Giá cà phê tiếp tục xuống thấp kỷ lục, quá nhiều lo ngại

10/11/2022 09:04 GMT+7
Giá cà phê trong nước ngày 09/11/2022 xuống tiếp mức 39.900 – 40.500 đồng/kg. Hai sàn giao dịch cà phê thế giới tràn ngập sắc đỏ với giá Arabica rơi xuống mức thấp nhất trong 15 tháng, do lo ngại nhu cầu yếu đặc biệt tại châu Âu, trong khi tồn trữ tăng.

Giá cà phê ngày 9/11: Tiếp đà giảm, thấp nhất là 39.900 đồng/kg 

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp nối đà giảm. Hiện tại, thị trường nội địa đang ghi nhận khoảng giá 39.900 - 40.500 đồng/kg.

Trong đó, tỉnh Lâm Đồng giảm 400 đồng/kg về mức thấp nhất là 39.900 đồng/kg. Tiếp đến là Gia Lai với mức 40.400 đồng/kg sau khi giảm 400 đồng/kg.

Tương tự, sau khi giảm 400 đồng/kg, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cùng ở mức 40.500 đồng/kg trong hôm nay.

Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% ngày chốt tại 1.891 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London mất thêm 20 USD, tương đương 1,08% chốt ở 1.831 USD/tấn. Giá Arabica kỳ hạn tháng 03/2023 trên sàn New York giảm 1,9 cent, tương đương 1,14% xuống mức 164,15 US cent/lb.

Giá cà phê tiếp tục xuống thấp kỷ lục, quá nhiều lo ngại - Ảnh 1.

Giá cà phê liên tục đảo chiều và hôm nay lại kết thúc bằng một phiên giảm mạnh trên cả hai sàn phái sinh New York và London. Nhiều thông tin cơ bản đan xen đang trực tiếp tác động lên giá cà phê.

Tuy nhiên, giá cà phê kỳ hạn đã bỏ qua cơ hội tăng khi USDX sụt giảm trở lại do các Quỹ và đầu cơ vẫn còn ngần ngại trước nguồn cung vụ mới của Brazil được dự báo sẽ rất tốt. Dự báo sản lượng cà phê của Brazil vụ tới có thể tăng 10% từ 60,2 triệu bao của vụ mùa năm 2022.

Đồng Real của Brazil giảm mạnh đã hỗ trợ người Brazil đẩy mạnh bán cà phê, cho dù mức giá chênh lệch tại thị trường nội địa vẫn tỏ ra ổn định. Lo ngại lãi suất tăng cao đã khiến các Quỹ và đầu cơ cũng không vội vàng mua vào khi giá Arabica hiện đang ở mức thấp 15 tháng, trong khi Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta hàng đầu vừa kết thúc niên vụ cà phê 2021/2022 với khối lượng xuất khẩu đạt mức cao nhất trong 4 năm vừa qua.

Giá cà phê sẽ còn tiếp tục giảm do nhu cầu thấp và dự báo thặng dư hàng hóa còn tiếp diễn trên thị trường thế giới do một vụ mùa tốt hơn ở Brazil và Trung Mỹ. Bên cạnh đó, giá giảm còn do sự biến động trên chính trường Brazil, khi Tổng thống Lula vừa đắc cử đang lựa chọn tìm kiếm các thành viên cho Chính phủ mới sẽ gây ra sự xáo trộn rất đáng kể. Trong khi đó, cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Nỗ lực hạ nhiệt giá hàng hóa trong các cuộc bầu cử này tác động tiêu cực đến thị trường cà phê.

Giới đầu cơ lo ngại tình hình trước mắt nên đã đổ xô mua vàng, rút vốn từ các sàn hàng hóa, càng đẩy cà phê giảm sâu.

Xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ trong niên vụ 2021/22, đã giảm 7,1% so với niên vụ trước xuống còn 55,3 triệu bao. Nguyên nhân là lượng cà phê xuất khẩu của Brazil - nước xuất khẩu lớn nhất khu vực giảm 11,4% so với vụ trước xuống còn 38,1 triệu bao. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, xuất khẩu cà phê của Brazil giảm xuống dưới 40 triệu bao. Yếu tố mùa vụ và các vấn đề về logistics đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cà phê của nước này trong niên vụ vừa qua.

Trong tháng 10, giá cà phê toàn cầu đã giảm gần 11% so với tháng trước và là tháng giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Đồng thời, ước tính sơ bộ của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022 đạt gần 129 triệu bao, giảm nhẹ 0,4% trong niên vụ trước.

Theo số liệu của ICO, chỉ số giá cà phê tổng hợp toàn cầu (I-CIP) trong tháng 10 ghi nhận tháng giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay với mức giảm lên tới 10,6% so với tháng trước, xuống còn bình quân 177,2 US cent/pound (dao động ở mức 159,3 - 194,9 US cent/pound).

Nhìn chung giá bình quân của 4 nhóm cà phê chính đều giảm trong tháng vừa qua với Arabica Colombia và Arabica khác giảm 10,9% và 10,2%, xuống còn 261,9 US cent/pound và 240,1 US cent/pound. Nhóm cà phê Arabica Brazil giảm tới 12,4% xuống 192,3 US cent/pound.

Cuối cùng là cà phê Robusta giảm 7,5%, đạt trung bình 103 US cent/pound trong tháng 10.

Về nguồn cung, ICO vẫn giữ nguyên dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ dự báo tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.

Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) đạt gần 129 triệu bao loại 60 kg/bao, giảm 0,4% so với niên vụ 2020-2021.

Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ Brazil như đã nói trên, nhà sản xuất và xuất khẩu Arabica lớn nhất thế giới đã ghi nhận lượng cà phê nhân xanh xuất khẩu giảm 12,5% trong niên vụ vừa qua. Brazil đã thu hoạch một vụ mùa nhỏ hơn do “trái vụ” cà phê Arabica, trong khi xuất khẩu cũng gặp khó khăn do tình trạng thiếu container vận chuyển và cước phí tăng cao.

Xuất khẩu nhóm Arabica Colombia cũng giảm 7,1% so với niên vụ trước xuống còn 12,14 triệu bao, mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Colombia - nước xuất khẩu chính của chủng loại cà phê này chỉ xuất khẩu 10,8 triệu bao cà phê nhân xanh trong vụ vừa qua, thấp nhất kể từ năm 2014 do thời tiết bất lợi làm giảm nguồn cung. Sản lượng cà phê của Colombia trong niên vụ 2021-2022 ước tính chỉ đạt 11,7 triệu bao, giảm tới 13% so với niên vụ trước đó.

Ở chiều ngược lại, khối lượng xuất khẩu của nhóm cà phê Arabica khác tăng 1,3% trong niên vụ 2021-2022 lên 23,9 triệu bao. Khối lượng xuất khẩu kỷ lục của Peru và Nicaragua đã bù đắp cho sự sụt giảm của Honduras và Guatemala.

Xuất khẩu cà phê Robusta cũng tăng 2,6% so với niên vụ trước lên mức 42,2 triệu bao. Việt Nam và Ấn Độ là hai nước xuất khẩu đạt mức tăng trưởng nổi bật trong niên vụ 2021-2022.

Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh của Việt Nam tăng 15,1% so với niên vụ trước lên 26,8 triệu bao, còn Ấn Độ tăng 26,1% lên 5 triệu bao. Ngược lại Burundi và Uganda là hai nước xuất khẩu giảm mạnh nhất, giảm 62,1% và 10% xuống còn 134.000 bao và 5,8 triệu bao.

Giá cà phê tiếp tục xuống thấp kỷ lục, quá nhiều lo ngại - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Giá cà phê tiếp tục xuống thấp kỷ lục, quá nhiều lo ngại - Ảnh 3.

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế (*) Ghi chú HS 0901 Cà phê, đã hoặc chưa rang hoặc chưa tách cafein; vỏ và vỏ cà phê; sản phẩm thay thế

Giá cà phê tiếp tục xuống thấp kỷ lục, quá nhiều lo ngại - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá cà phê tiếp tục xuống thấp kỷ lục, quá nhiều lo ngại - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá cà phê tiếp tục xuống thấp kỷ lục, quá nhiều lo ngại - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Theo số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 10 vừa qua, nước ta xuất khẩu 79.833 tấn cà phê với kim ngạch đạt hơn 207,8 triệu USD. So với tháng 9, xuất khẩu cà phê giảm mạnh 13,7% về lượng nhưng chỉ giảm 8,5% về giá trị do chưa chính thức vào mùa vụ và lượng hàng tồn kho không còn nhiều.

Tuy nhiên, luỹ kế trong 10 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu cà phê vẫn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng rất mạnh 33,7% giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, có thể nói, trong năm nay, nước ta đã có mùa vụ cà phê được mùa, được giá.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục