5 điều ông Biden cần thận trọng khi tiếp quản nền kinh tế Mỹ từ Trump

18/01/2021 14:19 GMT+7
Tiếp nhận nền kinh tế suy yếu sau nhiệm kỳ Trump, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden không gì khác ngoài việc hạn chế tác động từ cuộc khủng hoảng Covid-19 dai dẳng suốt năm qua, vực dậy nền kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng trầm trọng.

Thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ sẽ còn tăng nữa

Tổng thống Donald Trump đã kết thúc một nhiệm kỳ chẳng mấy vui vẻ, khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 năm 2020 xóa sạch toàn bộ thành tựu kinh tế mà ông nỗ lực xây dựng trong 3 năm trước đó. Nợ quốc gia Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục 7 nghìn tỷ USD vào năm 2020, năm cuối cùng ông Trump nắm quyền ở Nhà Trắng.

Nhưng các chuyên gia kinh tế dự báo nợ quốc gia Mỹ sẽ còn tăng mạnh hơn trong nhiệm kỳ tiếp theo của Tân Tổng thống đắc cử Joe Biden, khi ông Biden chủ trương nới lỏng chính sách tài khóa hơn nữa để vực dậy nền kinh tế suy yếu sau khủng hoảng đại dịch.

5 điều ông Biden cần thận trọng khi tiếp quản nền kinh tế Mỹ từ Trump - Ảnh 1.

Ông Biden chủ trường tiếp tục tung các gói kích thích kinh tế khổng lồ để thúc đẩy đà phục hồi tăng trưởng

Khi đảng Dân chủ chiếm đa số ghế trong lưỡng viện Mỹ, ông Biden dự kiến sẽ đề xuất gói cứu trợ mới trị giá 1,9 nghìn tỷ USD ngay sau khi nhậm chức vào tuần này để tái thiết nền kinh tế Mỹ. Con số này vượt xa gói cứu trợ 900 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Donald Trump phê duyệt hồi tháng trước.

Theo ông Biden, gói cứu trợ mới sẽ bao gồm khoản thanh toán trực tiếp 2.000 USD cho mỗi người dân Mỹ cùng viện trợ cho chính quyền địa phương, bảo hiểm thất nghiệp… như một nỗ lực của tân chính quyền nhằm cứu vãn sự phục hồi kinh tế vốn đã mong manh.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang FED duy trì lãi suất thấp tiệm cận 0 như hiện tại, việc nới lỏng chính sách tài khóa để kích thích tăng trưởng kinh tế có vẻ là một bước đi khôn ngoan được nhiều chuyên gia đồng tình. 

Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM trước đó nhận định: “Đây không phải lúc để (chính phủ) thắt chặt hầu bao. Nền kinh tế đang trong tình huống không thể thắt lưng buộc bụng… Đây là thời điểm để tăng cường bơm thanh khoản, đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng”.

Kinh tế chưa thoát đáy vực

Tại thời điểm hiện tại, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden không gì khác ngoài việc hạn chế tác động từ cuộc khủng hoảng sức khỏe dai dẳng suốt năm qua, vực dậy nền kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng trầm trọng. 

965.000 người Mỹ khác đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào tuần trước, tăng mạnh so với mức 784.000 đơn vào một tuần trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn lên tới 6,7%, nằm trên cả mức tồi tệ nhất hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Chỉ riêng tháng 12/2020, ước tính Mỹ mất thêm 140.000 việc làm, mức giảm đầu tiên kể từ sau lần mở cửa kinh tế hồi tháng 5. Conference Board mới đây dự kiến kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng -3.5% trong năm 2020 và khó phục hồi về mức trước đại dịch cho đến ít nhất là quý IV/2021.

5 điều ông Biden cần thận trọng khi tiếp quản nền kinh tế Mỹ từ Trump - Ảnh 2.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tính đến tháng 1/2021 vẫn ở mức 6,7%

Bất chấp thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh kỷ lục, các lĩnh vực khác trong nền kinh tế vẫn đang vật lộn với hệ quả của khủng hoảng. Rạp chiếu phim, hãng hàng không, khách sạn, điểm du lịch… đang lao đao vì lỗ. Chỉ số Back-to-Normal được theo dõi bởi CNN Business và Moody's Analytics cho thấy tính đến tháng 1/2021, nền kinh tế Mỹ mới chỉ phục hồi 74% hoạt động so với hồi đầu tháng 3/2020 - trước khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất hành tinh.

Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng tại PNC, cho biết: "Chúng ta vẫn đang ở trong một cuộc suy thoái sâu. Nền kinh tế sẽ gánh chịu những thiệt hại khổng lồ trong dài hạn nếu chúng ta không kiểm soát đại dịch nhanh chóng”. Ông Faucher nhấn mạnh rằng việc không kích thích nền kinh tế phục hồi ngay hiện tại sẽ gây áp lực lên thâm hụt ngân sách trong dài hạn, đồng thời kéo theo nhiều thách thức về an sinh xã hội.

Môi trường tài khóa lỏng lẻo: vẫn cần thận trọng

Một số nhà quan sát khác cho rằng chính quyền ông Biden nên chờ vài tháng để đánh giá tác động của gói cứu trợ 900 tỷ USD mà ông Trump vừa phê duyệt tháng trước trước khi cung cấp thêm gói kích thích nào khác. 

Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban trách nhiệm Ngân sách Liên bang CRFB - một tổ chức tư nhân chuyên giám sát chính sách tài khóa lưỡng đảng cho hay: “Có vẻ còn khá sớm để nói rằng chúng ta cần thêm gói cứu trợ 2 nghìn tỷ USD khác sau gói cứu trợ Quốc hội vừa thông qua”. Tuy nhiên, bà Maya thừa nhận nhiều khả năng nợ quốc gia Mỹ sẽ còn tăng thêm cho đến chừng nào kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi rõ rệt.

Vào đầu tháng 1 qua, CRFB dự báo thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ sẽ tăng lên mức 2,3 nghìn tỷ USD cho năm tài chính 2021, giảm từ mức 3,1 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2020. Tuy nhiên, với tỷ lệ lên tới 10,4% trên GDP quốc gia, con số này vẫn là một trong những mức kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ kể từ sau Thế chiến II. Đặc biệt, khi đảng Dân chủ kiểm soát cả lưỡng viện Mỹ, thâm hụt ngân sách có thể còn cao hơn ước tính. 

2.000 USD thanh toán trực tiếp cho người dân: đến tay ai?

Dù đảng Dân chủ hiện nắm quyền kiểm soát lưỡng viện nhưng chính quyền ông Biden vẫn có nguy cơ đối mặt nhiều thách thức để thuyết phục các nhà lập pháp ủng hộ kế hoạch tăng khoản tiền thanh toán trực tiếp cho mỗi người dân lên 2.000 USD - một ý tưởng tương đồng với lời kêu gọi của ông Trump hồi tháng trước.

Nhưng đa số nghị sĩ Cộng hòa đã tỏ ý phản đối đề xuất như vậy, điển hình là lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell. Một số nghị sĩ Dân chủ như Joe Manchin cũng trả lời trên Washington Post rằng ông hoàn toàn phản đối khoản thanh toán trực tiếp 2.000 USD. Theo ông Manchin, khoản thanh toán trực tiếp có thể được triển khai nhưng chỉ trên phạm vi hẹp, với những đối tượng thực sự cần hỗ trợ.

5 điều ông Biden cần thận trọng khi tiếp quản nền kinh tế Mỹ từ Trump - Ảnh 4.

Người Mỹ kêu gọi chính phủ hỗ trợ 2.000 USD để xoa dịu tác động từ đại dịch

Một số khác thì cho rằng việc phê duyệt thêm khoản thanh toán 2.000 USD là cần thiết ngay lập tức. Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Chicago và Đại học Notre Dame, gần 8 triệu người Mỹ đã gia nhập hàng ngũ người nghèo kể từ tháng 6/2020. Nhưng các chỉ số chứng khoán liên tục lập đỉnh và thị trường nhà đất nóng bỏng lại cho thấy nhiều hộ gia đình đang ăn nên làm ra so với một năm về trước. Do đó, ông Brusuelas cho rằng đợt thanh toán trực tiếp tới đây nên giới hạn ở những người Mỹ thất nghiệp hoặc mất thu nhập. “Chúng ta không thể chi tiền một cách vô kỷ luật”.

Cảnh giác với lãi suất chạm đáy

Tân Tổng thống Biden sẽ tiếp quản Nhà Trắng ở thời điểm lãi suất thấp kỷ lục tiệm cận 0. Cục Dự trữ liên bang FED đã gợi ý duy trì lãi suất thấp như vậy chừng nào nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Lãi suất cho vay kỳ hạn 10 năm hiện chỉ dao động quanh mức 1% thay vì 3% như hồi Tổng thống Obama nhậm chức. Điều này khiến núi nợ khổng lồ của Mỹ trở nên nhẹ gánh hơn nhiều. 

Nhưng nếu lãi suất tăng lên, gánh nặng từ núi nợ mà nước Mỹ đang cõng trên lưng sẽ nặng nề hơn nhiều. Đó là lý do tại sao 3 nhà kinh tế học Peter Orszag, Robert Rubin và Joseph Stiglitz lập luận trong một bài báo xuất bản tuần trước rằng Washington cần phải có một cách tiếp cận hoàn toàn khác trong vấn đề chính sách tài khóa. Họ đưa ra một kế hoạch nhằm giảm thiểu tác động của biến động lãi suất với ngân sách quốc gia thông qua tăng thời gian đáo hạn nợ, chỉ tiêu linh hoạt phù hợp với điều kiện kinh tế. “Dù lãi suất thấp đang làm thay đổi nội dung các cuộc tranh luận chính sách tài khóa, không nên mặc định rằng môi trường lãi suất thấp hiện tại sẽ kéo dài mãi”.


NTTD
Cùng chuyên mục