"Anh hùng lúa" Hồ Quang Cua và hành trình lai tạo hạt gạo ngon nhất thế giới
ST 25 đạt giải nhì Gạo ngon nhất thế giới năm 2020
Gạo ST 25 của kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự (thuộc doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, tỉnh Sóc Trăng) vừa được công bố đạt giải nhì cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020.
Giải nhất cuộc thi năm nay thuộc về Thái Lan, giải ba là gạo của Campuchia.
Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm nay - World's Best Rice do The Rice Trader tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 12 được diễn ra tại Mỹ từ 1-3/12/2020.
Năm nay, vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến và kết quả giải thưởng gạo ngon được công bố tại sự kiện này.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Lương Thực Việt Nam, cuộc thi năm nay tiếp tục quy tụ nhiều loại gạo nổi tiếng của các nước nhưng chỉ có 2 loại gạo được chọn vào vòng chung kết là ST 25 của Việt Nam và gạo của Thái Lan.
Tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm ngoái diễn ra tại Philippines, gạo ST 25 của kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự đã vượt mặt Thái Lan, được xướng tên là gạo ngon nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt được danh hiệu này trong cuộc thi tìm kiếm gạo ngon trên phạm vi toàn cầu.
"Anh hùng lúa" Hồ Quang Cua
Người dân tỉnh Sóc Trăng gọi ông Hồ Quang Cua với cái tên trìu mến "Anh hùng lúa"! Từ khi ông Hồ Quang Cua và các cộng sự nghiên cứu, lai tạo và cải tiến giống lúa đã giúp cho hàng trăm ngàn hộ nông dân tại Sóc Trăng và nhiều tỉnh miền Tây tăng thêm thu nhập nhờ liên tục trúng mùa lại bán được giá cao.
Kỹ sư Hồ Quang Cua sinh ra ở xã nghèo thuần nông Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Năm 1965-1967, ông là học sinh của trường Trung học Hoàng Diệu Ba Xuyên (nay là trường THPT Hoàng Diệu, Sóc Trăng). Sau khi học xong phổ thông, ông thi vào Khoa Nông nghiệp của trường Đại học Cần Thơ.
Đến năm 1978, tốt nghiệp kỹ sư ngành trồng trọt, Hồ Quang Cua háo hức trở về Sóc Trăng và công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên. Sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng cho đến lúc nghỉ hưu.
Từ năm 1991, kỹ sư Hồ Quang Cua tham gia nhóm nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL và Đại học Cần Thơ sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan.
Ông Cua kể công trình lúa thơm ST bắt đầu một cách tình cờ khi ông đi thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông 1996. Khi đó, ông Cua phát hiện những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp khi quan sát giống VD20.
Lúc này, Thái Lan công bố việc lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng nên ông nghĩ tại sao họ làm được còn Việt Nam lại không. Vậy là vị kỹ sư nông nghiệp nghĩ đến giống lúa thơm và từ những cá thể VD20 đột biến đầu tiên, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời.
Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được ông cùng các cộng sự thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.
Ông nói: "Cách đây hơn 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được 2 giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng. Tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không?
Việc lai tạo lúc đầu không đơn giản vì thiếu nhiều thiết bị, dụng cụ hỗ trợ. Tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam lúc đó chưa có nên ông Cua "mượn tạm" tiêu chí lúa thơm BE.2541 của Thái Lan để thực hiện.
Năm 2003, cựu Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng có thêm hai cộng sự là tiến sĩ Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương. Ông Phương sau đó phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh, hiệu quả. Thông qua tiêu chí mùi thơm, nhóm nhà khoa học loại được những giống lúa không đạt chuẩn.
Gạo ST25 được bình chọn là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, không bạc bụng, khi nấu cơm dẻo thơm, khi để nguội cơm vẫn ngon, không bị cứng.
Theo đánh giá của nhiều người, gạo ST25 là loại gạo thuộc nhóm hảo hạng trong thị trường gạo hiện nay. Đặc biệt, loại gạo này có hàm lượng đạm cao nên phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường, cả người già và trẻ em. Đây cũng là loại đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Về đặc tính, ST25 là giống lúa cứng và cao cây (110cm - 115cm), lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hạt tốt, thân cứng nếu bón phân cân đối không đổ ngã. Giống lúa này không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông... Trong điều kiện thời tiết tốt, năng suất ST25 có thể đạt 8,5 tấn/ha, trung bình khoảng 6 - 7 tấn/ha.
Việc được vinh danh đứng đầu thế giới lần này khẳng định vị thế chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gì các nước khác. Thậm chí có nhiều ưu điểm hơn như năng suất cao hơn, chống chịu với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, canh tác được nhiều vụ trong năm…
Gạo ST25 đã “đóng dấu” được tên tuổi của mình trong lòng các nhà khoa học, nhà nhập khẩu và các đầu bếp nổi tiếng thế giới, nhưng để trở thành một thương hiệu gạo Việt Nam mạnh trên thị trường thế giới vẫn còn không ít việc để làm.
Mô hình "con tôm ôm cây lúa" của kỹ sư Hồ Quang Cua
Với thắng lợi này, ngành lúa gạo Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế, đồng thời thể hiện năng lực sản xuất và quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo Việt ra thế giới. Công lao này có sự đóng góp rất lớn của kỹ sư Hồ Quang Cua.
Không chỉ nghiên cứu lai tạo, nhân giống và quảng bá thương hiệu, kỹ sư Hồ Quang Cua còn tiên phong trong việc đưa chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất lúa thơm ST để sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Nhiều nông dân ở huyện Mỹ Xuyên mang ơn ông khi ông đã làm sống lại mô hình “con tôm ôm cây lúa” trên những vùng đất nuôi tôm kém hiệu quả tại huyện này và cho ra đời sản phẩm “gạo ngon - tôm sạch”.
Ông Cua còn tổ chức những cuộc hội thảo, tham quan đánh giá giống và những cuộc thi “cơm nào ngon hơn”, “cơm ngon thương hiệu Việt”,... nhằm quảng bá cho lúa thơm ST.
Lúa thơm ST đã góp phần đưa sản lượng lúa ở tỉnh Sóc Trăng có sự bứt phá ngoạn mục. Năm 2017, tổng sản lượng lúa toàn tỉnh đạt trên 2 triệu tấn; trong đó, lúa thơm và lúa đặc sản chiếm trên 50%; năm 2018, tổng sản lượng lúa đạt trên 2,1 triệu tấn; năm 2019, sản lượng lúa cũng đạt trên 2 triệu tấn, lúa đặc sản ước đạt trên 1 triệu tấn.
Được biết, trước khi lên đường thi quốc tế, gạo ST 25 đã được trao giải nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam do Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức hôm 3/11.