10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lao dốc
Thị trường biến động mạnh trong tuần giao dịch 4-8/4 và theo chiều hướng tiêu cực khi có một số tin đồn xuất hiện. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4, VN-Index đứng ở mức 1.482 tỷ đồng, tương ứng giảm 34,44 điểm (-2,27%) so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 22,08 điểm (-4,86%) xuống 432,02 điểm. UPCoM-Index giảm 1,38 điểm (-1,18%) xuống 115,81 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó, tổng giá tri giao dịch bình quân đạt 30.837 tỷ đồng/phiên, giảm 6,8%, trong đó, giá trị giao dịch bình quân sàn HoSE giảm 5,33% và đạt 28.765 tỷ đồng/phiên.
Gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều đi xuống trong tuần qua. Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, các mã ngân hàng giao dịch tương đối tiêu cực, trong đó, VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) giảm hơn 6% chỉ sau một tuần giao dịch. Bên cạnh đó, BID của BIDV (HoSE: BID) cũng giảm 5,5%. Các cổ phiếu ngân hàng như CTG của Vietinbank (HoSE: CTG), TCB của Techcombank (HoSE: TCB), TPB của TPBank (HoSE: TPB)... cũng đồng loạt giảm. VNM của Vinamilk (HoSE: VNM) sau một tuần giao dịch tích cực trước đó đã có sự điều chỉnh trở lại khi giảm 5,4%.
Ở chiều ngược lại, VGI của Viettel Global (UPCoM: VGI) tăng mạnh nhất trong top 30 vốn hóa với 4,3%. Tiếp sau đó, NVL của Novaland (HoSE: NVL) cũng tăng 3,4%.
Tăng giá
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE trong tuần 4-8/4 là QBS của Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HoSE: QBS) với 13,4%. HĐQT Xuất nhập khẩu Quảng Bình thông qua chuyển nhượng toàn bộ 43,2 triệu cổ phiếu (98,7% vốn) tại Cảng cạn Quảng Bình - Đình Vũ cho công ty TNHH MTV Trung tâm Logistic Xanh - công ty con của Viconship (HoSE: VSC). Thời gian thực hiện là trong năm 2022.
Các cổ phiếu gồm VND của VNDirect (HoSE: VND), RIC của Quốc tế Hoàng Gia (HoSE: RIC) và TSC của Kỹ thuật NN Cần Thơ (HoSE: TSC) đều tăng trên 10%.
Tại sàn HNX, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là POT của Thiết bị Bưu điện (HNX: POT) với 60%. Ngày 12/3 vừa qua doanh nghiệp này đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2022. Theo biên bản cuộc họp, công ty cho biết đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục khởi công dự án công trình đa chức năng 61 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội để chuẩn bị khởi công trong năm nay. Tuy nhiên, đến chiều ngày 6/4, bí thư thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo tạm dừng phá dỡ công trình này.
Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá sàn HNX là cổ phiếu LCD của Thí nghiệm cơ điện (HNX: LCD) với gần 45%. Tuy nhiên, LCD là cổ phiếu thuộc diện thanh khoản rất thấp với tổng khối lượng khớp lệnh bình quân tuần qua chỉ 471 đơn vị/phiên.
Dẫn đầu mức tăng giá toàn thị trường thuộc về một cổ phiếu sàn UPCoM là LMI của Lắp máy IDICO (UPCoM: LMI) với gần 51%. Tuy nhiên, đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh sàn UPCoM đều có thanh khoản rất thấp.
Cổ phiếu HD2 của Đầu tư phát triển nhà HUD 2 (UPCoM: HD2) là mã hiếm hoi trong top tăng giá sàn UPCoM có thanh khoản tốt với khối lượng khớp lệnh trung bình khoảng hơn 255.000 đơn vị/phiên.
Giảm giá
Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HoSE thuộc về NVT của Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HoSE: NVT) với 22,1%. Bên cạnh NVT, khá nhiều cổ phiếu "nóng" như ROS của Xây dựng FLC FAROS (HoSE: ROS), JVC của Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật (HoSE: JVC), VGC của Tổng Công ty Viglacera (HoSE: VGC), ASM của Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) cũng đồng loạt giảm sâu.
Trên sàn HNX, cổ phiếu PEN của Xây lắp III Petrolimex (HNX: PEN) tăng mạnh nhất với 29,7%. MHL của Minh Hữu Liên (HNX: MHL) và VTC của Viễn thông VTC (HNX: VTC) giảm lần lượt 27,7% và 26,5%.
Tại sàn UPCoM, cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc về MTL của Môi trường Đô thị Từ Liêm (UPCoM: MTL) với 40,3%. Đa phần các cổ phiếu giảm mạnh sàn UPCoM cũng thuộc nhóm thanh khoản thấp. Cổ phiếu XMD của Xuân Mai - Đạo Tú (UPCoM: XMD), PLA của Đầu tư và Dịch vụ hạ tầng Xăng dầu (UPCoM: PLA) hay TKG của SX và T.Mại Tùng Khánh (UPCoM: TKG) là các mã có thanh khoản ở mức không quá thấp.