2.000 kg đường kính nhập lậu bị bắt "nóng" trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

28/03/2022 14:34 GMT+7
2.000 kg đường kính do Thái Lan sản xuất được nhập lậu vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị bắt giữ.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng đường kính nhập lậu, Đội Quản lý thị trường số 3 đã xác định chống buôn lậu đường kính là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong thời điểm hiện tại. 

Song song đó là thực hiện tốt hoạt động phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu và trang thiết bị y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.

2.000 kg đường kính nhập lậu bị bắt "nóng" trên địa bàn tỉnh Quảng Trị - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra hàng hoá vi phạm. Ảnh: Quản lý thị trường

Theo đó, mới đây thông qua nguồn tin báo đã được thẩm tra, xác minh, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Trị để dừng và khám phương tiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát 37C-31XXX do chủ phương tiện là ông H.D.C (địa chỉ xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) điều khiển.

Kết quả khám trên phương tiện có vận chuyển 2.000 kg đường kính do Thái Lan sản xuất nhập lậu với trị giá ước tính 18.000.000 đồng. Ông H.D.C nhận là chủ sở hữu của tang vật và cho biết số đường trên đang được vận chuyển ra Nam Định để tiêu thụ.

Trưởng đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông H.D.C về hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm nhập lậu và yêu cầu ông H.D.C chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 đã ban hành Quyết định tạm giữ và niêm phong tang vật để xác minh tình tiết.

Hiện tại, Đội Quản lý thị trường số 3 đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Đường kính trắng Thái Lan tiếp tục được tuồn phi pháp vào thị trường nội địa gây nhức nhối thời gian qua. Đường nhập lậu từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam chủ yếu thông qua các tỉnh như Quảng Trị, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tây Ninh, Phú Yên và Kiên Giang.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đã đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường.

Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh ở "điểm nóng" tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận trương mại trên các lĩnh vực quản lý, đặc biệt trong công tác chống buôn bán, vận chuyển mặt hàng đường cát nhập lậu nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục