Bao nhiêu quan chức đã dính chàm liên quan đến Vũ "nhôm"?
Tổng cộng Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm" đã "thâu tóm" khoảng 36 địa chỉ nhà, đất vàng công sản tại Đà Nẵng và TP.HCM; tổng diện tích khoảng 63 ha, tổng thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng ngân sách. Ngoài thâu tóm đất công, Vũ còn nhúng tay cả vào việc chiếm đoạt, lũng đoạn ngân hàng. Cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố Vũ đồng phạm cùng với cựu Tổng giám đốc Đông Á Trần Phương Bình trong việc chiếm đoạt của ngân hàng này hơn 203 tỉ đồng.
Dưới đây là các vụ án đã và đang xét xử:
1. Vụ án cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước (đã xét xử)
Phan Văn Anh Vũ: 8 năm tù
Phan Hữu Tuấn, cựu trung tướng - Tổng cục phó Tổng cục Tình báo (Bộ Công an): 7 năm tù
Nguyễn Hữu Bách, cựu đại tá - Phó cục trưởng Tổng cục Tình báo: 6 năm tù.
2. Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (đã xét xử)
Phan Văn Anh Vũ: 15 năm tù
Phan Hữu Tuấn: 4 năm tù
Nguyễn Hữu Bách: 42 tháng tù
Bùi Văn Thành, cựu trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an: 30 tháng tù
Trần Việt Tân, cựu thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an: 36 tháng tù.
3. Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan nhà đất 15 Thi Sách, TP.HCM (đã xử sơ thẩm)
Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM: 7 năm tù Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở TN-MT: 6 năm 6 tháng tù Trương Văn Út, cựu Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở TN-MT: 5 năm tù
Lê Văn Thanh, cựu Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM: 4 năm tù
mNguyễn Thanh Chương, cựu Trưởng phòng Đô thị - Văn phòng UBND TP.HCM: 3 năm tù.
4. Vụ án thâu tóm đất công ở Đà Nẵng (đang xét xử), ngoài Phan Văn Anh Vũ còn có các bị cáo từng là quan chức địa phương:
Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP (2006 - 2011)
Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP (2011 - 2014)
Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, cựu Phó chủ tịch UBND TP
Phan Xuân Ít, cựu Phó chánh văn phòng UBND TP
Nguyễn Điểu, cựu Giám đốc Sở TN-MT
Trần Văn Toán, cựu Phó giám đốc Sở TN-MT
Lê Cảnh Dương, cựu Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư TP
Nguyễn Văn Cán, cựu Chánh văn phòng UBND TP
Đào Tấn Bằng, cựu Phó chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng
Nguyễn Viết Vĩnh, cựu Trưởng phòng Quản lý đô thị Đà Nẵng
Nguyễn Đình Thống, cựu Giám đốc Công ty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng
Nguyễn Thanh Sang, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính
Nguyễn Thị Thu Hà, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính
Nguyễn Công Lang, cựu Giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng.
Riêng tại vụ án thâu tóm, trục lợi đất công tại Đà Nẵng đang xét xử, Vũ "nhôm" đã cho thấy mình là tay "đầu cơ" nhà đất ranh ma, lọc lõi. Vũ lập hàng loạt công ty do anh, em, vợ, lái xe… cùng với tấm "bình phong" của một tình báo công an đầy quyền lực, đứng sau giật dây thâu tóm 15/22 nhà, đất công và 6/7 dự án, gây thiệt hại cho ngân sách gần 22.000 tỉ đồng.
Phan Văn Anh Vũ được tuyển dụng vào lực lượng công an nhân dân, biên chế là nhân viên tình báo của Tổng cục Tình báo - Bộ Công an, từ 1/10/2009, sau đó được thăng lên hàm thượng tá. Theo hồ sơ các vụ án, trong quá trình hoạt động trên danh nghĩa cán bộ tình báo, Vũ "nhôm" được tổng cục cho phép sử dụng thêm các tên gọi khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ, đồng thời cho phép sử dụng 2 công ty để làm tổ chức bình phong, gồm: CTCP xây dựng Bắc Nam 79 và CTCP Nova Bắc Nam 79, đều do Vũ làm chủ tịch HĐQT, hoặc là người đại diện theo pháp luật.
Chiêu bài quen thuộc của Vũ "nhôm" trong quá trình thâu tóm đất là sử dụng pháp nhân tổ chức bình phong gửi văn bản tới các địa phương để xin thuê, chuyển quyền sử dụng đất để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ hoặc để phát triển… tiềm lực ngành tình báo. Cùng với đó, trên cơ sở tham mưu của tổng cục, lãnh đạo Bộ Công an ký các văn bản gửi các bộ, ngành, các địa phương đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bình phong do Vũ "nhôm" điều hành.
Tuy nhiên, sau khi được giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất với nhiều ưu đãi, đặc quyền, Vũ "nhôm" lập tức tiến hành chuyển quyền sử dụng đất từ công ty sang cho cá nhân mình hoặc liên kết, chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác, nhằm thu lợi bất chính mà không có bất cứ hoạt động nghiệp vụ nào phục vụ cho ngành tình báo.
Trong vụ án liên quan đến 2 cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành, các cơ quan tố tụng xác định có 7 cơ sở nhà đất công sản ở vị trí "đất vàng" đã được chính quyền Đà Nẵng, TP.HCM bán hoặc cho Vũ thuê với giá như bèo, giúp cho đối tượng này thu lợi cá nhân cực lớn.
Sau khi phát hiện những sai phạm của Vũ "nhôm", ngày 20/9/2017, Bộ Công an đã có quyết định kỷ luật giáng cấp bậc từ thượng tá xuống trung tá, đồng thời cách chức phó trưởng phòng biệt phái và cho xuất ngũ ra khỏi lực lượng công an. Sau đó, Vũ bị khởi tố và bắt tạm giam, đến ngày 25/5/2018 thì bị khai trừ khỏi Đảng.
Bình luận về những sai phạm của các quan chức liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đó là do cơ chế giám sát của chúng ta có vấn đề!
TS Lê Đăng Doanh nói: "Quy trình giám sát của chúng ta không đủ chặt chẽ, nếu không muốn nói là quá lỏng lẻo. Trong trường hợp liên quan đến các vấn đề công cần phải công khai đấu thầu, công khai giá đất, quy trình bàn giao như vậy thì các cơ quan liên quan cần phải có ý kiến. Nhưng những quy trình này rõ ràng là có lỗ hổng, giám sát không đầy đủ. Thực tế cần thừa nhận rằng, việc giám sát của chúng ta giống như có "vùng cấm". Nghĩa là, cơ quan giám sát có thể kiểm tra, giám sát nhân viên, cấp dưới nhưng những người đứng đầu như thủ trưởng, chủ tịch cơ quan giám sát thì ai sẽ làm? Hoặc như Bí thư Tỉnh ủy ai sẽ giám sát?"
Cũng theo vị chuyên gia này, một mình Vũ "nhôm" không thể hoành hành trong suốt thời gian dài và gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng như vậy, các lãnh đạo địa phương cũng không thể coi là nạn nhân. Những vụ việc này cho thấy, họ đã câu kết trục lợi, chia chác với nhau.
"Trong vụ án đang xét xử, tôi thấy rất nhiều cán bộ đang cố biện minh là do "được" giới thiệu, đó chỉ là ngụy biện. Nếu họ làm đúng nhiệm vụ thì không thể xảy ra những sai phạm tày đình như vậy. Lãnh đạo đến tầm đó rồi thì đều nhận thức rất rõ các quy định của pháp luật, chứ không thể lấy bình phong "vì an ninh quốc gia", vì được giới thiệu" để giảm bớt tội...", ông Doanh nói.