7 sự thật “khủng khiếp” về tổn thất từ các thảm họa khí hậu 2021

27/12/2021 09:18 GMT+7
Từ cơn bão Ida nguy hiểm ở Hoa Kỳ đến lũ lụt tàn phá ở Trung Quốc và châu Âu, các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra đã khiến thế giới thiệt hại hàng chục tỷ đô la vào năm 2021, các nhà nghiên cứu cho biết.

Lũ lụt, bão và hạn hán cũng đã khiến hàng triệu người bị thương và phải di dời ở cả một số khu vực nghèo nhất trên thế giới, làm gia tăng sự bất công giữa giàu-nghèo, tổ chức từ thiện nhân đạo Christian Aid cho biết trong một báo cáo.

Bà Kat Kramer, trưởng nhóm chính sách khí hậu tại Christian Aid và là tác giả của báo cáo "Counting the cost 2021: a year of climate breakdown", tạm dịch "Tính toán chi phí 2021: một năm biến đổi khí hậu" cho biết: "Các chi phí của biến đổi khí hậu đã tăng lên trong năm nay".

7 sự thật “khủng khiếp” về tổn thất từ các thảm họa khí hậu 2021 - Ảnh 1.

Bìa báo cáo "Tính toán chi phí: một năm biến đổi khí hậu". Ảnh: Reliefweb.int

Bà nói thêm: "Mặc dù tôi rất vui mừng khi thấy một số tiến bộ đạt được tại hội nghị thượng đỉnh (LHQ) COP26, nhưng rõ ràng (chúng ta) chưa đi đúng hướng để đảm bảo một thế giới an toàn và thịnh vượng."

Báo cáo đã xác định những thảm họa khí hậu tàn phá nhất trong năm 2021, trong đó có 10 thảm họa gây thiệt hại từ 1,5 tỷ USD trở lên, chủ yếu do thời tiết khắc nghiệt gây ra ở khắp mọi nơi từ Úc đến Ấn Độ, Nam Sudan và Canada.

Dự kiến, chi phí tài chính và con người của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tăng cao nếu các chính phủ không tăng cường nỗ lực cắt giảm khí thải và kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.

Ông Nushrat Chowdhury, cố vấn khí hậu của Christian Aid ở Bangladesh, cho biết ngày càng nhiều lời kêu gọi từ các quốc gia nhằm thành lập quỹ bù đắp "mất mát và thiệt hại" liên quan đến khí hậu và việc thế giới đang nóng hơn phải là "ưu tiên toàn cầu" vào năm 2022. 

Ông Mohamed Adow, giám đốc Power Shift Africa, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Nairobi, nhận định rằng châu Phi đã phải gánh chịu hậu quả tàn khốc nhất, tốn kém nhất trong năm nay, từ thiên tai lũ lụt cho đến hạn hán.

"(2022) thực sự phải là năm mà chúng ta hỗ trợ tài chính cho những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng," ông nói thêm.

7 sự thật “khủng khiếp” về tổn thất từ các thảm họa khí hậu 2021 - Ảnh 2.

Cơn bão Ida ở Hoa Kỳ. Ảnh: CNBC

Cuối cùng, đó là 7 sự thật "khủng khiếp" về các thảm họa thiệt hại nhất trong năm 2021:

Một, bão Ida, tấn công Hoa Kỳ vào tháng 8, đứng đầu danh sách về thiệt hại với 65 tỷ đô la. Cơn bão mạnh thứ 5 đổ bộ vào đất nước này đã giết chết 95 người và khiến nhiều người mất nhà cửa. Ngoài ra, một cơn bão mùa đông đổ bộ vào Texas vào tháng Hai đã gây ra mất điện trên diện rộng và gây thiệt hại 23 tỷ USD.

Hai, lũ lụt nghiêm trọng quét qua miền Tây và Trung Âu vào mùa hè năm 2021 đã gây ra thiệt hại khổng lồ lên tới 43 tỷ đô la và số người chết là hơn 240 người. Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và các nước khác đã phải hứng chịu lượng mưa cực lớn mà các nhà khoa học nói có khả năng xảy ra và thường xuyên bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu. 

Ba, bốn trong số 10 thảm họa tốn kém nhất xảy ra ở châu Á gây ra tổng thiệt hại của khu vực lên tới 24 tỷ USD.

Năm, một số thảm họa ập đến rất nhanh chóng. Bão Yaas, tấn công Ấn Độ và Bangladesh hồi tháng 5, đã dẫn đến thiệt hại 3 tỷ USD chỉ trong vài ngày, và buộc hơn 1,2 triệu người phải sơ tán khỏi nhà ở những vùng trũng thấp. 

Sáu, tại Trung Quốc, những trận mưa xối xả ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc đã gây ra lũ lụt lớn vào tháng 7, với thiệt hại lên tới 17,6 tỷ USD và 302 người mất tích. Lượng mưa đổ xuống ở thủ phủ Trịnh Châu trong ba ngày gần tương đương với mức trung bình hàng năm, làm ngập toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm. 

Bảy, chi phí thực do thời tiết khắc nghiệt có thể cao hơn ước tính vì các báo cáo chỉ chủ yếu dựa trên tổn thất được bảo hiểm. Tác động tài chính có xu hướng lớn hơn ở các quốc gia giàu có đủ khả năng mua bảo hiểm và có giá trị tài sản cao hơn.

Một số thời tiết khắc nghiệt có gánh nặng tài chính thấp nhưng con người lại cao, đặc biệt là ở những nơi nghèo đói, kém phát triển. Ví dụ, lũ lụt ở Nam Sudan từ tháng 7 đến tháng 11 đã buộc hơn 850.000 người phải di dân, trong số đó có cả nguyên nhân từ xung đột hay các thảm họa khác.


Lan Hương
Cùng chuyên mục