Anh tăng cường nhập khẩu tiêu từ Việt Nam

26/10/2020 16:02 GMT+7
8 tháng đầu năm 2020, Anh tăng nhập khẩu hạt tiêu từ các thị trường chính như: Việt Nam, Hà Lan, Tây Ban Nha, nhưng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Pháp.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu hạt tiêu của Anh trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 9,1 nghìn tấn, trị giá 38 triệu USD, tăng 5% về lượng, nhưng giảm 4,8% về trị giá so với cùng kì năm 2019.

8 tháng đầu năm 2020, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Anh đạt mức 4.148 USD/tấn, giảm 9,3% so với cùng kì năm 2019. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Anh giảm ở hầu hết các nguồn cung chính, nhưng tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc.

Từ đầu năm đến nay, Anh tăng nhập khẩu hạt tiêu từ các thị trường chính như: Việt Nam, Hà Lan, Tây Ban Nha, nhưng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Pháp.

Anh tăng cường nhập khẩu tiêu từ Việt Nam - Ảnh 1.

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh tăng từ 40,2% trong 8 tháng đầu năm 2019 lên 44,3% trong 8 tháng đầu năm 2020.

Cụ thể, nhập khẩu hạt tiêu của Anh từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt trên 4.000 tấn, trị giá 12,3 triệu USD, tăng 15,8% về lượng, nhưng giảm 2,2% về trị giá so với cùng kì năm 2019.

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh tăng từ 40,2% trong 8 tháng đầu năm 2019 lên 44,3% trong 8 tháng đầu năm 2020.

Ngược lại, Anh giảm nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường Ấn Độ với mức giảm 5,3% về lượng và giảm 7,8% về trị giá so với cùng kì năm 2019, đạt 885 tấn, trị giá 4,28 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2020.

Thị phần hạt tiêu của Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của Anh giảm từ 11% trong 8 tháng đầu năm 2019 xuống còn 9,7% trong 8 tháng đầu năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, đối với hồ tiêu, công tác đàm phán mở cửa thị trường về thuế quan, về quy tắc xuất xứ đã được thực hiện tốt trong thời gian qua. Do đó, để có thể tận dụng tốt các cơ hội nêu trên, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, trên thực tế, giá bán hồ tiêu sẽ phụ thuộc vào chủng loại hạt cũng như chất lượng của hạt (nếu cùng chủng loại), do đó, để nâng cao giá bán cho hồ tiêu, biện pháp cốt lõi nằm ở khâu trồng trọt và khâu sau thu hoạch. Vì vậy, ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Trong bối cảnh giá hồ tiêu đang xuống thấp, để nâng cao giá trị hồ tiêu xuất khẩu, phải có được quy hoạch với diện tích hồ tiêu ổn định.

Thời gian tới, dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi các thị trường NK chính như Hoa Kỳ, Ấn Độ đều đang có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng hạt tiêu Việt Nam trên thị trường EU. Giá XK tiêu của Việt Nam cũng sẽ tăng cùng xu hướng tăng của giá hạt tiêu thế giới.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sản lượng hạt tiêu trong nước năm 2020 ước đạt 240.000 tấn, giảm 15% so với năm 2019. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu XK 280 nghìn tấn, trị giá 800 triệu USD của ngành trong năm nay.

PV
Cùng chuyên mục