Bất động sản nghỉ dưỡng còn là điểm sáng của thị trường trong thời gian tới?
Đã có hàng trăm nghìn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng
Phát biểu tại toạ đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới" vừa tổ chức tại Thanh Hoá, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, 10 năm qua bất động sản vượt khó, chúng ta đã hoàn chỉnh thêm 1 bước về các luật để hoàn chỉnh thị trường bất động sản, các doanh nghiệp cũng tìm cách vượt qua các khó khăn dưới tác động một phần của Chính phủ.
"10 năm trước, Việt Nam thừa nhà ở, nhiều người cho rằng bất động sản là dịch vụ chứ không phải kinh doanh nên thả trôi cho tự sinh tự diệt. Nhưng hiện nay, xu thế đó đã đảo ngược, thị trường luôn trong tình trạng không đủ để bán", ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định về bất động sản giai đoạn 2010-2020.
Theo ông Hà, 10 năm qua, mỗi năm Việt Nam phát triển 60 triệu m2 nhà, tăng 6,5 m2 trên đầu người trong một năm.
Trong đó, điểm sáng nhất là thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, khoảng 230 dự án bất động sản nghỉ dưỡng được triển khai, 80.000 căn condotel, 10.300 phòng khách sạn, hơn 14.000 shophouse, chủ yếu giai đoạn 10 năm vừa qua thay đổi bộ mặt của các địa phương có dự án được triển khai.
Chia sẻ thêm, ông Hà cho biết, năm 2010 có Nghị quyết 02 gỡ khó cho bất động sản và bất động sản trở thành đầu kéo gỡ khó cho nền kinh tế. Khi khó khăn người ta nghĩ việc vực dậy thị trường bất động sản để kéo theo các lĩnh vực, ngành khác.
Đồng quan điểm với ông Hà, ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng giám đốc Công ty Eurowindow đưa ra đánh giá cho 2 giai đoạn: Giai đoạn từ 2010-2014 và từ 2014 đến 2020 trong đó giai đoạn thứ 2 là giai đoạn khởi sắc của nền kinh tế và của thị trường bất động sản khi chúng ta có những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp.
Xu hướng tương lai bất động sản
Trước câu hỏi về thị trường bất động sản 2,3 năm tới, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản đều bày tỏ thái độ lạc quan và tin tưởng vào đà phục hồi từ cuối năm nay.
Trong đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà nhận định, diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay khác với năm 2010. "Trước đây chúng ta khủng hoảng thừa, còn hiện nay là bị thiếu. Pháp lý để dự án đưa vào kinh daonh và triển khai đầu tư rất ít", ông nói.
Cũng theo ông Hà, dịch Covid-19 làm thay đổi nhận thức, ý thức, ứng xử của khách hàng trong thị trường bất động sản. Người có tiền vẫn xuống tiền để mua nhà, chứ không tiết kiệm như trước đây, ông nhận định. Trong thời gian ngắn, bất động sản là nhu cầu thiết yếu, nhưng vẫn cần suy tính đến nhu cầu tương lai với nhà ở tiêu chuẩn cao hơn so với bây giờ, đặc biệt là sản phẩm nhà thông minh. Theo ông, không thể áp dụng giải pháp như năm 2010, mà cần phải suy nghĩ khác đi.
Thứ 2 là xu thế phát triển bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng của thị trường trong một vài năm tới. Không phải chúng ta phụ thuộc thị trường mà doanh nghiệp, doanh nhân phải đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
"Tôi hy vọng sắp tới, các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư lớn phải dẫn dẵn thị trường để vượt qua khó khăn. Tôi lạc quan vào sự phát triển của thị trường", ông Nguyễn Mạnh Hà kết luận.
Tương tự, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty Eurowindow, cũng tin rằng trong nguy có cơ. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay Covid-19 đều tiềm ẩn cơ hội và thách thức. Đơn cử như Việt Nam đang chào đón xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang một cách ồ ạt tạo nên làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp. Từ đó, thị trường sẽ có sự sàng lọ tự nhiên, loại bỏ những doanh nghiệp bất động sản yếu kém.
Trong thời gian tới, các chính sách sẽ dần hoàn thiện hơn, đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bất động sản "rộng đường" phát triển.
Ông Hồng Anh cũng tin rằng trong ngắn hạn hết năm nay sẽ có khởi sắc nhưng khá thấp vì hiện có nhiều kênh đầu tư tốt hơn. Người dân tâm lý vẫn chờ bất động sản xuống giá. Tuy nhiên bất động sản vẫn có cơ hội từ dân số trẻ, nhu cầu nhà ở nhiều, mức sống người dân tăng cao. Riêng bất động sản du lịch là kênh có tốc độ tăng giá nhanh nhất.
Ngoài ra, nhìn nhận về điểm sáng bất động sản trong thời gian tới, bà Hà Thu Thanh, đại diện Deloitte khẳng định, xu hướng bất động sản là rất lạc quan. Trong đó, cùng với các phân khúc như nhà ở, văn phòng, bất động sản công nghiệp "sẽ là điểm rất sáng" vì xu hướng dịch chuyển sản xuất, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chiến lược "Trung Quốc +1".
"Trước đây, nếu như đầu tư bất động sản hướng đến ưu đãi, thuế, giảm giá đất, thì ngày nay, bất động sản cần sự kết nối hạ tầng đầy đủ, gồm logistics, năng suất lao động, công nghiệp phụ trợ. Hiện Việt Nam đang có bao nhiêu phần?", bà Thanh kết thúc bằng câu hỏi ngỏ.