Yếu về thực lực, doanh nghiệp cần các giải pháp "nóng"
Bắt buộc doanh nghiệp phải ra "biển lớn"
Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành một trào lưu chung trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, đồng thời là xu hướng mở rộng hợp tác kinh tế được nhiều quốc gia lựa chọn. Theo thống kê của Ban thư ký WTO, tính đến ngày 17/1/2020, cả thế giới đã có 303 hiệp định FTA có hiệu lực trong tổng số 483 hiệp định FTA được các nước thành viên thông báo lên WTO.
Không đứng ngoài quá trình đó, Việt Nam hiện là thành viên của nhiều FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).
Việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA... Cùng với việc gia nhập WTO từ năm 2007, việc tham gia các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích do các FTA mang lại, theo các chuyên gia kinh tế, điều đáng lo ngại nhất là "sức khỏe" của các doanh nghiệp Việt liệu có thể cạnh tranh nổi khi hàng hóa của nhiều quốc gia sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan.
Theo "Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020", tính tới cuối năm 2019, Việt Nam có hơn 758 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, bên cạnh đó là hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Tuyệt đại đa số DN Việt Nam hiện nay có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (97,2%). Trong số này, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 93,7% (doanh nghiệp siêu nhỏ lại chiếm tới 62,6%).
Sự chênh lệch quá lớn trong quy mô của các doanh nghiệp đã tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng. Do quy mô nhỏ bé nên khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ quản lý... của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế.
Cần cải cách mạnh mẽ từ nhiều mặt
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Duy Đông cũng thừa nhận: "Doanh nghiệp quy mô nhỏ bé nên chưa đầu tư vào công nghệ, chưa có chiến lược lâu dài để đầu tư cho sự phát triển dài hạn. Ngược lại, khi doanh nghiệp chưa có công nghệ và chiến lược, dẫn tới doanh nghiệp khó tạo được sự tin tưởng từ các đối tác. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam rất khó để hợp tác phát triển cùng nhau, khó trở thành các đối tác dài hạn cùng phát triển, không hỗ trợ và nâng đỡ nhau để cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung".
Chưa kể, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, ý chí và nhận thức của chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV còn ngắn hạn. Hầu hết các chủ DNNVV chưa có tư duy chiến lược dài hạn, bài bản, do đó, các doanh nghiệp thường phát triển ngắn hạn, cơ hội. Nhận thức về việc phải phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đề cao, đặc biệt là với các doanh nghiệp khu vực phía Bắc.
Ngoài ra, đến nay, Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Theo tổng hợp của dự án LinkSME, các công ty Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước láng giềng. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn là không đáng kể và còn hạn chế.
Tất nhiên, những hạn chế của doanh nghiệp cũng cần phải được đánh giá đến những yếu tố khách quan. Đã nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp Việt không chịu lớn?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng đánh giá, tình trạng "không chịu lớn" và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh của số đông doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh ở khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
"Thiếu niềm tin ở năng lực của bản thân, ở môi trường kinh doanh và sự bảo vệ của luật pháp khiến nhiều người tham gia kinh doanh chỉ nhằm mưu sinh và chỉ dám làm cầm chừng, cốt cho đủ ăn hơn là dám làm lớn hay làm ăn dài hạn", bà Lan nhận xét.
Nhấn mạnh về giải pháp cho các doanh nghiệp Việt, bà Phạm Chi Lan cũng nói rằng "Hệ thống kinh tế thị trường ở nước ta còn cần được cải cách mạnh mẽ về nhiều mặt, nhằm tạo môi trường cạnh tranh thực sự thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của tất cả các doanh nghiệp và của nền kinh tế. Đặc biệt khi chúng ta mong muốn kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế, thì bên cạnh nỗ lực của bản thân doanh nghiệp trong khu vực này, việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh phải là tiền đề số 1".
Tại Hội thảo vừa diễn ra mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn nêu rõ: "Không thể bác bỏ thực trạng yếu kém thực lực của các doanh nghiệp Việt sau 35 năm chuyển sang kinh tế thị trường - mở cửa. Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phải đặc biệt nỗ lực đạt được trạng thái "bình thường mới", cần nhanh chóng triển khai các giải pháp "nóng".
Theo đó, doanh nghiệp cần nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường, chính là các thị trường đầu vào (thị trường các nguồn lực) đúng nghĩa. Bên cạnh đó, nhanh chóng đoạn tuyệt với hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc "xin - cho" - nguồn gốc cơ bản và trực tiếp của hệ thống tham nhũng, lãng phí, làm méo mó toàn bộ cấu trúc thị trường.
"Hai yếu tố nêu trên vận hành trong không gian "công khai, minh bạch", sẽ là nền tảng để phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh - điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần nhất hiện nay. Có được môi trường cạnh tranh sẽ thoát khỏi rất nhiều nỗi lo hiện tại cho số phận của khu vực doanh nghiệp bản địa Việt Nam, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân", PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.