD, tăng 37,8% về lượng và tăng 29% về trị giá so với tháng 10/2022, so với tháng 11/2021 tăng 2,6% về lượng và tăng 9,9% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 31,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 11/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.425 USD/tấn, giảm 6,4% so với tháng 10/2022, nhưng tăng 7,2% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.309 USD/tấn, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu chủng loại 10 tháng năm 2022, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng về lượng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ cà phê Excelsa. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê Robusta trong 10 tháng năm 2022 đạt 1,26 triệu tấn, trị giá 2,51 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng và tăng 35,7% về trị giá; xuất khẩu cà phê chế biến tăng 15,9%, đạt trên 541 triệu USD; xuất khẩu cà phê Arabica tăng 8,0% về lượng và tăng 70% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 49,75 nghìn tấn, trị giá 219,4 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Excelsa giảm 17,9% về lượng, nhưng tăng 9,8% về trị giá, đạt 1,78 nghìn tấn, trị giá 4,38 triệu USD.
Hiện Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê tại các tỉnh trong khu vực, năm nay cà phê được mùa, tăng cả về số lượng và chất lượng. Giá cà phê được dự báo sẽ không giảm quá sâu những ngày còn lại của năm. Việc doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, được cho là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc và có thể đạt được mục tiêu đặt ra trong năm nay là thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục hơn 4 tỷ USD.