Giá cà phê "lao dốc" tại nhiều vùng trồng trọng điểm, mất mốc 43.000 đồng/kg
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt giảm mạnh
Giá cà phê hôm nay (25/10) giảm mạnh 600 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên, khiến nhiều vùng trồng trọng điểm mất mốc 43.000 đồng/kg. Hiện tại, mức giá thấp nhất theo khảo sát là 42.400 đồng/kg.
Hiện tại, các tỉnh trọng điểm trong nước đang ghi nhận khoảng giá 42.400 - 43.000 đồng/kg. Trong đó, giá thu mua tại hai tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai lần lượt giảm xuống mức 42.400 đồng/kg và 42.900 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cùng giảm về mốc 43.000 đồng/kg trong hôm nay.
Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt ở 2.008 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp đà đi xuống. Theo đó, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 11/2022 được ghi nhận tại mức 1.957 USD/tấn sau khi giảm 2,2% (tương đương 44 USD).
Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 tại New York đạt mức 190,4 US cent/pound, giảm 0,26% (tương đương 0,5 US cent).
Giá cà phê Robusta tuần qua giảm nhiều hơn tăng, các mức giảm khá mạnh, khiến giá giao dịch trên sàn phái sinh giảm tất cả 55 USD. Ngay trong phiên đầu tuần, giá cà phê Robusta lại tiếp tục lao dốc mạnh tới hơn 40 USD, tụt xa khỏi ngưỡng 2.000 USD.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 10 đạt 36.156 tấn, lũy kế 9,5 tháng đầu niên vụ tăng 11,05% lên 23,01 triệu bao. Về giá trị xuất khẩu cũng tăng mạnh 35,45% tương đương 3,16 tỷ USD. Thông tin này phản ánh nguồn cung dồi dào của cà phê Robusta nên giá Robusta lại có 1 pha trượt dài. Theo phân tích kỹ thuật, lần thứ 2 giá xuyên thủng thành công mốc 2.000 USD, trong khi các chỉ số kỹ thuật hiện tại vẫn đưa tín hiệu động lượng giảm vẫn còn.
Tuần qua, cà phê Arabica có 5 phiên giảm liên tiếp suốt cả tuần các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình. Đồng Real của nhà cung cấp Brazil tiếp tục tăng so với USD đã phần nào kìm hãm đà bán của người sản xuất. Giá cà phê nói chung duy trì đà đi xuống, nhưng cà phê Arabica giảm nhẹ hơn so với Robusta.
Khả năng cao giới đầu cơ lợi dụng yếu tố tiền tệ và số liệu tồn kho để làm giá cà phê khi bán không nương tay ép giá cà phê rớt liên tục. Arabica đang ở mức thấp nhất trong 13 tháng qua và chưa thấy dấu hiệu khởi sắc dù giá đã vào vùng quá bán đã lâu. Theo phân tích kỹ thuật, dữ liệu vẫn cho tín hiệu động lượng giảm vẫn còn. Dự kiến trong ngắn hạn giá có thể còn tiếp tục giảm. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng sớm xuất hiện nhịp điều chỉnh tăng phục hồi kỹ thuật do giá đã vào vùng quá bán khá sâu.
Đồng USD có nhịp điều chỉnh giảm. Thị trường lại tiếp tục phản ứng theo những tin đồn đoán, cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không còn quyết liệt tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng tới, dao động 0,5-0,75% thay vì mức 0,75-1% như dự đoán trước đó, vì lo ngại với tốc độ tăng lãi suất mạnh như hiện nay, nền kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ khó chống chịu được lâu.
Rổ hàng hóa vì thế cũng có sự phân hóa tăng giảm khác nhau, khi vàng, dầu thô tăng giá, trong khi nhóm hàng kim loại và mặt hàng nguyên liệu công nghiệp như cao su, cà phê cả 2 sàn đều có sự sụt giảm giá trị. Đặc biệt một số mặt hàng hàng hóa, nông sản và cà phê bị dòng tiền "ruồng bỏ" nên tiếp tục nhuộm sắc đỏ.
Yếu tố tỷ giá đóng một vai trò quan trọng trong việc định giá cà phê, cả trong nước lẫn giá trên sàn quốc tế.
Trong khi đó, chỉ số giá trị đồng USD lại có những ngày tăng/giảm cực mạnh. Xu hướng đi lên của chỉ số USDX có thể chưa dừng quanh khu vực 112-113 điểm như thời điểm hiện tại mà còn có thể lên đến 118-120 điểm.
Thị trường thấy rất rõ rằng đồng USD tiếp tục trở nên mạnh so với các đồng tiền khác trên toàn cầu. Điều đó cũng có nghĩa là tài khoản vãng lai của các nước khác thâm hụt hoặc/và nợ công nhiều hơn khiến giá trị các đồng nội tệ sụt giảm nhanh, khó khăn cho việc chống lạm phát tại đó. Đồng USD tăng mạnh đã gây áp lực cho các đồng tiền nước khác, bất kể là nước phát triển hay nước có nền kinh tế mới nổi, dù là nước tiêu thụ cà phê hay xuất khẩu cà phê. Nhiều nhà phân tích dự đoán, năm nay, VND có thể mất từ 4-5% so với USD.
Tính đến thứ hai ngày 17/10, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 4.500 tấn, tức giảm 4,8 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 89.340 tấn (tương đương 1.489.000 bao, bao 60 kg).
Xu hướng giảm giá dự báo sẽ còn diễn ra trong thời gian tới
Những ngày giữa tháng 10/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm. Xu hướng giảm giá dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới. Dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát cơ bản Hoa Kỳ đạt mức cao nhất 40 năm và các đợt tăng lãi suất cơ bản có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu vào tình trạng suy thoái và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Đồng Real suy yếu hỗ trợ người dân Brazil đẩy mạnh bán hàng vụ mới để thu về được nhiều nội tệ hơn. Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê Robusta dồi dào do Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới.
Giá cà phê Việt Nam có thể chịu áp lực nguồn cung dồi dào vì mùa thu hoạch bắt đầu. Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê Robusta với sản lượng dự kiến sẽ tăng so với vụ mùa trước đó. Điều này sẽ gây áp lực lên giá cà phê vốn đã giảm hơn 10% trong vòng 2 tháng qua. 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên dự kiến thu hoạch được 1,8 tấn cà phê nhân, tăng từ mức 1,76 triệu tấn của năm ngoái.
Chuyên gia nhận định, giá cà phê vẫn còn dao động với xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn. Bởi áp lực của vụ thu hoạch Robusta mới ở Việt Nam và thu hoạch Arabica mới ở vùng thấp Colombia và các nước khu vực Trung Mỹ bắt đầu gia tăng trên các thị trường kỳ hạn, trong khi nhu cầu tiêu thụ mùa đông không cao như mùa hè. Ngoài ra, tồn kho tại hai sàn tiếp tục sụt giảm do thị trường tiêu thụ bên ngoài có giá cả hấp dẫn hơn.
Giá cà phê kỳ hạn đã giảm bớt lo ngại về việc tồn kho toàn cầu bị thắt chặt và thay vào đó giá sụt giảm do triển vọng thời tiết ở Brazil được cải thiện.
Hãng tư vấn – phân tích Safras & Mercado trong một báo cáo đầu tuần cho biết Brazil đã bán khoảng 60% sản lượng vụ mua mới vừa thu hoạch, cao hơn mức bình quân trong vòng 5 năm gần đây là 58% và cao hơn cùng kỳ năm trước là 52%. Vụ cà phê 2022/23 của Brazil được dự báo ở mức 57,3 triệu bao (loại 60kg), giảm so với ước tính hồi tháng 9 là 58,2 triệu bao.
Đây là lần điều chỉnh giảm thứ hai trong vòng hai tháng của Safras. Vụ mùa tiếp tục chịu tác động của hạn hán và sương giá xảy ra trong thời kỳ phát triển. Ước tính ban đầu cho vụ cà phê ở nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới là 61,1 triệu bao.
Các đại lý lưu ý doanh số bán hàng ở nhà sản xuất hàng đầu Brazil gần như hoàn toàn đình trệ, khi người nông dân không muốn giao dịch ở mức giá thấp.
Nông dân Việt Nam hiện đã triển khai thu hoạch vụ mùa cà phê Robusta mới năm nay diễn ra khá chậm chạp do thời tiết vẫn còn mưa khiến quả cà phê chín muộn. Dự kiến khoảng vài tuần nữa mới có hàng cà phê vụ mới giao về cảng xuất khẩu.
Một số ý kiến lo ngại rằng giá vốn đang giảm vì thị trường tiêu thụ lắng xuống nay càng bị áp lực bởi nguồn cung dồi dào khi Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch cà phê. Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam cho rằng trong ngắn hạn chưa có áp lực nhiều vì sản lượng cà phê mọi năm sẽ tăng mạnh từ tháng 11 kéo dài đến tháng 1. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên sản lượng có thể giảm hơn so với mọi năm.
Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê những tháng cuối năm được cho là khó đoán định vì xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao và nền kinh tế nhiều quốc gia vẫn đang suy thoái. Các chuyên gia cho rằng giá cà phê Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu thế giới suy giảm khi lạm phát tăng cao. Người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên thực phẩm thiết yếu hơn, trong khi cà phê không nằm trong danh mục này.
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia nhận định lạm phát cũng có nghĩa là sức mua giảm, chi phí tài chính cáo đối với các nhà kinh doanh hàng hóa và chi tiêu công của các chính phủ, ngoài ra nó còn ngăn cản tiết kiệm của người dân. Còn suy thoái lại đồng nghĩa với thất nghiệp, rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp tăng và kinh tế gia đình khó khăn. Chính vì thế, nên thấy trước lực mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu giảm và sức tiêu thụ cà phê của người tiêu dùng các nước có thể bị hạn chế trong những tháng còn lại trong năm nay, thậm chí qua đến năm sau.
Rabobank trong báo cáo mới đây đã hạ dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 sắp tới và cho biết việc tăng giá ảnh hưởng rất ít đến sản xuất ở Brazil, Colombia, Honduras và Việt Nam.
Ngân hàng dự kiến sản lượng cà phê toàn cầu đạt 169 triệu bao loại 60kg vào năm 2022/2023, hạ từ mức 172,3 triệu bao được dự báo trước đó. Thị trường dự kiến sẽ thâm hụt 1,3 triệu bao và phần lớn là cà phê Arabica.
Ngân hàng Rabobank, trước đó dự báo thặng dư 1,7 triệu bao cho năm 2022/2023, cho biết nhu cầu cà phê toàn cầu không có nhiều sự thay đổi. Trong bối cảnh suy thoái, ngân hàng này hy vọng sẽ không có bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào trong tiêu thụ, ít nhất là không ở các thị trường phát triển.
Theo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 10/2022 đạt 36.156 tấn, tương đương 602.600 bao (loại 60kg), đưa xuất khẩu cà phê trong 9,5 tháng đầu tiên của năm 2022 lên đạt tổng cộng 1.381.345 tấn (khoảng 23,01 triệu bao) tăng 11,05% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,16 tỷ USD, tăng mạnh tới 35,45% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái.