Nguồn cung bị thắt chặt, giá cà phê hồi phục được bao lâu?
Giá cà phê hôm nay 3/11: Các tỉnh trọng điểm tăng 800 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (3/11) tăng trở lại với mức điều chỉnh là 800 đồng/kg tại thị trường trong nước. Hiện tại, thị trường nội địa đang giao dịch cà phê trong khoảng 41.000 - 41.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng tăng 800 đồng/kg lên mốc 41.000 đồng/kg. Tiếp đến là Gia Lai với mức 41.500 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cùng tăng 800 đồng/kg lên mức 41.600 đồng/kg trong hôm nay.
Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt ở 1.937 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London cộng 43 USD, tương đương 2,34% lên mức 1.882 USD/tấn, sau khi thiết lập mức thấp nhất trong 14 tháng là 1.826 USD hôm thứ ba. Giá Arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York tăng 7,55 cent, tương đương 4,32% chốt ở 182,15 US cent/lb, mở rộng đà phục hồi từ mức thấp nhất 15 tháng ở 165,95 US cent/lb hôm thứ sáu tuần trước.
Theo các đại lý, sự sụt giảm xuất khẩu từ Honduras và Costa Rica trong tháng 10/2022 đã làm thắt chặt nguồn cung ngắn hạn, với mức cộng của kỳ hạn tháng 12 so với tháng 3 tăng lên. Mặc dù vậy, ngành cà phê toàn cầu đang phải đối mặt những lo ngại về nhu cầu trong bối cảnh lạm phát gia tăng, song song đó là sự cải thiện nguồn cung và một số yếu tố khác. Ngày lễ quốc gia ở Brazil hôm thứ Tư đã cản trở việc bán cà phê từ nông dân và các nhà xuất khẩu.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản để làm giảm lạm phát tiêu dùng - đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ, mặc dù báo hiệu mức tăng trong tương lai có thể sẽ nhỏ hơn. Trong ước tính ban đầu sau khi nở rộ, Hội đồng Cà phê Ấn Độ đã chốt sản lượng niên vụ 2022/23 ở mức kỷ lục 3,93 vạn tấn, trong đó có 1,16 vạn tấn Arabica và 2,77 vạn tấn Robusta. Tuy nhiên, do lượng mưa dư thừa và vẫn có xu hướng tiếp diễn, Hội đồng Cà phê đã dự kiến vụ mùa sẽ thấp hơn 10 - 15% so với ước tính ban đầu.
Quý III/2022, giá cà phê thế giới có sự biến động mạnh. Sau khi ghi nhận ở mức thấp vào tháng 7/2022, giá cà phê phục hồi vào tháng 8/2022, nhưng sau đó giảm trở lại vào tháng 9/2022. Tháng 10/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/10/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11/2022, tháng 1/2023, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 13,9%, 14,4% , 13,8% và 13,5% so với ngày 28/9/2022, xuống còn 1.878 USD/tấn, 1.864 USD/tấn, 1.855 USD/tấn và 1.850 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/10/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và 7/2023 giảm lần lượt 20,3%, 18,2%, 16,9% và 15,9% so với ngày 28/9/2022, xuống còn 178,85 UScent/ lb, 176,95 UScent/lb, 175,85 UScent/lb và 174,65 UScent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/10/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 19,3%, 19,4%, 18,1% và 16,8% so với ngày 28/9/2022, xuống còn lần lượt 211,1 UScent/lb, 211,55 UScent/lb, 213,9 UScent/lb và 215,7 UScent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.933 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 302 USD/tấn (tương đương mức giảm 13,5%) so với ngày 28/9/2022.
Dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Số liệu công bố cho thấy, GDP của Hoa Kỳ quý III/2022 tăng 2,6% so với quý trước. Điều này sẽ góp phần giúp Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) mạnh tay trong việc nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp tới. Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm. Lãi suất tăng cao, sức tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung dồi dào khi nhiều nước sản xuất cà phê chính bước vào kỳ thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ 2022/2023.
Xuất khẩu cà phê có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD
Từ Việt Nam, lũy kế xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu niên vụ 2022 đạt khoảng 1,4 triệu tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Quý III/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa ghi nhận mức cao trong tháng 8/2022, nhưng sau đó có xu hướng giảm. Cuối tháng 10/2022, giá cà phê Robusta giảm mạnh 5.400 đồng/kg so với cuối tháng 9/2022. Ngày 28/10/2022, giá cà phê Robusta trong nước giảm 5.400 đồng/kg so với ngày 28/9/2022, xuống mức 41.000 đồng/ kg tại tỉnh Lâm Đồng; 41.600 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông, giá ở mức 41.500 đồng/kg.
Quý III/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 319 nghìn tấn, trị giá 753,9 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 24,8% về trị giá so với quý 2/2022, so với quý 3/2021 giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 9,9% về trị giá. Nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới giảm do kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài và chưa có dấu hiệu lắng dịu, trong khi lạm phát tăng cao. Dự báo trong ngắn hạn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đối mặt với khó khăn do nhu cầu thấp, giá giảm.
Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các khu vực giảm; So với quý III/2021, trị giá xuất khẩu sang hầu hết khu vực tăng, trừ khu vực châu Phi. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu cà phê sang tất cả các khu vực tăng so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng cao nhất 97,2% xuất khẩu tới khu vực châu Đại Dương; mức tăng thấp nhất 11,4% xuất khẩu tới khu vực châu Á.
Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Nga tăng 11,1%. So với quý 3/2021, trị giá xuất khẩu cà phê sang các thị trường Ý, Nhật Bản, Nga tăng mạnh, nhưng sang Đức, Bỉ, Hoa Kỳ giảm.
Quý III/2022 so với quý 2/2022, trị giá xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê giảm, ngoại trừ cà phê chế biến tăng 3,5%. So với quý 3/2021, trị giá xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê tăng. Mức tăng cao nhất 43,4% đối vỡi cà phê Arabica; mức tăng thấp nhất 9,5% với cà phê Robusta. Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta tăng 33,7%, đạt 2,24 tỷ USD; xuất khẩu cà phê Arabica tăng 67,9%, đạt 208 triệu USD; xuất khẩu cà phê chế biến tăng 16,5%, đạt 481 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Excelsa giảm 9,1%, đạt 3 triệu USD.
Thế giới đang thiếu hụt nguồn cung, trong khi mùa vụ thu hoạch cà phê Việt Nam đang tới gần với sản lượng dự kiến tăng khá, cùng với sự nắm tốt cơ hội từ thị trường, dự báo xuất khẩu cà phê năm nay của Việt Nam có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Nhìn về sản xuất cà phê trong nước, năng suất cà phê Việt Nam từ 23,5 tạ/ha năm 2011 lên 28,2 tạ/ha năm 2021 và sản lượng tăng từ 1,27 triệu tấn năm 2020 lên 1,81 triệu tấn năm 2021. Hiện năng suất cà phê của Việt Nam cao gấp hơn 3 lần (2,8 tấn/ha) so với năng suất cà phê trung bình của thế giới (0,8 tấn/ha).
Có được kết quả trên, do Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020. Nhờ đó, nhiều diện tích cà phê già cỗi trên 30 năm, năng suất thấp, trồng chủ yếu từ các giống cà phê thực sinh đã được thay thế bằng giống mới cho năng suất cao, góp phần vào chương trình phát triển cà phê bền vững.
Tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường, doanh nghiệp xác định sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cà phê theo hướng bền vững với các chứng nhận quốc tế. Với xu hướng tiêu dùng thế giới về các sản phẩm bền vững nên việc sản xuất theo hướng này sản phẩm sẽ dễ dàng được thị trường đón nhận.
Nhu cầu thị trường sản phẩm bền vững tăng trưởng mạnh, thậm chí 100% mỗi năm, nên đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê nói riêng và nông sản nói chung.
Từ thành công trong tái canh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phê duyệt Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025. Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những diện tích cà phê già cỗi bắt buộc phải tái canh cần xác định rõ có thể tái canh ngay. Các địa phương sẽ rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi của từng hộ để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm sát với thực tế. Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để nhân nhanh các giống mới đưa vào tái canh.