Giá cà phê gần về mốc 40.000 đồng/kg, điều tồi tệ gì đang xảy ra?

30/10/2022 20:31 GMT+7
Giá cà phê tiếp tục giảm mạnh, dần tiến về mốc 40.000 đồng/kg trong tuần qua. Hiện giá cà phê trong nước dao động từ 40.400 đồng/kg đến 41.000 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay 30/10: Giảm mạnh, dần tiến về mốc 40.000 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay (30/10) dao động trong khoảng 40.400 - 41.000 đồng/kg. Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê liên tục đi xuống, có ngày giảm mạnh đến 1.400 đồng/kg. Vào cuối tuần, các tỉnh thành ghi nhận mức giảm 2.600 đồng/kg so với đầu tuần.

Cụ thể: Giá cà phê trong nước hôm nay 30/10 giảm 600 đồng/kg so với hôm qua (29/10). Hiện giá cà phê trong nước giao động từ 40.400 đồng/kg đến 41.000 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai ngày 30/10 giảm xuống mức 40.900 đồng/kg tại huyện Chư Prông; tại thành phố Pleiku và huyện Ia Grai giá là 40.800 đồng/kg. Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Nông được thu mua ở mức 41.000 đồng/kg tại thành phố Gia Nghĩa và 40.900 đồng/kg ở huyện Đắk R'lấp. Tại tỉnh Kon Tum, giá cà phê hôm nay được thu mua ở mức 40.900 đồng/kg. Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê được thu mua với mức 40.400 đồng/kg. Cà phê tại tỉnh Đắk Lắk được thu mua với giá là 41.000 đồng/kg.

Những ngày giữa tháng 10/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa đã giảm mạnh theo giá thế giới. Ngày 18/10/2022, tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê Robusta giảm 1.800 đồng/ kg so với ngày 10/10/2022, xuống còn 45.000 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Nông giảm 1.900 đồng/kg, xuống còn 44.800 đồng/kg; tại tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai cùng giảm 2.000 đồng/kg, xuống còn 44.400 – 44.700 đồng/kg.

Giá cà phê gần về mốc 40.000 đồng/kg, điều tồi tệ gì đang xảy ra? - Ảnh 1.

Giá cà phê hôm nay 30/10: Giảm mạnh, dần tiến về mốc 40.000 đồng/kg.

Trên sàn giao dịch cuối tuần này, giá cà phê trên hai sàn phái sinh nhanh chóng giảm mạnh sau chỉ 1 phiên điều chỉnh nhẹ. Thị trường cà phê bị tác động do lo ngại lãi suất tiền tệ sẽ được các ngân hàng trung ương lớn nâng lên thêm sau báo cáo GDP quý III của Mỹ tăng. Dấu hiệu lạm phát giảm, sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ mạnh tay hơn tại kỳ họp sắp tới trong việc đưa ra mức lãi suất tối thiểu 1%, rất cao so với suy đoán trước đó.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lần thứ 3 trong năm nay, nâng lãi suất đồng Euro lên thêm 0,75% và không loại trừ sẽ còn tăng tiếp, trong khi lạm phát đã tăng lên ở mức 9,9% kể từ khi khu vực Eurozone ra đời và cuộc khủng hoảng năng lượng chưa thể giải quyết với bất ổn nội khối vẫn còn dai dẳng.

Trong khi thông tin Trung Quốc phong tỏa một phần Vũ Hán cũng dấy lên lo ngại nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sụt giảm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 29/10), sau chỉ một phiên điều chỉnh nhẹ, giá cà phê lại tiếp tục lao dốc trên cả hai sản. Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 29 USD (1,54%), giao dịch tại 1.849 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 27 USD (1,45%), giao dịch tại 1.837 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng trung bính.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York giảm rất mạnh. Kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 9,05 Cent (5,06%), giao dịch tại 169,8 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 9,2 Cent/lb (5,2%), giao dịch tại 167,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Những ngày giữa tháng 10/2022, giá cà phê thế giới đã kéo dài xu hướng giảm. Xu hướng giảm giá dự báo sẽ còn diễn ra trong thời gian tới. Dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát cơ bản Mỹ đạt mức cao nhất 40 năm và các đợt tăng lãi suất cơ bản có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu vào tình trạng suy thoái và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Đồng Real suy yếu hỗ trợ người dân Brazil đẩy mạnh bán hàng vụ mới để thu về được nhiều nội tệ hơn. Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê Robusta dồi dào do Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới.

Trên sàn giao dịch London, ngày 18/10/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11/2022 và tháng 1/2023 giảm lần lượt 3,6% và 4,4% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 2.064 USD/tấn và 2.045 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 3/2023 và tháng 5/2023 cùng giảm 4,5% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 2.022 USD/ tấn và 2.010 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 18/10/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 10,2%, 7,8%, 7,0% và 6,6% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 195,55 Uscent/lb; 191,35 Uscent/lb; 189 Uscent/lb và 187,3 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 18/10/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12 và tháng 3/2023 cùng giảm 8,4% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 234,65 Uscent/ lb và 231,5 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 7,6% và 7,0%, xuống còn 231,3 Uscent/lb và 232,4 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.109 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 101 USD/tấn (tương đương mức giảm 4,6%) so với ngày 8/10/2022.

Đà giảm giá cà phê bao giờ mới dứt?

Thị trường tiếp tục mối lo Fed sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ tại kỳ họp điều hành tháng 11. Động thái này có thể dẫn tới suy thoái kinh tế thế giới vì lãi suất vốn vay ở mức quá cao sẽ khiến nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn đầu cơ rời khỏi các thị trường hàng hóa nói chung để chuyển sang chứng khoán và trái phiếu kho bạc dài hạn.

Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch cà phê (bắt đầu từ tháng 11). Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên sản lượng có thể giảm hơn so với mọi năm.

Theo đó, năm nay tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, mưa nhiều khiến hoạt động chế biến trong thời gian thu hoạch trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê. Dự kiến sản lượng cà phê năm nay giảm 10% so với năm ngoái xuống khoảng 1,6 triệu tấn.

Mới đây, Citigroup cũng đã cắt giảm dự báo vụ mùa của Việt Nam lần lượt là 1 triệu và 2 triệu bao cho niên vụ 2021 - 2022 và 2022 - 2023, do các cuộc khảo sát cho thấy sự phát triển của cà phê bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu phân bón trong năm nay.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản cà phê của Việt Nam đạt 30,9 triệu bao, giảm 700.000 bao so với vụ thu hoạch kỷ lục của năm ngoái. Diện tích canh tác được dự báo không thay đổi so với năm trước, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là Robusta.

Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19 và giá cà phê tăng cao.

Điều này diễn ra trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn. Ngoài ra, sự gia tăng xuất khẩu cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung container và tàu được cải thiện.

Giá cà phê gần về mốc 40.000 đồng/kg, điều tồi tệ gì đang xảy ra? - Ảnh 2.

Báo cáo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 10 đạt 36.156 tấn (tương đương 602.600 bao, bao 60 kg), đưa xuất khẩu cà phê trong 9,5 tháng đầu tiên của năm dương lịch 2022 lên đạt tổng cộng 1.381.345 tấn (khoảng 23,01 triệu bao) tăng 11,05% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, báo cáo dữ liệu sơ bộ cũng cho thấy giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt tổng cộng 3,16 tỷ USD, tăng mạnh tới 35,45% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái.

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 100 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 giảm 3,0% về lượng, nhưng tăng 11,3% về trị giá. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,35 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD, tăng 13,7% về lượng và tăng 37,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.399 USD/tấn, tăng 1,5% so với tháng 8/2022 và tăng 14,8% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.280 USD/tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. 

Cơ cấu chủng loại xuất khẩu: Tháng 8/2022 so với tháng 8/2021, xuất khẩu các chủng loại cà phê Robusta, Arabica, cà phê Excelsa giảm, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến tăng. Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến tăng, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa giảm. 

Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta tháng 8/2022 đạt 98,18 nghìn tấn, trị giá 195,93 triệu USD, giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 5,5% về trị giá so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,11 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta sang hầu hết các thị trường chủ yếu, như: Đức, Ý, Bỉ, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Nga, Anh… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang một số thị trường khu vực châu Á giảm, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.

Cục Xuất Nhập khẩu mới đây dự báo, đà giảm giá cà phê có thể tiếp tục thêm một thời gian ngắn nữa. Về dài hạn, thị trường được dự báo rằng sẽ chịu áp lực bởi nỗi lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương các nước đồng loạt tăng lãi suất khiến chi phí tài chính của các công ty nhập khẩu tăng lên khiến nhu cầu mua hàng cũng giảm.

Trong khi đó, sản lượng của niên vụ 2022 - 2023 thế giới được dự báo tăng trở lại. Người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra, hàng vụ mới trong kho dồi dào trong khi kho lưu trữ hạn chế.

Số liệu từ Công ty Cung ứng và Dự báo nông sản Conab Brazil dự báo, sản lượng cà phê Arabica Brazil niên vụ 2022 - 2023 đạt 32,41 triệu bao, tăng 3,1% so với niên vụ 2021 - 2022.

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng cung - cầu cà phê thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023 sẽ phục hồi và tăng 7,8 triệu bao (4,7%) so với niên vụ trước lên mức 175 triệu bao, chủ yếu là do vụ mùa arabica của Brazil bước vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”.

Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 167 triệu bao, với mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Brazil. Xuất khẩu cà phê toàn cầu dự báo tăng 1 triệu bao, lên 141,5 triệu bao nhờ xuất khẩu của Brazil và Indonesia cao hơn.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục