Giá cà phê hai sàn tiếp tục bật tăng mạnh, nguồn cung cà phê Việt Nam giảm hỗ trợ giá
Giá cà phê hôm nay 15/12: Tăng nhẹ 100 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng 23 USD, lên 1.915 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng 5 USD, lên 1.877 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 0,25 cent, lên 168,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 0,35 cent, lên 168,50 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 40.300 – 41.000 đồng/kg. Trong đó, Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 40.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Sau khi tăng 100 đồng/kg, hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai lần lượt đạt mức 40.900 đồng/kg và 41.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Đắk Nông không có biến động về giá trong hôm nay, ổn định tại mức 41.000 đồng/kg.
Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt ở 1.907 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.
Các thị trường cà phê kỳ hạn tiếp tục điều chỉnh cân đối vị thế đầu cơ trước đáo hạn hợp đồng quyền chọn theo xu hướng tích cực nhờ có sự hỗ trợ của báo cáo tồn kho tại hai sàn vẫn còn đứng ở mức thấp nhiều năm.
Thị trường đón nhận quyết định nâng lãi suất USD lần này của Fed thêm 0,5% một cách nhẹ nhàng do đã suy đoán trước đó nên đã không có sự phản ứng tiêu cực nào xảy ra, cho dù không có tín hiệu nào cho thấy Fed sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào lúc nào.
Theo báo cáo xuất khẩu tháng 11 của Cecafé – Brazil, kết quả xuất khẩu cà phê hạt trong tháng chỉ đạt 3,30 triệu bao cà phê Arabica, tăng 25,49 % và 98.995 bao cà phê Conilon Robusta, giảm 55,27% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại tại thị trường nội địa Brazil đã phản ánh cà phê Conilon Robusta hiện rất khó mua do nhu cầu cạnh tranh của ngành công nghiệp trong trong nước, nhưng cái chính là sản lượng vụ mùa thu hoạch năm nay không cao như đã dự báo trước đó.
Tính đến ngày 13/12, dự trữ cà phê được ICE chứng nhận đạt 717.646 bao, cao nhất kể từ ngày 20/7 và cao hơn nhiều so với mức thấp nhất trong 23 năm là 382.695 bao được thiết lập vào ngày 3/11.
Theo báo cáo của Cecafé, xuất khẩu cà phê hạt của Brazil trong tháng 11/2022 đạt 3,3 triệu bao cà phê Arabica, tăng 25,49% và 98.995 bao cà phê Conilon Robusta, giảm 55,27% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của HedgePoint cho thấy, cán cân nguồn cung cà phê toàn cầu sẽ chuyển từ thâm hụt 2,17 triệu bao trong niên vụ 2022/23 sang thặng dư 3,74 triệu bao trong niên vụ 2023/24 do sản lượng của Brazil phục hồi.
Việt Nam tiếp tục sản xuất cà phê Robusta nhiều nhất thế giới
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê đến hết tháng 11/2022 thu về hơn 3,63 tỷ USD, vượt xa con số 3,07 tỷ USD của năm 2021 và tiến gần kỷ lục 4 tỷ USD mà ngành cà phê hướng đến trong năm nay. Bất chấp triển vọng kém khả quan của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao.
Theo Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) Vanusia Nogueira, thế giới cần nhiều cà phê Arabica và Robusta hơn, nhưng sự gia tăng về mặt sản lượng và nhu cầu đối với cà phê Robusta sẽ cao hơn.
Hiện, các nhà sản xuất cà phê Arabica truyền thống đang có xu hướng chuyển sang trồng cà phê Robusta trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, trong khi các nhà rang xay cũng tìm cách gia tăng cà phê Robusta rẻ hơn trong các sản phẩm. Đây sẽ là cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam với vai trò là quốc gia sản xuất Robusta lớn nhất thế giới.
Tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022, bà Vanusia Nogueira cũng cho rằng, vị thế thống trị toàn cầu về xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam ít bị ảnh hưởng khi Brazil tăng sản lượng cà phê Robusta. Lý do là sản lượng Robusta tăng thêm của Brazil là để cung cấp nhu cầu tiêu thụ nội địa của ngành công nghiệp cà phê hòa tan quốc gia này.
Tháng 11/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế, hệ quả từ việc tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát của các Ngân hàng Trung ương lớn. Điều này tạo áp lực lên người tiêu dùng, chi tiêu cho các loại hàng hóa không thiết yếu bị cắt giảm. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, trong đó 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn thế giới là Hoa Kỳ và châu Âu, kinh tế rơi vào suy thoái.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/11/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng tháng 1/2023, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 0,4%, 1,8% và 2,3% so với ngày 28/10/2022, xuống còn 1.857 USD/tấn; 1.821 USD/tấn và 1.808 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/11/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 7,7%, 6,7%, 6,3% và 6,0% so với ngày 28/10/2022, xuống còn 165,05 Uscent/lb, 165,15 Uscent/lb, 164,75 Uscent/lb và 164,1 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/11/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 5,3%, 3,8%, 4,5% và 6,1% so với ngày 28/10/2022, xuống còn 200 Uscent/ lb; 203,5 Uscent/lb; 204,25 Uscent/lb và 202,55 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.917 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 16 USD/tấn (tương đương mức giảm 0,8%) so với ngày 28/10/2022.
Dự báo thị trường cà phê toàn cầu vẫn còn chịu áp lực do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ chậm. Mặc dù vậy, thị trường cũng đã xuất hiện tín hiệu khả quan. Các Quỹ và đầu cơ quay lại mua vào khi báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) điều chỉnh giảm sản lượng niên vụ cà phê 2022/2023 của nhiều nước sản xuất chính vì thời tiết bất lợi.
Theo báo cáo, USDA điều chỉnh sản lượng cà phê Brazil giảm 2,6% xuống mức 62,6 triệu bao; sản lượng Culumbia giảm 3,1% xuống mức 12,6 triệu bao; sản lượng cà phê của Việt Nam giảm 2,2% xuống mức 30,22 triệu bao (bao gồm 29,20 triệu bao cà phê Robusta, giảm 4,20% so với niên vụ 2021/2022 và 1,02 triệu bao cà phê Arabica, tăng 7,27% so với niên vụ 2021/2022).
Theo Tổ chức cà phê thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) đạt gần 129 triệu bao (60 kg/bao), giảm 0,4% so với niên vụ 2020-2021. Xuất khẩu cà phê Arabica Brazil và Arabica Colombia ghi nhận sự sụt giảm trong khi xuất khẩu cà phê Robustas tăng 2,6% so với niên vụ trước lên mức 42,2 triệu bao.
Việt Nam và Ấn Độ là hai nước xuất khẩu đạt mức tăng trưởng nổi bật trong niên vụ 2021-2022. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh của Việt Nam tăng 15,1% so với niên vụ trước lên 26,8 triệu bao, còn Ấn Độ tăng 26,1% lên 5 triệu bao. Ngược lại Burundi và Uganda là hai nước xuất khẩu giảm mạnh nhất, giảm 62,1% và 10% xuống còn 134.000 bao và 5,8 triệu bao.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ cà phê 2022-2023 đã bước vào mùa thu hoạch, tức là bắt đầu một năm kinh doanh mới giữa những biến động phức tạp trên thị trường toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc dù nới lỏng chính sách “Zero Covid” song nhu cầu tiêu thụ cà phê của thị trường này chưa thể phục hồi mạnh; lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu cà phê trọng điểm, logictics chưa thật sự ổn định cũng đang gây khó khăn cho ngành cà phê Việt Nam tới đây.